“Bệnh đồng tính”: Định kiến sai lầm vẫn âm thầm tồn tại

PV |

2022 đánh dấu 32 năm kể từ ngày đồng tính được loại bỏ khỏi danh mục các bệnh quốc tế (ICD).

Tuy nhiên, sau ngần ấy thập kỷ, chúng ta vẫn thấy những bình luận trên mạng xã hội hoặc nghe những lời nói ám chỉ đồng tính, hay rộng hơn - LGBTQ+ là "bệnh", thậm chí "lây lan".

Tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn khi không ít bạn trẻ bị gia đình đưa đi "khám chữa bệnh" với hi vọng có thể "trở lại bình thường", "nối dõi tông đường" như ý muốn của người thân.

Tình trạng bệnh lý hoá LGBTQ+ vẫn tồn tại

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử của xã hội đối với người thuộc cộng đồng LGBTQ+, đặc biệt là các hình thức được cho là giúp "chữa trị", "chuyển đổi giới tính", đã gây ra những tổn thương khó lành về tinh thần lẫn thể chất. Thực trạng đáng buồn ghi nhận nhiều trường hợp người LGBTQ+ từ khỏe mạnh trở nên trầm cảm, thậm chí tự tử.

“Bệnh đồng tính”: Định kiến sai lầm vẫn âm thầm tồn tại - Ảnh 1.
“Bệnh đồng tính”: Định kiến sai lầm vẫn âm thầm tồn tại - Ảnh 2.

Theo khảo sát của Viện iSEE.

Bản chất LGBTQ+ không phải là một bệnh lý. Điều này đã được sự đồng thuận từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các Hiệp hội ngành nghề tâm lý và tâm thần trên thế giới. Nhiều bằng chứng chỉ ra rằng người LGBTQ+ vẫn sống cuộc sống hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường, nếu loại trừ áp lực từ sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội. Nhiều tài liệu y văn cũng cho thấy sự hấp dẫn, cảm giác và hành vi tình dục đồng giới là thiên hướng tự nhiên đa dạng về tính dục của loài người. Các hành vi "chữa trị" người đồng tính, song tính và chuyển giới không đem lại các thay đổi lâu dài về xu hướng tính dục hay bản dạng giới, mà ngược lại, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng về tâm lý và thể chất cho người LGBTQ+.

Hơn thế nữa, đồng tính và chuyển giới đã được loại bỏ khỏi Chương "Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi", trong Danh mục các bệnh Quốc tế (ICD) của WHO lần lượt từ năm 1990 và 2019. Tuy nhiên, việc áp dụng và thực thi các chuẩn mực quốc tế vẫn còn nhiều bất cập tại Việt Nam. Các bệnh viện, phòng khám vẫn tiếp nhận khách hàng là người LGBTQ+ và tiến hành "khám chữa" thông qua các liệu pháp hormone, điều trị tâm lý hay dùng thuốc, gây ra các hậu quả không thể đảo ngược. Các cơ quan có thẩm quyền trong ngành Y tế cũng chưa có phát ngôn chính thức liên quan tới các thực hành có hại và không tuân theo chuẩn mực quốc tế này.

“Bệnh đồng tính”: Định kiến sai lầm vẫn âm thầm tồn tại - Ảnh 3.

Một bài đăng từ cộng đồng mạng khi phát hiện một bệnh viện lớn trong nước ám chỉ việc đồng ý tiếp nhận "điều trị giới tính". Hiện bài viết của bệnh viện đã được gỡ bỏ.

Cần một tiếng nói để chấm dứt định kiến

Tháng 11/2021, Viện iSEE phát động chiến dịch Leave with Pride #NgưngBệnhLýHóaLGBTQ+ kêu gọi người dân cùng cất tiếng nói đến WHO Việt Nam nhằm làm rõ vấn đề này. Chiến dịch kéo dài một tháng đã nhận được không ít sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Kết quả đến nay tổng hợp được hơn 84 ngàn chữ ký và 28 ngàn câu chuyện cá nhân gửi về.

“Bệnh đồng tính”: Định kiến sai lầm vẫn âm thầm tồn tại - Ảnh 4.

Ảnh từ Facebook Fanpage của Viện iSEE.

Những hệ lụy như sự kỳ thị và phân biệt đối xử đến từ tư tưởng bệnh lý hóa LGBTQ+ có thể được cải thiện đáng kể, hoặc kết thúc khi WHO Việt Nam tuyên bố chính thức một lần nữa - LGBTQ+ không phải là một bệnh lý, kèm theo những khẳng định quan trọng về việc nên tồn tại hay không những hình thức cho uống thuốc, uống bùa, điều trị hormone… đối với người đồng tính, chuyển giới với mong muốn biến họ trở thành người dị tính.

Chiến dịch hi vọng WHO Việt Nam sớm có một phát ngôn rõ ràng, dễ tiếp cận, cải thiện tình trạng bệnh lý hoá LGBTQ+ còn tồn tại, để trong tương lai sẽ không còn những trường hợp thương tâm như những người trong cộng đồng LGBTQ+ lâm vào cảnh trầm cảm, chấn thương tâm lý hay tự huỷ hoại sau khi trải qua việc "điều trị đồng tính" không đáng có.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại