Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây vừa lên tiếng bình luận rằng quân đội Myanmar lên nắm giữ quyền lực nhà nước và vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi chỉ đơn thuần là "một cuộc cải tổ nội các lớn", báo India Times đưa tin.
Cũng theo thông tin của India Times, các bài đăng của truyền thông Trung Quốc đều tránh gọi cuộc chính biến ngày 1/2 ở Myanmar là một cuộc đảo chính.
Cụ thể, trong khi nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, lên án và chỉ trích động thái của quân đội Myanmar, thì Bắc Kinh lại lựa chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng và mềm mỏng.
Bắc Kinh đã kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar "giải quyết những khác biệt của họ", trong khi hãng thông tấn trung ương Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 1/2 mô tả cuộc chính biến ở Myanmar là một "cuộc cải tổ nội các".
Tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, dẫn lời các chuyên gia giấu tên cho rằng việc các tướng lĩnh quân đội Myanmar nắm giữ quyền lực nhà nước có thể được coi là "sự điều chỉnh cơ cấu quyền lực đang rối loạn của đất nước này".
Tuy nhiên, cũng nhân cơ hội này, tờ Hoàn Cầu đã nhắc tới cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - nhà lãnh đạo có cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh khiến mối quan hệ song phương Mỹ-Trung lao dốc.
"Một số chuyên gia cho rằng ông Trump, người đã từ chối thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và bị cáo buộc kích động bạo loạn ở Điện Capitol, có thể đã 'truyền cảm hứng' cho quân đội Myanmar", India Times trích dẫn nội dung bài viết của Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo thường xuyên có những bài bình luận nảy lửa về những người chỉ trích Trung Quốc.
Bắc Kinh từ lâu nay luôn bác bỏ những chỉ trích mà họ coi là "can thiệp nội bộ", và cũng có lập trường tương tự đối với hầu hết các vấn đề đối ngoại, theo India Times.
Myanmar là một thành viên quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Vào tháng 1 năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Myanmar và cam kết hỗ trợ chính phủ nước này phát triển "phù hợp với điều kiện" của họ.
Chính biến ở Myanmar
Ngày 1/2 vừa qua, lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng nhiều quan chức cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền đã bị bắt giữ trong một cuộc đột kích lúc rạng sáng.
Cùng ngày, quân đội Myanmar đã tuyên bố Thống tướng Min Aung Hlaing nắm giữ quyền lực nhà nước và ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm. Quân đội Myanmar cũng đã công bố người được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời là Phó Tổng thống thứ nhất Myint Swe.
Đại diện quân đội Myanmar cho biết, trong thời gian tình trạng khẩn cấp được triển khai tại nước này, Ủy ban Bầu cử Liên minh sẽ được cải tổ, và kết quả cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm ngoái cũng sẽ được xem xét lại.
Trước đó, quân đội Myanmar cáo buộc đã có gian lận bỏ phiếu lớn trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11/2020, và yêu cầu hoãn các phiên họp quốc hội mới. Tuần trước, Ủy ban Bầu cử Liên minh đã bác bỏ các cáo buộc này.