Bước vào độ tuổi mẫu giáo , con phải làm quen với môi trường mới, mối quan hệ mới. Những đứa trẻ từng mỗi ngày bám dính với bố mẹ nay lại phải đi học thế nên không ngoa nếu nói chúng đều ngóng chờ giờ tan học nhất, vì lúc này được phụ huynh đến đón về nhà sau một ngày dài.
Mới đây, một giáo viên họ Lý ở Trung Quốc đã chia sẻ câu chuyện khiến cô vô cùng day dứt lên MXH. Theo đó, trong lớp của cô có một bé gái khá khép kín. Cô bé rất thụ động và tỏ ra không mấy vui vẻ khi được mẹ đưa đến lớp. Khi các giáo viên đến tiếp cận để hỏi xem cô bé gặp vấn đề gì thì em lúc nào cũng ngập ngừng, muốn nói ra điều gì nhưng lại không thể.
Vì thấy đứa trẻ lúng túng mỗi khi gặp những câu hỏi như thế nên chị Lý cũng không xoáy sâu quá nhiều. Chị định rằng sẽ tìm gặp và trao đổi với phụ huynh để mong giúp đứa trẻ này trở nên vui vẻ hơn.
Nhưng một hôm, đến giờ tan học, khi các bạn đã được bố mẹ đón về hết, chỉ duy nhất một mình em còn ở lại. Chờ mãi đến chập tối vẫn không ai đến rước em về. Lúc này, chị Lý đã tìm số điện thoại của phụ huynh trong học bạ của bé để liên lạc nhưng không có bất kỳ ai nhấc máy.
Nhìn đứa trẻ lủi thủi xách chiếc cặp đi qua đi lại, cô giáo họ Lý mới tiến lại gần đỡ hộ chiếc cặp cho cô bé. Lúc này, chị mở thử xem bên trong có gì thì điều chị thấy đã khiến chị vô cùng tức giận.
Trong chiếc cặp là một số bộ quần áo được xếp đầy. Lý do có những bộ quần áo này là vì bố mẹ của đứa bé đã quyết định để con mình ở lại trường thay vì đón về.
Sau khi tìm địa chỉ nhà của học trò, cô giáo đã đích thân dẫn bé gái về thì phát hiện ra rằng, đôi vợ chồng này đã cãi nhau và không ai chịu trách nhiệm đưa đón con gái trong lúc xảy ra mâu thuẫn cả. Họ bỏ mặc con gái ở lớp và xem trường mẫu giáo là nơi có nghĩa vụ phải chăm sóc con cái thay họ ngay cả ban đêm.
Chuyện cha mẹ cãi nhau là chuyện rất bình thường, nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cha mẹ cũng không nên để con ở lại nhà trẻ khi đã hết giờ tan học. Điều này cũng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các bé, không chỉ gây nguy hiểm vì để trẻ một mình mà còn khiến các em sẽ chịu nhiều tổn thương tinh thần.
Bố mẹ thường xuyên mâu thuẫn vì những chuyện vụn vặt, tâm hồn của những cô bé, cậu bé sẽ trở nên nhạy cảm hơn vì suy cho cùng, không đứa trẻ nào muốn nhìn thấy những người thân nhất của mình làm tổn thương nhau.
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ tự ti về bản thân và chính gia đình của mình, thậm chí sẽ tự tạo khoảng cách giữa mình với cha mẹ nếu các con liên tục chứng kiến những câu chuyện cãi vã từ phụ huynh.
Thêm nữa, nếu trẻ sống trong một gia đình có những nguồn năng lượng tiêu cực từ nhỏ, tính cách của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng, chúng sẽ trở nên cáu kỉnh và luôn không kiềm chế được cảm xúc của mình. Điều này thực sự không tốt cho sức khỏe tinh thần của mỗi đứa trẻ.
Những điều trên để cho thấy, phụ huynh nên cân nhắc và lựa chọn cách giải quyết phù hợp khi xảy ra mâu thuẫn để tránh làm tổn thương tới những đứa trẻ.
Theo Sohu