Vấn đề việc làm là rào cản và thách thức mà bất kì người trẻ nào vừa bước ra đời cũng phải đối mặt. Ở một khía cạnh nào đó, mức độ họ chinh phục được công việc cũng trở thành điều kiện then chốt giúp họ vững vàng hơn với vị trí "người trong xã hội".
Tuy nhiên, có một thực trạng đang diễn ra ngày càng một phổ biến hơn, đó là trong lúc nhiều người trẻ loay hoay tìm việc thì một bộ phận người trẻ khác lại lao vào xu hướng nghỉ việc vô tội vạ.
Một cuộc khảo sát gần đây dựa trên đối tượng chính là 9X và 10X cho thấy 50% sinh viên mới tốt nghiệp không thể làm công việc đầu tiên mình có được quá 1 năm, 40% chỉ kiên trì được 6 tháng và vỏn vẹn 11% là có thể gắn bó được với nó hơn 3 năm.
Từ quan điểm của những thế hệ đi trước với tư cách là trụ cột một thời của xã hội, hiện tượng này đã phản chiếu một vài thái độ tiêu cực nhất định ở những người trẻ hiện tại: nghỉ việc = bỏ trốn, nhảy việc = không muốn chọn lựa, thanh niên = không thể chịu khổ
Tuy nhiên, đây liệu có phải bộ mặt hoàn chỉnh của giới nhân viên công sở trẻ tuổi không? Có phải cứ kiên trì gắn bó với một môi trường khắc nghiệt, đối diện với những con người nhàm chán và có nhận về vài đồng lương ít ỏi mới được coi là dám chịu khổ và không kén chọn?
Trên thực tế, hành vi nhảy việc hay thích là nghỉ của người trẻ hiện tại phản ánh hình ảnh và giá trị hoàn toàn mới mà thế hệ này đang theo đuổi. Về phần đây là hiện tượng tích cực hay tiêu cực thì vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, cần bàn luận thêm.
Tại sao sếp không hiểu nỗi khổ của tôi?
Tôi có quen một người bạn làm công việc biên tập viên thời trang, biệt danh là Anna. Anna thường xuyên bật khóc nức nở vì áp lực công việc ngay cả khi đang đi taxi, đây là trạng thái bình thường của cô. Ngày nào cũng vậy, Anna phải làm hết công việc này đến công việc khác, thậm chí khi người này người kia nhờ vả, cô ấy cũng phải đứng ra đảm nhiệm và giải quyết. Bận rộn xong xuôi tới 3 giờ sáng mới hết việc nhưng rồi 5 giờ sáng, Anna đã lại phải thức dậy vì có công việc mới đang chờ cô. Không đủ nhân sự, cầu cứu sếp nhưng không được hồi âm, cộng với những ca trực liên tục, cô suy sụp hoàn toàn.
Sếp của Anna nhận xét điều này là "quá bình thường" và nói với Anna: "Nếu cô nghĩ rằng cô không thể làm được, cô nên chủ động đề xuất với tôi". Anna bất lực trả lời: "Tôi đã nói với sếp không chỉ một lần".
Có một nghịch lý là trong lúc nhiều nhà quản lý phàn nàn về chuyện các nhân sự trẻ tuổi bây giờ cứ không hợp ý với sếp một cái là nghỉ việc, hiện tượng "nghỉ việc nhanh như chớp" thường xuyên diễn ra khiến họ cứ phải dỗ dành người ở lại làm việc thì về phần mình, những người trẻ cũng mang trong mình nỗi bức xúc vì áp lực công việc, vì sếp khắt khe, chỉ biết chỉ tay 5 ngón. Mâu thuẫn giữa nhân viên và sếp không phải là một chủ đề mới, nhưng khi dân công sở ngày càng trẻ hóa, dường như việc thiết lập mối quan hệ tốt đẹp giữa cấp trên và cấp dưới ở nơi làm việc càng trở nên khó khăn hơn.
