Căng thẳng thương mại dẫn đến Chiến tranh Lạnh?
Những tuyên bố của ông từ Washington về khả năng chuyển hướng tình trạng căng thẳng thương mại hiện nay với Trung Quốc thành một cuộc chiến tổng lực về kinh tế, đã khiến hội nghị tại Osaka trở thành một trong những hội nghị G20 mang tính trọng yếu nhất kể năm 2008 khi các nhà lãnh đạo thảo luận cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Sự kiện đáng chú ý nhất tại Osaka lần này sẽ là cuộc gặp bên lề giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sau nhiều thông tin trái chiều về khả năng diễn ra cuộc gặp, Tổng thống Trump vào ngày 18/6 đã xác nhận cuộc gặp sẽ diễn ra trên mạng xã hội twitter, sau khi ông cho biết đã có "cuộc điện đàm tốt đẹp" với người đồng cấp bên phía Trung Quốc.
Viễn cảnh lý tưởng nhất mà các nhà phân tích và chuyên gia từ cả 2 nước đưa ra sau cuộc gặp là khả năng Mỹ sẽ dừng áp thuế nhập khẩu mới và các bên nối lại đàm phán thương mại trước đó đã bị ngắt quãng từ tháng 5.
Dẫu cho một thoả thuận đình chiến thương mại sẽ chỉ làm gia tăng những bất ổn và đồn đoán vốn đã kéo dài từ năm ngoái, ít nhất điều này cũng sẽ tạo ra hi vọng cho một sự ổn định trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, trường hợp xấu nhất sẽ là viễn cảnh căng thẳng thương mại chuyển biến thành 1 cuộc Chiến tranh Lạnh. Nếu cuộc gặp không diễn ra hoặc 2 nhà lãnh đạo không đi đến thống nhất, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong đó, thị trường tài chính thế giới sẽ phải hứng chịu tác động trực tiếp, kèm theo là tốc độ tăng trưởng toàn cầu suy giảm.
Đây là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, bởi cả Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình luôn giữ 2 cách tiếp cận đàm phán hoàn toàn trái ngược. Đối với Tổng thống Trump, đó là phong thái phá cách và luôn tạo ra sự bất ngờ đối với người đối diện. Ngược lại, ông Tập Cận Bình cho thấy sự cẩn trọng. Ngoài ra, Bắc Kinh luôn đảm bảo mọi cuộc gặp mặt với sự tham dự của nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Thế khó của ông Tập Cận Bình
Khi một số ý kiến ở Trung Quốc cho rằng những hành động của Tổng thống Trump là sự "bắt nạt", điều này đặt ông Tập Cận Bình vào thế khó để chấp thuận các yêu sách của Mỹ từ việc cải cách nền kinh tế cho đến thắt chặt quyền sở hữu trí tuệ và giảm trợ cấp doanh nghiệp.
Theo đó, việc càng đẩy ông Tập Cận Bình vào chân tường sẽ khiến nhà lãnh đạo này khó có thể đạt được thoả thuận với ông Trump mà không bị xem là ở "chiếu dưới", Daly nói.
Những vấn đề nội tại trong nước như nền kinh tế suy yếu, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông hay vấn đề Tân Cương... khiến ông Tập Cận Bình bị giới hạn về sự lựa chọn.
Trong bối cảnh đó, cuộc chiến thương mại với Mỹ tiếp tục kéo dài sẽ khiến tình trạng trong nước tiếp tục xấu đi.
Ngoài ra, việc nhiều lần tuyên bố rằng ông đang ở thế thượng phong so với ông Tập Cận Bình, Tổng thống Trump chỉ khiến tình hình trở nên khó khăn hơn, trong khi đáng ra một cách tiếp cận mềm dẻo có thể sẽ giúp giải quyết tình hình, Robert Daly, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson, Washington, nhận định.
Thỏa thuận sẽ có vào cuối năm nay?
Clete Willems, cựu cố vấn kinh tế quốc tế cho Tổng thống Trump lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có một thỏa thuận vào cuối năm nay. Những đe dọa về thuế quan và leo thang gần đây của ông Trump, nhắm đến việc thúc đẩy một thỏa thuận hơn, ông Willems nói.
Một manh mối hé lộ khả năng này khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã hoãn một bài phát biểu dự kiến diễn ra vào ngày 24/6 về Trung Quốc do kết quả của sự tiến bộ trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Matthew Goodman, chuyên gia tại CSIS, thì cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về khả năng một cuộc Chiến tranh Lạnh. Kể cả khi ông Trump tiếp tục đưa ra những cảnh báo với Trung Quốc, hay sử dụng các biện pháp gây sức ép lên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, Goodman cho rằng mục tiêu hiện tại của Mỹ sẽ vẫn là đạt được vị thế thương mại cân bằng hơn với Trung Quốc.