Bắt xe vi phạm: Công an, nhà báo... sao nỡ ngồi lên luật

Hoàng Xuân |

Từ khi có mạng xã hội, chuyện công an, nhà báo xin xỏ, linh động khi vi phạm luật giao thông, từ những chuyện "chỉ nghe nói" khi trà dư tửu hậu, đã trở nên trực quan bằng những clip sống động được chia sẻ chóng mặt với bao nhiêu lời bình phẩm tiêu cực.

Chuyện của đồng nghiệp tôi, những nhà báo giơ thẻ ra để xin bỏ qua một lỗi vi phạm giao thông thì đã chứng kiến và nghe kể thật nhiều. Nói ra xấu hổ, nhưng thời trẻ tôi cũng đã vài lần làm vậy. Sau này khi ý thức về sự công chính tăng lên thì tôi tuyệt đối không "tái phạm" lần nào nữa.

Cách đây ít lâu tôi được đọc chia sẻ trên mạng xã hội của một nhà văn nổi tiếng. Chị kể hôm ấy vi phạm bị CSGT thổi phạt, chị liền chìa thẻ hội viên hội nhà văn ra và được ân cần thông cảm.

Chị còn bảo "may mà không phải thẻ nhà báo nên anh công an thiện chí ghê! Chứng tỏ xã hội quý trọng giới văn chương hơn giới báo chí".

Dưới chia sẻ đó là khá nhiều comment tâm đắc của các anh chị cùng ngạch văn chương với chị.

Còn tôi, tôi thấy mặt cứ rát dần lên. Tôi nghĩ sự hồn nhiên này thật đáng phê phán. Cứ cho là giới văn chương được xã hội coi trọng hơn giới báo chí đi, thì việc phải năn nỉ xin tha một cái lỗi sờ sờ thế ấy có làm tăng sự coi trọng được đâu.

Mà ngược lại, chính những hành xử như vậy góp phần hạ thấp phẩm giá người làm văn làm báo trong con mắt xã hội, trước nhất là trong con mắt những anh CSGT.

Những công an, nhà văn, nhà báo, người có quyền chức... vốn được xã hội giao trách nhiệm phát hiện và lên án những sai sót, vi phạm của người khác, khi chính mình vi phạm thì tại sao lại tự cho cái quyền ngồi lên luật như vậy?

Trong một xã hội văn minh, luật pháp phải cứng như sắt thép, không thể được bẻ cong. Trên lý thuyết, luật là luật, nó không cho phép bất cứ biến thể nào tồn tại.

Thương Ưởng, nhà cải cách vào giữa thời Chiến quốc của Trung Hoa, khi chuẩn bị thực hiện một chính sách pháp luật mới đã làm như sau: ở cửa nam của quốc đô, ông cho dựng một cây cột gỗ cao ba trượng, thông báo ai vác được cây cột đó đến cửa bắc sẽ được thưởng mười lạng vàng.

Người xúm quanh cây cột rất đông, không khí rất ồn ào bàn tán, nhưng không ai làm vì không tin. Thấy vậy, Thương Ưởng nâng mức thưởng lên năm mươi lạng.

Cuối cùng một người đã thử mang cây cột đó đến cửa bắc và quả thật anh ta được thưởng năm mươi lạng vàng. Việc ấy được loan truyền đi khắp cả nước Tần, mọi người bắt đầu tin vào biến pháp của Thương Ưởng.

Bản chất của luật là như thế, là đã ban hành thì phải áp dụng, trong quá trình thực hiện nếu phát hiện điểm không hợp lý thì chỉnh sửa. Thế nhưng thực tế trong xã hội Việt Nam, ở những góc khuất còn có thứ "luật" mà đôi khi hiệu quả hơn cả luật pháp. Dân gian gọi nó là luật "Bố thích".

Bắt xe vi phạm: Công an, nhà báo... sao nỡ ngồi lên luật - Ảnh 1.

Bố thích thì bố làm!

Đi đôi với "luật Bố thích" là vô vàn cách "vận dụng luật". Nói dễ hiểu, vận dụng luật là ... cong mềm mại, là bài toán cứ mỗi lần giải lại cho một kết quả khác nhau do phụ thuộc rất nhiều biến số.

Trong khi đáng lẽ phải dùng từ ngữ được cả thế giới văn minh sử dụng, là "áp dụng luật". Một là một, không oong - đơ.

Các biến số kể trên bao gồm: Gắn mác COCC, quen biết, thông cảm. Nào là hôm ấy vừa trúng số Vietlott nên có tâm trạng khi yêu, linh động nhé; nào là anh du di tôi - tôi biết điều với anh, mình đỡ thẳng tay với anh ấy thì anh ấy đỡ nghiệt ngã với mình...

Nó đẻ ra một mê cung "lách luật" quái dị.

Những con số biết nói dưới đây cho thấy điều gì?

Báo Tiền Phong dẫn lời Đại tá Đào Vịnh Thắng: "Từ 23/5 đến 29/6, lực lượng tuần tra phát hiện 381 trường hợp vi phạm là cán bộ trực thuộc Bộ Công an, 135 cán bộ vi phạm trực thuộc Công an Hà Nội.

Một cán bộ Cục CSGT, Bộ Công an chia sẻ: có ngày dừng 7 xe chạy quá tốc độ thì có tới 3 xe của cán bộ công an, 3 xe của nhà báo".

Nhưng, đâu chỉ trong lĩnh vực giao thông thì nạn ỷ quyền ỷ thế mới lộng hành. Cái thẻ COCC, cái "mật mã" gõ cửa "bạn anh Z", "cháu chị Y"... vốn có quyền lực đáng ghen tị trong tất cả các lĩnh vực, ai cũng biết nhưng chả ai nói ra.

Khi nói ra thì còn hơn cả chuyện ngàn lẻ một đêm. Điều này, các vị lãnh đạo cũng đã đề cập rất nhiều: Hậu duệ, đồ đệ...

Trên báo Tuổi trẻ từng có bài kể chuyện tại một buổi lễ có truyền hình trực tiếp. Khi một cán bộ trẻ được xướng danh bước lên sân khấu, dưới hàng ghế khách mời, lập tức một đại biểu quay sang hỏi ngay một đại biểu khác: "Đồng chí này con đồng chí nào?"

Vẫn theo bài báo trên, trong dân gian lưu truyền câu chuyện đùa cợt về "đúng quy trình": "Một vị lãnh đạo trả lời báo chí chúng tôi không hề ưu tiên cháu nó, em nó cũng phải phấn đấu từ cấp thấp nhất như mọi người, mọi thứ đều bảo đảm "ba đúng ba quy": Đúng quy định, đúng quy trình và đúng quy hoạch.

Cũng phải bắt đầu vào làm bảo vệ của cơ quan, rồi luân chuyển làm nhân viên văn phòng, phấn đấu thành phó phòng hành chính, lên chức trưởng phòng, lên phó giám đốc, nay được đề bạt làm giám đốc, dứt khoát mọi thứ đều rất minh bạch, rất công khai.

Nhà báo hỏi: Thưa, toàn bộ quá trình đó diễn ra trong bao lâu? Đáp rằng cũng khá lâu, khoảng chừng... sáu, bảy tháng!"

Thế nên biện pháp "lập danh sách" mà ngành công an đưa ra như kể trên, là việc phải làm, nên làm, nhưng liệu có hiệu quả vì hiện trạng ấy đã kéo dài hàng chục năm?

Bắt xe vi phạm: Công an, nhà báo... sao nỡ ngồi lên luật - Ảnh 2.

Nếu cái danh sách nhà báo, công an xin xỏ khi vi phạm ấy không được lên cùng các danh sách "lách luật" khác, thì việc xử lý không bao giờ triệt để.

Công lý vốn được biểu trưng bằng vị thần bịt mắt, nghĩa là vị trí xã hội, quan hệ, bằng cấp, vai vế, tiền bạc... vị thần ấy đều không nhìn thấy.

Bà chỉ cân đo bằng những quả cân đúng và sai theo luật. Do vậy giải pháp nền tảng để các danh sách đen kia biến mất, vẫn là thượng tôn pháp luật, quân pháp bất vị thân!

 Ấy là nói chung.

Còn nói riêng, chỉ cần đừng vị có tóc nào khi được cầu cứu xin xỏ lại gõ ngay xuống các anh CSGT, là vấn nạn đã được giảm đáng kể.

Nếu không, bản danh sách trên kia có thể được những người thừa hành luật pháp dùng cho mục đích khác: Nhìn vào những cái tên, biển số xe trong ấy để ... chủ động né.

Việc lập danh sách những người trong ngành công an hay nhà báo ỷ quen biết hay giở thẻ để xin không phạt khi vi phạm rất khó thực hiện.

-Không có bằng chứng: Người vi phạm gọi cho người quen rồi đưa điện thoại cho CSGT nói chuyện.

CSGT không nói chuyện trực tiếp với người vi phạm mà là nói với người chống lưng. Vì vậy việc lưu số của người vi phạm không đủ bằng chứng tố họ sai phạm.

Chỉ còn cách nghiêm trị theo luật và nên linh động cho nộp phạt tại chỗ những trường hợp quá phiền phức như bắt xe đúng ngày giờ phải quay lại hàng trăm cây số để nộp phạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại