Bí ẩn việc cắt giảm lương ở các CLB châu Âu

Đào Tùng |

Juventus không phải trả lương cho cầu thủ trong 4 tháng, Messi kêu gọi đồng đội cắt giảm 70% thu nhập để cứu Barcelona qua cơn khốn khó… là đề tài được đề cập nhiều nhất của bóng đá châu Âu thời đại dịch Covid-19.

Vấn đề là các CLB bóng đá có thực sự khó khăn đến mức phải "đè nghiến" cầu thủ ra để cắt giảm thu nhập của họ nhằm giảm thiểu áp lực từ việc thua lỗ mà đội bóng dự kiến phải hứng chịu?

Cầu thủ nhận mức lương cao là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, bảo cầu thủ giàu mà quên đi đóng góp của họ cho nền kinh tế quốc gia sở tại là không công bằng. Cầu thủ ở Monaco, Tây Ban Nha, Anh… được trả lương sau khi đã khấu trừ đến 45% thuế cộng với chi phí bảo hiểm, đồng nghĩa là gần một nửa số tiền họ kiếm được đều quay lại kho bạc quốc gia.

Bí ẩn việc cắt giảm lương ở các CLB châu Âu - Ảnh 1.

Chelsea xứng đáng là niềm tự hào của London và cả bóng đá Anh. Ảnh: REUTERS

Mùa đại dịch, nhiều cuộc họp ở Giải Ngoại hạng Anh về chuyện cắt giảm lương đã kết thúc không như mong đợi. Dư luận lên tiếng mạnh mẽ đến độ các "ông lớn" như Liverpool, Tottenham phải hổ thẹn, không dám đưa nhân viên CLB vào chế độ hưởng lương tạm thời của nhà nước, đồng thời để các cầu thủ tự quyết chuyện giảm lương. Ở Barcelona, chuyện được "xé ra to" khi lương cầu thủ bị cắt đến 70%, còn quan hệ giữa đội bóng với dàn lãnh đạo xấu đi nghiêm trọng.

Bí ẩn xung quanh việc các đội bóng gặp khó, phải yêu cầu cầu thủ cắt giảm lương để chia sẻ đã bị "bóc mẽ" sau những gì Chelsea đã làm. Dự báo sẽ thất thu xấp xỉ 100 triệu bảng từ bản quyền truyền hình, tiền bán vé và các hợp đồng thương mại… chỉ sau 3 "đại gia" Man United, Man City và Liverpool nhưng trong thông báo hôm 25-4, "The Blues" cho biết sẽ không yêu cầu cầu thủ cắt giảm lương, đồng thời bảo đảm chi trả thu nhập cho nhân viên CLB, kể cả những người chỉ làm việc trong những ngày có trận đấu.

HĐQT Chelsea khẳng định sẽ tự thanh toán mọi khoản chi trong thời gian đội bóng ngưng thi đấu vì dịch bệnh và đề nghị các cầu thủ sử dụng số tiền lương tự cắt giảm (mức thỏa thuận nội bộ chỉ là 10%) để quyên góp cho các tổ chức từ thiện. Chelsea thậm chí còn hoàn trả chi phí di chuyển cho 3.800 khán giả đã mua vé cho trận đấu với Bayern Munich tại Đức đã bị hủy bỏ.

Làm được nhiều điều trong suốt cuộc khủng hoảng như giao khách sạn 128 phòng tại Stamford Bridge cho cơ quan chống dịch sử dụng miễn phí; cung cấp 81.000 bữa ăn cho nhân viên y tế và tài trợ nhiều phương tiện, vật tư, thuốc men phòng chống dịch Covid-19, Chelsea đã cho thấy sự thật trần trụi đằng sau những lời than vãn khó khăn của các đội bóng lớn mùa dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại