“Bắt tay” Mỹ “mổ xẻ” S-400 đổi lợi ích riêng, Thổ đưa Nga vào thế khó?

Vũ Thu Hương |

Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đang đàm phán để thành lập nhóm làm việc chung nghiên cứu về các tác động của S-400 cũng như khả năng trừng phạt.

Theo Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán để thành lập một nhóm làm việc chung liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với việc Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga , Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu cho biết hôm thứ Tư.

Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với đồng minh NATO là Ban Giám đốc Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ (SSB), giám đốc Ismail Demir và ba nhân viên khác trong tháng này sau khi Ankara mua tên lửa S-400.

Các biện pháp trừng phạt được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington khi Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ Joe Biden chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1 thay cho Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Ankara trước đó đã đề xuất một nhóm công tác đánh giá tác động tiềm tàng của S-400 đối với các hệ thống của NATO nhưng ý tưởng này bị Washington bác bỏ.

Tuy nhiên, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, ông Cavusoglu cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hiện đã bày tỏ sự quan tâm đến việc thành lập một nhóm làm việc chung.

"Trong cuộc gặp với ông Pompeo, chúng tôi nhắc lại đề xuất của mình và người Mỹ nói rằng chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề này. Hiện đang có các cuộc đàm phán, nhóm làm việc chung vẫn chưa được thành lập ", ông Cavusoglu nói.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết việc mua S-400 không phải là một lựa chọn mà là một điều cần thiết, vì họ không thể mua hệ thống phòng không từ bất kỳ đồng minh NATO nào đáp ứng những điều kiện thỏa đáng.

Chưa rõ nếu việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay nhau nghiên cứu tác động, ảnh hưởng của S-400 thành sự thực, điều này có tác động không tốt tới Nga và phản ứng của Moscow sẽ ra sao.

Trong khi đó, Washington nói rằng hệ thống phòng không S-400 là mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu F-35 của họ và các hệ thống phòng thủ khác của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ điều này và nói rằng S-400 sẽ không được tích hợp vào NATO.

Ông Cavusoglu cũng cho biết hôm thứ Tư rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng thực hiện các bước để cải thiện mối quan hệ với Mỹ và hy vọng chính quyền sắp tới của ông Biden cũng sẽ đi theo tinh thần như vậy.

Trước đó, Nga khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ không được tự ý tái xuất khẩu tên lửa S-400, sau khi nghị sĩ Mỹ đề xuất mua lại hệ thống này từ Ankara.

“Bắt tay” Mỹ “mổ xẻ” S-400 đổi lợi ích riêng, Thổ đưa Nga vào thế khó? - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo.


"Để xuất khẩu sản phẩm quốc phòng, khách hàng mua vũ khí của chúng tôi phải cung cấp tờ khai người dùng cuối cho phía Nga. Đó là lý do khách hàng không thể chuyển giao hoặc tái xuất khẩu những khí tài đó sang nước thứ ba nếu thiếu giấy phép chính thức từ Nga", Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Nga từng cho biết.

Thượng nghị sĩ Mỹ John Thune từng trình lên quốc hội đề xuất sửa đổi Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) 2021, trong đó đề nghị dùng ngân sách lục quân Mỹ để mua lại một hệ thống tên lửa phòng không S-400 từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chấp nhận yêu cầu và quyết vận hành hệ thống S-400. Washington đáp trả bằng cách gạt Ankara khỏi chương trình siêu tiêm kích F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A nước này đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khỏi dây chuyền sản xuất F-35.

Washington cũng rút lại đề xuất bán các hệ thống Patriot trị giá 3,5 tỷ USD cho Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đe dọa mua tiêm kích Nga để thay thế F-35 và cảnh báo đóng cửa hai căn cứ chiến lược của Mỹ trên lãnh thổ nước này.

Trừng phạt Thổ để kiềm chế Nga

Theo Middle East, Ngoại trưởng Mike Pompeo khẳng định, mục đích của lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ khi mua S-400 của Nga là nhằm ngăn chặn Nga giành ảnh hưởng và không làm suy yếu khả năng quân sự của Ankara. Ông Pompeo cho rằng việc Ankara mua hệ thống tên lửa S-400 là: "Cho phép Nga tiếp cận các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các ngành công nghiệp phòng thủ của họ".

Tuyên bố này được đưa ra trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm tuần trước, trong đó tiết lộ rằng ông Pompeo đã thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu về các lệnh trừng phạt của Mỹ do Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

“Bắt tay” Mỹ “mổ xẻ” S-400 đổi lợi ích riêng, Thổ đưa Nga vào thế khó? - Ảnh 4.

S-400 khiến quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó.


Tuyên bố thông báo rằng ông Pompeo đã nói rõ với ông Cavusoglu rằng: "Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ này đe dọa an ninh con người và công nghệ quân sự của Mỹ”. Ông Pompeo kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết vấn đề S-400: "Theo cách tương xứng với quan hệ hợp tác quốc phòng hàng thập kỷ giữa Washington và Ankara."

Sau đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng tuyên bố rằng Ankara sẽ không từ chối việc mua hệ thống S-400 của Nga và sẽ thực hiện các bước để đáp trả sau khi đánh giá các lệnh trừng phạt.

Trong các tuyên bố với báo chí, ông Cavusoglu khẳng định, việc áp đặt các lệnh trừng phạt là một quyết định sai lầm từ quan điểm pháp lý tới chính trị, đồng thời coi bước đi này là một cuộc tấn công vào các quyền chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ, các biện pháp trừng phạt của Mỹ xâm phạm quyền chủ quyền của đất nước ông và có mục đích gây tổn hại cho các ngành công nghiệp quốc phòng của nước này.

Ông cũng nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đẩy nhanh các bước trong lĩnh vực quốc phòng để vươn tới vị trí dẫn đầu toàn cầu.

Ngày 14/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với Thổ Nhĩ Kỳ do Ankara mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga là bất hợp pháp và thể hiện sự thách thức đối với luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ gọi các lệnh trừng phạt của Mỹ là "sai lầm nghiêm trọng" và cho biết họ sẽ đáp trả nếu cần thiết sau khi nước này liên tục kêu gọi Washington giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các lệnh trừng phạt là "không thể giải thích được" sau khi Washington liên tục từ chối đề nghị của Ankara lập một nhóm công tác chung.

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi đồng minh trong NATO thay đổi quyết định "không công bằng" vốn sẽ gây tổn hại cho quan hệ song phương này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại