Bí ẩn tộc người 12.000 tuổi với ma thuật tan chảy ngà ma mút

Thu Anh |

Khoa học cổ đại gây khó khăn cho khoa học hiện đại. Đó là mô tả của các nhà khảo cổ Nga khi tiến vào khu định cư 12.000 năm ở Siberia, nơi xuất hiện những bức tượng kỳ lạ bằng ngà ma mút tan chảy.

Một cuộc khai quật tại Afonto Gora-2 - Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC NGA

Một cuộc khai quật tại Afonto Gora-2 - Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC NGA

Nghiên cứu đẫn đầu bởi tiến sĩ Evgeny Artemyev từ Phòng thí nghiệm Khảo cổ học và địa lý học Krasnoyask ở Trung Siberia, đồng thời là thành viên Viện khảo cổ học và dân tộc học chi nhánh Siberia (trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga), đã khám phá những bức tượng kỳ lạ được tìm thấy từ khu khảo cổ Afonto Gora-2.

Khu khảo cổ này chứa đựng tàn tích những khu định cư kỷ băng hà, nơi cư dân chủ yếu là những thợ săn ma mút, gấu và các động vật cỡ lớn cổ đại. Những bức tượng nói trên cũng làm bằng ngà ma mút lông xoắn và xương gấu, nhưng gây bất ngờ bởi các phân tích cho thấy chúng đã bị làm cho tan chảy, mềm dẻo trước khi định hình thành tượng.

Dấu vết kỹ thuật chế tác được mô tả "như ma thuật" này còn để lại trên những phiến đá được dùng như công cụ đẽo tượng. Theo các tác giả, ngà ma mút đã được làm cho trở thành "gần như là chất lỏng" trước khi chế tác tượng.

Bí ẩn tộc người 12.000 tuổi với ma thuật tan chảy ngà ma mút - Ảnh 1.

Các bức tượng và đoạn ngà voi cho thấy chúng đã bị làm cho tan chảy, mềm ra gần như chất lỏng rồi mới định hình lại - Ảnh:VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC NGA

Nói trên Ancient Origins, tiến sĩ Artemyev cho biết họ chưa từng gặp điều gì tương tự trước đây. Thứ khoa học cổ đại này dường như thách thức khoa học hiện đại.

Theo phân tích trên Scientific American, ngà voi có thể được làm mềm bằng cách đun sôi trong gelatin và ngâm trong bể axit phosphoric, sau đó làm khô trong vải lanh. Khi ngà sau xử lý đã cứng lại, có thể làm nó trở nên tương đối mềm lần nữa bằng nước ấm và sữa.

Bí ẩn tộc người 12.000 tuổi với ma thuật tan chảy ngà ma mút - Ảnh 2.

Một bức tượng "ngà ma mút tan chảy" - Ảnh: VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC NGA

Tuy các bằng chứng cho thấy tộc người kỷ băng hà ở Siberia đã tiếp cận được với sữa, gelatin chiết xuất từ móng động vật, nhưng một bí ẩn lớn vẫn chưa thể giải thích là làm sao họ có được axit phosphoric, thứ mà người hiện đại vẫn phải điều chế trong phòng thí nghiệm mới có?

Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để giải đáp điều này và không loại trừ khả năng tộc người cổ đại này sở hữu một phương pháp hóa học hoàn toàn khác biệt so với cách làm mềm ngà voi mà chúng ta đã tìm ra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại