Theo Topcor, sau vụ ám sát Mohsen Fakhrizadeh - Chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran vào cuối tháng 11/2020, căng thẳng giữa Tehran và Washington ngày càng nghiêm trọng. Không những thế người Mỹ còn bí mật triển khai nhóm tàu chiến mang theo hàng trăm tên lửa hành trình đến Vịnh Ba Tư và cả các máy bay ném bom chiến lược B-52 "Stratofortress" hoạt động trong khu vực.
Đáp lại hành động khiêu khích từ người Mỹ, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo Tehran sẽ bảo vệ an ninh và lợi ích của nước này bằng mọi giá, đồng thời tỏ ra quan ngại trước tần suất hoạt động dày đặc của máy bay B-52 gần biên giới Iran.
Ngay sau đó, 840 nhà khoa học của Iran đã cùng ký một bức thư gửi cho Chuẩn tướng Hossein Salami, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) kêu gọi IRGC tiêu diệt tàu chiến, máy bay chiến đấu của Mỹ, đặc biệt là "pháo đài bay" B-52, nếu chúng dám xâm phạm lãnh thổ của Iran.
Một phi đội máy bay ném bom B-52H của Không quân Mỹ. Ảnh: The Aviationist.
Còn theo truyền thông nhà nước Iran, máy bay ném bom B-52 chỉ là thứ công cụ gieo rắc nổi sợ hãi về sức mạnh quân sự của Mỹ vốn luôn được phương Tây tung hô, do đó chỉ cần IRGC bắn hạ B-52, biểu tượng này sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, người Mỹ hiểu rõ những điểm yếu của B-52 và họ sẽ không mạo hiểm đưa "pháo đài bay" này tới gần không phận Iran trong trường hợp xung đột nổ ra. Máy bay ném bom Mỹ sẽ bay cách xa không phận Iran ít nhất là 1.000km nhằm giữ an toàn trước các mối đe dọa từ lực lượng phòng không của Tehran.
Lo lắng của Mỹ không phải không có cơ sở khi phi đội chiến đấu cơ F-14 "Tomcat" của Iran được trang bị tên lửa không đối không Fakour-90 (một biến thể của AIM-54 Phoenix) có tầm bắn lên đến hơn 200km.
Không chỉ có F-14, các hệ thống phòng không do Iran tự phát triển cũng được xem là mối đe dọa cho máy bay Mỹ, có thể kể tới một số hệ thống như Bavar-373, Khordad-15, Khordad-3 và Mersad.
Theo như tuyên bố của Iran, hệ thống phòng không Bavar-373 do nước này tự phát triển có các tính năng kỹ chiến thuật tương tự như tên lửa S-300 của người Nga. Hệ thống radar cảnh giới của Bavar-373 có tầm hoạt động lên đến 400km và có thể theo dõi đồng thời cùng lúc 100 mục tiêu.
Hệ thống phòng không Bavar-373. Ảnh: IRNA.
Ngoài ra, Bavar-373 có thể tấn công cùng một lúc 6 mục tiêu ở khoảng cách hơn 200km, ở độ cao lên tới 27.000m.
Đó là hệ thống phòng không tầm xa, để đánh chặn các mục tiêu tầm trung Iran có Khordad-15 với khả năng theo dõi các mục tiêu từ khoảng cách hơn 120km và có thể đánh chặn các mối đe dọa từ trên không trong phạm vi từ 45-85km.
Hệ thống phòng không Khordad-15. Ảnh: IRNA.
Một hệ thống phòng không tầm trung khác do Iran tự phát triển là Khordad-3 cũng có khả năng đánh chặn các mục tiêu từ khoảng cách 75km, ở độ cao 25.000m. Khordad-3 chính là hệ thống đã bắn hạ máy bay do thám RQ-4 "Global Hawk" của Mỹ vào tháng 6/2019 trên Vịnh Ba Tư.
Hệ thống phòng không Khordad-3. Ảnh: Aᴍɪʀ.
Tựu trung lại, lực lượng phòng không Iran thừa khả năng đánh chặn các máy bay ném bom Mỹ ngay khi chúng tiến vào không phận nước này, đó là còn chưa kể tới việc Tehran còn sở hữu số lượng đáng kể các hệ thống phòng không khác mua từ Nga và Trung Quốc.
Cận cảnh hệ thống phòng không Khordad-3 Iran từng bắn hạ UAV Mỹ.