Nếu thành công, thỏa thuận này sẽ cho phép Lầu Năm Góc rút quân khỏi cuộc chiến dài nhất từ trước đến nay, theo Newsweek.
Khi vòng đàm phán thứ chín do đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và đại diện Mullah Abdul Ghani Baradar của Taliban đang tiếp tục tại thủ đô Doha của Qatar, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Tư cho biết Moscow có thể đóng vai trò là "người bảo lãnh" thỏa thuận "nếu họ" nhận được những yêu cầu như vậy từ các bên tham gia đàm phán. "
Người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen đã tweet hôm thứ Tư rằng "các cuộc đàm phán hôm nay đang tiếp tục và chúng tôi sắp đạt được thỏa thuận cuối cùng. Chúng tôi hi vọng sẽ có tin tốt cho người Hồi giáo của chúng tôi và những người tìm kiếm tự do." Shaheen từng cho biết các quan chức Nga, Trung Quốc và Liên Hợp Quốc sẽ có mặt trong buổi thông báo nếu đạt được thỏa thuận như vậy.
Trước đó, vào thứ ba, bà Zakharova đã bày tỏ sự hoài nghi đối với triển vọng rằng chính quyền Trump sẽ rời khỏi Afghanistan. Bà đã viết trong một bài đăng trên Facebook rằng: "Cái gì? Nhanh chóng như điều họ đã nói lần trước, hoặc như ở Syria". Mỹ cũng từng tỏ ý muốn rời khỏi Syria nhưng tiến trình đó cho tới nay có nhưng chưa nhiều biến chuyển.
Lật lại lịch sử
Theo Newsweek, xung đột hiện đại của Afghanistan có thể bắt nguồn từ một cuộc "so găng" giữa Washington và Moscow khi Liên Xô ủng hộ chính phủ nước này chống lại một cuộc nổi dậy của người Hồi giáo - được ủng hộ bởi CIA và các nhóm Hồi giáo như Al-Qaeda trong những năm 1980. Khi phe nổi dậy tiến vào Kabul, Taliban nổi lên như một phe phái mạnh nhất trong thập kỷ sau đó, đánh bại một Liên minh phương Bắc được Nga, Iran, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác ủng hộ.
Afghanistan đã trở thành cuộc chiến dài nhất mà Mỹ can dự. Ảnh: US Army.
Hoa Kỳ đã dẫn đầu một chiến dịch quốc tế can thiệp vào Afghanistan năm 2001 sau vụ tấn công 11/9. Sau 18 năm, "cuộc chiến chống khủng bố" của Lầu Năm Góc tiếp tục chống lại Taliban, Al-Qaeda và sau đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Afghanistan và lan rộng ra khắp khu vực cùng nhiều nước hơn nữa.
Kể từ khi trở thành nhà lãnh đạo thứ ba của Hoa Kỳ bị phàn nàn vì sự sa lầy trong cuộc chiến Afghanistan, Tổng thống Trump bày tỏ sự quan tâm đến việc chấm dứt xung đột và Khalilzad đã mở các cuộc đàm phán ban đầu với Taliban vào tháng 10 năm ngoái. Một tháng sau đó, Nga đã tổ chức cuộc đối thoại của riêng họ với Taliban và Hội đồng Hòa bình cấp cao Afghanistan.
Tuy nhiên, trong các cuộc đối với với các cường quốc, Taliban vẫn tiếp tục từ chối gặp chính phủ Kabul. Các quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc đã nói với Newsweek rằng Hoa Kỳ có khả năng rút hàng ngàn quân để đổi lấy việc thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình ở Afghanistan.
Tín hiệu hy vọng chập chờn
Hy vọng tăng cao vào đầu tháng này sau khi cả hai bên đều thông tin rằng đang tiến sát đến thỏa thuận sau các vòng đàm phán cuối cùng. Dù vậy, ông Khalilzad vẫn phải quay lại Doha vào tuần trước để "nỗ lực và hoàn tất các vấn đề còn lại." Kể từ đó, ông đã cố gắng xua tan một số suy đoán về việc gần như sắp đạt được thỏa thuận. Ông đã tweet vào thứ Bảy rằng "chúng tôi chưa có cuộc thảo luận nào về một chính phủ lâm thời" và vào thứ Hai rằng Hoa Kỳ "sẽ bảo vệ các lực lượng Afghanistan vào lúc này và cả sau khi có bất kỳ thỏa thuận nào" với Taliban.
Moscow cũng đã hỗ trợ cho chính phủ Afghanistan và bác bỏ cáo buộc của Washington về việc nước này vũ trang cho Taliban. Nga cũng làm việc cùng với Hoa Kỳ và Trung Quốc để giải quyết an ninh trong khu vực. Trong một cuộc họp báo cùng với người đồng cấp Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Vladimir Lavrov cho biết hôm thứ Tư rằng, về vấn đề này, ông "cũng muốn thu hút các quốc gia khác, bao gồm Ấn Độ, Pakistan và Iran".
Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cũng cho biết bất kỳ thỏa thuận nào ở Afghanistan "sẽ dựa trên nguyên tắc đồng thuận quốc gia và sẽ loại trừ các mối đe dọa khủng bố, cực đoan và buôn bán ma túy".
Nga sẽ "tiếp tục cung cấp hỗ trợ và thiết bị cho quân đội và lực lượng an ninh Afghanistan" khi "họ không thể tự mình tìm ra mối đe dọa khủng bố, đó là lý do tại sao chúng ta phải tiếp tục nỗ lực trong lĩnh vực này."
"Không nghi ngờ gì rằng cuộc chiến chống khủng bố phải loại trừ bất kỳ tiêu chuẩn kép nào", ông Lavrov nói thêm.
"Vì nhiều lý do, bao gồm các cuộc chiến ở Iraq, Libya và Syria do Hoa Kỳ và các đồng minh phát động, cái gọi là Nhà nước Hồi giáo IS đang lan sang các quốc gia khác, như Afghanistan, nơi ISIS đang cố gắng tạo lập ảnh hưởng ở phía bắc và để tạo ra một khu vực kết nối để phóng tầm ảnh hưởng tới các đồng minh Trung Á của chúng tôi", ông Lavrov nói và chỉ trích chính sách tiêu chuẩn kép của "các đồng nghiệp phương Tây" đối với nhóm khủng bố này và cáo buộc rằng phương Tây đang tìm cách đạt được các mục tiêu địa chính trị một chiều ở Afghanistan.