Theo chia sẻ trên tờ The Guardian của giáo sư Ben Garrod từ Đại học Đông Anglia, tác giả đứng đầu nghiên cứu, các quái thú khổng lồ này là ma mút thảo nguyên, một giống loài đã tuyệt chủng từ 200.000 năm trước sau hơn 1,6 triệu năm thống trị các thảo nguyên tiền sử.
Những khúc xương khổng lồ, được bảo quản rất tốt tại mỏ đá ở Anh - Ảnh: DigVentures
Tất cả bắt đầu từ một chiếc rìu đá được chế tác bằng công nghệ độc đáo của người Neanderthals, một loài đã tuyệt chủng cùng thuộc chi Người (Homo) với Homo sapiens chúng ta.
Địa điểm mang đầy bí ẩn, tại một mỏ đá thuộc vùng Cotswolds của Anh, tiếp tục hé lộ cả một bộ công cụ Neanderthals đặc sắc và những khúc xương khổng lồ đã 215.000 năm, trong tình trạng tốt ngoài mong đợi.
Nhiều khúc xương có dấu hiệu của tác động từ công cụ của con người - Ảnh: DigVentures
Theo tờ Acient Origins, việc tìm thấy xương ma mút thảo nguyên là điều phi thường. Bởi không như các loài ma mút kỷ băng hà, loài này đã tuyệt chủng quá lâu. Trên nhiều khúc xương có dấu vết cho thấy đã bị công cụ của con người tác động vào.
Các dấu vết cho thấy đã có 5 người Neanderthals sinh hoạt ở địa điểm này, gồm 2 cá thể trưởng thành, 2 cá thể trong giai đoạn niên thiếu và 1 đứa trẻ sơ sinh.
Một chiếc ngà ma mút thảo nguyên đang được phân tích - Ảnh: DigVentures
Tất cả các bằng chứng nói trên cho thấy đây có thể là một địa điểm được gia đình người Neanderthals bí ẩn sử dụng như nơi xẻ thịt và bày tiệc ma mút trong một thời gian dài. Việc phân tích các bộ xương vẫn đang được tiếp tục và nếu thu thập đủ bằng chứng để khẳng định, đây sẽ là "lò mổ" ma mút thảo nguyên lâu đời nhất được khai quật ở nước Anh.
Các nhà khoa học cũng cho rằng phát hiện này có giá trị to lớn trong việc tìm hiểu sự chiếm đóng của con người ở Anh quốc, cũng như phân tích các tác động kết hợp giữa con người và môi trường trong sự tuyệt chủng của các quái thú tiền sử.