Quay trở lại với người bạn Anna ở trên. Là BTV thời trang một tạp chí đình đám, Anna thường xuyên được vi vu tại các tuần lễ thời trang quốc tế và chụp ảnh cùng những người nổi tiếng top đầu. Ai nhìn vô cũng thấy ghen tị với cô. Nhưng trên thực tế, Anna luôn gồng mình trong căng thẳng mỗi khi làm việc. Ngay cả trong đêm giao thừa, Anna cũng chỉ ăn một hộp cơm như bình thường và ngày đầu tiên của năm mới, cô đã phải đến sân bay với chiếc vali to đùng trong tay.
Những điều này trong mắt sếp của Anna đơn giản là: "Bản chất những công việc về thời trang đâu có theo giờ hành chính. Nó cần sự linh hoạt và điều chỉnh về mọi mặt". Trước yêu cầu tuyển thêm nhân sự của Anna, sếp Anna phản hồi: "Là lãnh đạo mỗi khi chi tiền ra đều phải để ý đến sự công bằng. Tôi sẽ hỗ trợ cô ngay lập tức nếu như cô đề xuất vấn đề này với tôi. Nhưng nếu team nào cũng đề xuất tương tự thì làm cách nào đạt được hiệu suất chung bây giờ?".
Sau khi nghe Anna nói mình cảm thấy "không có cảm giác gắn bó" với công ty, sếp của cô lại im lặng. Trong nhiều trường hợp, lý do của sự mâu thuẫn là do vị trí của đôi bên khác nhau, trọng tâm công việc khác nhau, và lý do khác nữa là vì bản thân nhiệm vụ thực sự vất vả.
Giới trẻ ngày nay không chọn cách "nhẫn nhịn", mà trực tiếp nghỉ việc ngay nếu không tìm được tiếng nói chung
B - một đàn em khác từng học chung đại học với tôi vừa bị sếp sa thải không lý do khi mới trở thành nhân viên chính thức được 3 tháng. B không được trả lương, cũng chẳng được bồi thường đồng nào. Sau khi biết tin shock vào buổi sáng, B đã lập tức đăng lên tường nhà dòng status: "Bạn bất công phần bạn, tôi tranh đấu phần tôi", đồng thời lập tức liên hệ với hội đồng trọng tài lao động. Một đồng nghiệp đã thuyết phục cô bỏ qua đi nhưng B gạt phắt: "Tôi thấy không vui thì tôi sẽ nghỉ, nhưng bị cho nghỉ khiến tôi không vui, và tôi sẽ sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau để bảo vệ quyền và lợi ích của mình".
Trong những năm gần đây, thế hệ 9X và 10X đã trở thành lực lượng chính tại nơi làm việc. Thế hệ những nhân viên mới này trực tiếp hơn nhiều, thứ họ theo đuổi đơn giản là một môi trường làm việc tự do và bình đẳng.
Trên MXH từng lan truyền một đoạn trích hài hước như thế này:
"8X: Chỗ khác cho nhiều tiền hơn thì tôi sẽ nghỉ việc.
9X đời đầu: Bị sếp mắng thì tôi sẽ nghỉ việc.
9X đời cuối: Cảm thấy không thích thì tôi sẽ nghỉ việc.
10X: Sếp không nghe lời thì tôi sẽ nghỉ việc".
Bản chất mối quan hệ tại nơi làm việc đang dần thay đổi. Đối với thế hệ nhân viên mới này, sự thoải mái của môi trường làm việc đang trở thành yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn nghề nghiệp. Theo dữ liệu từ một trang tin, 67% nhân viên tại nơi làm việc nói rằng việc nghỉ việc là một yếu tố nội tại của tổ chức, bao gồm sự không hài lòng với phong cách lãnh đạo, thiếu cơ hội thăng tiến và phát triển, khối lượng công việc nặng nề và mức lương thấp.
"Tuổi tác và thâm niên không còn là tiêu chí cốt lõi để xếp hạng ở nơi làm việc, và mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên trở thành mối quan hệ đối tác nhiều hơn", một người nhận xét: "Trước đây, sếp nói cái gì thì là cái nấy, sếp yêu cầu gì thì làm cái nấy còn giờ, nhân viên chẳng những lắm lúc không nghe lời sếp mà đôi khi còn nói ngược lại sếp, phương án này mới thích hợp, phương án kia không thích hợp...". Nhân viên ngày nay không nghĩ rằng họ kém hơn sếp, và họ cũng không muốn nghe lệnh một cách thụ động nữa.
Không chỉ vậy, ý nghĩa của công việc cũng đã thay đổi. Yêu cầu công việc của những người lao động mới không còn thỏa mãn với sự tự cung tự cấp, việc nhận ra giá trị bản thân và niềm vui trong công việc mới là điều đáng chú trọng.
Nếu công ty được so sánh với một con tàu lớn, thuyền trưởng cần phải liên tục nói cho thủy thủ biết hướng đi của điểm đến. Điều này nghe giống với việc "chỉ tay 5 ngón" nhưng bản chất thì nó tốt hơn, bởi ở trường hợp này, sếp cũng đã nhìn nhận và trao đổi trực tiếp thay vì chỉ áp quyền từ trên áp xuống.
Một nhân viên có thể không trung thành với sếp nhưng sẽ luôn trung thành với nghề nghiệp và lý tưởng của anh ta. Vì vậy, lời khuyên dành cho các nhà quản lý là không nên đòi hỏi nhân viên phải hiểu mình, cứ nói với nhân viên những điều cần làm, phân tích rõ lợi hại để họ nhận ra đó là việc họ nên làm, vì họ, vì công ty, chứ không phải vì sếp.
Hè năm ngoái, công ty tôi có tuyển một nhân viên mới, làm việc rất tốt nhưng lại đột ngột nghỉ việc chỉ sau nửa năm. Tôi dò hỏi lý do nhưng cô ấy chỉ trả lời rằng cô ấy ra đi sau khi đã suy nghĩ rất kĩ.
Sau một thời gian, nghe tin từ các đồng nghiệp khác tôi mới biết, bạn nữ đó luôn căng thẳng trong công việc và luôn kỳ vọng mình của ngày hôm nay có thể tốt hơn ngày hôm qua. Ngay cả sếp tôi khi biết lý do thực sự cũng rất ngạc nhiên, sếp không hề biết rằng áp lực của một vài nhân viên đã lớn đến mức buộc phải nghỉ việc nhưng hiện tại thì đã quá muộn để nói chuyện, điều này có khả năng đã làm mất đi một tài năng xuất chúng.
Có thể thấy, những nhân viên không giỏi giao tiếp, khó bày tỏ cảm xúc tương đối thiệt trong các mối quan hệ tại nơi làm việc. Nhân viên và sếp không phải hai mặt của đồng tiền. Khi nhân viên có bất đồng với sếp, nhiều người chọn cách im lặng và che giấu suy nghĩ thật của mình, điều này thường dẫn đến nhiều hiểu lầm hơn.
Như câu chuyện của Anna chẳng hạn, công việc Anna đòi hỏi cô phải giao tiếp với nhiều người, nhưng với chính sếp mình, Anna lại không biết cách giao tiếp. Cô ấy hoặc là đợi sếp chủ động giao tiếp với mình, hoặc bỏ lỡ cơ hội giao tiếp với sếp, chính vì thế, cô ấy cho rằng sếp chỉ biết ngồi trên nhìn xuống và cho rằng những khó khăn trong công việc của cô ấy là đương nhiên.
Hãy nhớ rằng giao tiếp dù trong đời thường hay trong công việc đều mang ý nghĩa tìm kiếm sự cộng hưởng. Hãy cứ nói chuyện, trao đổi thật tâm tư suy nghĩ của mình với sếp, bởi suy cho cùng chúng ta là một cộng đồng cùng có lợi, cùng nhau tiến lên, thông qua mọi giao tiếp để tìm đến tốc độ nhất quán tốt nhất.