Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội) cho cho biết các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặtvừa tiếp nhận bệnh nhi Nguyễn Quang P. (8 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội) bị chó béc-giê cắn rách mặt và môi.
Bố bệnh nhân cho biết ngày cuối tuần gia đình có đưa con trai sang nhà bà ngoại chơi. Trong lúc cùng các bạn chơi đùa với chó béc-giê , bé P. bất ngờ bị con chó nặng hơn 20 kg này chồm lên, cắn vào mặt rồi dùng chân giữ chặt lấy cậu bé.
Nghe thấy tiếng la hét của cháu, bà ở trong nhà chạy ra đuổi chó và gỡ cháu ra. Vết thương vùng mặt cháu P. chảy rất nhiều máu, gia đình hoảng loạn dùng chiếc áo sạch để cầm máu rồi nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện huyện sơ cứu. Ngay sau đó cháu P. được tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Cuba cấp cứu.
Bệnh nhi đang được theo dõi, chăm sóc vết thương do bị chó cắn - Ảnh: Nguyễn Hùng
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội), cho biết bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sợ hãi, vết thương hàm mặt nặng nề, trong đó vết thương má trái rộng khoảng 6 cm, mất tổ chức cơ, môi trái đứt ngang cơ vòng môi. Bệnh nhi được vệ sinh vết cắn, khâu định hướng để cầm máu và đưa đi tiêm phòng dại. Sau ngày sau nhập viện điều trị, hiện vết thương của bé P. đã khô, có thể xuất hiện vào cuối tuần này.
Theo bác sĩ Cường, bệnh nhi khá may mắn vì nếu vết cắn sâu thêm chút nữa có thể ảnh hưởng tuyến nước bọt gây rò nước bọt hoặc ảnh hưởng dây thần kinh gây liệt mặt. Các bác sĩ cho biết tại đây mỗi năm tiếp nhận khoảng 10 trường hợp bị chó cắn, trong đó đa số là học sinh cấp 1. Trường hợp nặng nhất bị chó cắn mất một phần môi, phải tạo hình lại.
Bác sĩ Cường khuyến cáo, bậc cha mẹ và người lớn không để con trẻ chơi đùa với chó, mèo. Trường hợp bị chó cắn trước hết cần dùng khăn bông dày sạch bịt và ép chặt vết thương để cầm máu tạm thời, sau đó chuyển đến các bệnh viện gần nhất để cấp cứu. Tuyệt đối không đắp thuốc để tránh nhiễm trùng.