"Admiral Kuznetsov" - một trong 5 tàu sân bay tệ nhất thế giới - theo The National Interest (Ảnh: Chinatimes).
Sau khi đã hoàn thành, những khối tài sản kếch xù trên đại dương này phải được biên chế một thủy thủ đoàn thích hợp và trải qua quá trình duy tu bảo dưỡng thích hợp; nếu không nó chẳng những không phát huy được tác dụng mà còn gây họa.
Theo truyền thông Mỹ The National Interest (Lợi ích quốc gia) ngày 7/11, trước vô vàn thách thức, không có gì ngạc nhiên khi nhiều tàu sân bay được chế tạo từ thế kỷ trước đã thất bại.
Dưới nhan đề "Floating Coffins: 5 Worst Aircraft Carriers Ever" (Những cỗ quan tài nổi: 5 tàu sân bay tồi tệ nhất), báo này đã điểm danh những hàng không mẫu hạm tồi tệ nhất trên thế giới tính đến nay bao gồm: "Admiral Kuznetsov" của Nga, "HTMS Chakri Naruebet" của Thái Lan, "USS Ranger" của Mỹ, "Liêu Ninh" của Trung Quốc và "Shinano" của Nhật.
Tàu "Admiral Kuznetsov" bị cháy năm 2019 (Ảnh: Deutsche Welle).
Tàu sân bay Nga "Admiral Kuznetsov" (Đô đốc Kuznetsov)
Vào đầu những năm 1990, Hải quân Nga tiếp nhận tàu sân bay duy nhất mang tên "Admiral Kuznetsov" (Đô đốc Kuznetsov) sau khi Liên Xô giải thể. Nó không chỉ là chiếc tàu sân bay tồi tệ nhất đang hoạt động mà còn là tàu sân bay tồi tệ nhất trong những thập kỷ gần đây, liên tiếp xảy ra các sự cố khi hoạt động trên biển.
Khi đến Syria thực hiện nhiệm vụ vào năm 2016, nó đã bị rơi một số máy bay chiến đấu. Năm 2017, chiếc ụ nổi mang nó ở trên khi đang tu sửa bị chìm và một chiếc cần trục đã đâm xuyên qua thân tàu và nó buộc phải tạm dừng phục vụ.
Vào cuối năm 2019, do sai sót trong hoạt động thi công hàn thông thường khi sửa chữa, ngọn lửa đã bùng lên thiêu cháy nó, gây thiệt hại khoảng 1 tỉ USD, hai người chết và hơn chục người bị thương. Bất chấp số phận tồi tệ của nó, "Admiral Kuznetsov" vẫn được lên kế hoạch hoạt động trở lại vào năm 2023.
Tàu sân bay Chakri Naruebet của Thái Lan (Ảnh: BKP).
Tàu sân bay Chakri Naruebet (911) của Thái Lan
Chiếc tàu sân bay đầu tiên và duy nhất của Thái Lan, HTMS Chakri Naruebet, được nhà máy đóng tàu Bazan của Tây Ban Nha chế tạo và đi vào hoạt động vào tháng 3/1977.
Các máy bay được trang bị cho chiếc tàu sân bay hạng nhẹ này bao gồm trực thăng tấn công và máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thẳng đứng/đường băng ngắn "Harrier". Trong những năm 2000, nó đã được triển khai cho một loạt các hoạt động cứu trợ thảm họa.
Tuy nhiên, do thường xuyên thiếu kinh phí nên cuối cùng nó đã biến thành một vật trang trí đắt tiền. Các thông tin gần đây cho biết mỗi tháng HTMS Chakri Naruebet được nổ máy chạy nhiều nhất một lần để huấn luyện định kỳ.
Tàu sân bay "USS Ranger" (CV-4) của Mỹ trong Thế chiến thứ Hai (Ảnh: UPI).
Tàu sân bay "USS Ranger" (CV-4) của Mỹ
Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên được đóng cho Hải quân Mỹ và đi vào hoạt động năm 1934, nhưng nó luôn ở trong tình trạng rất kém do một loạt các quyết định tồi tệ. Nó khá nhỏ (lượng giãn nước 14.576 tấn), có ít vũ khí và thiếu sự bảo vệ của các tàu hộ vệ.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, do không thích hợp để triển khai ở Thái Bình Dương để đối phó với quân đội Nhật Bản, "USS Ranger" đã được gửi đến Đại Tây Dương để tham gia các nhiệm vụ ít căng thẳng hơn. Nó bị chuyển đổi thành tàu sân bay huấn luyện vào đầu năm 1944 và nghỉ loại khỏi biên chế vào năm 1946.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (Ảnh: Sina).
Tàu sân bay Liêu Ninh (số hiệu 16) của Trung Quốc
Đây là chiếc tàu sân bay đầu tiên của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), được cải tạo từ tàu sân bay lớp Kuznetsov với tên ban đầu là Varyag đang đóng dở mà Trung Quốc mua của Ukraine. Nó được đặt theo tên tỉnh Liêu Ninh nơi con tàu được tân trang. Năm 2002, chiếc tàu được vận chuyển từ Ukraine về cảng Đại Liên và hoàn thiện tại đó.
Mục đích mua tàu không được công khai cho đến tận tháng 6/2011 khi chiếc tàu được cải tạo xong hoàn toàn. Sau một số lần chạy thử, tàu được đánh số 16 và chính thức bàn giao cho Hải quân Trung Quốc vào cuối tháng 9/2012.
Tàu Liêu Ninh có lượng giãn nước 58.500 tấn, đầy tải 67.500 tấn; dài 306,45m; rộng 73m; động cơ 200 ngàn mã lực; tốc độ 30 hải lý/h; có thể hoạt động liên tục 45 ngày. Thuyền viên: 1.960 người và 626 nhân viên phi hành.
Vũ khí: 3 hệ thống tên lửa phòng không Hongqi-10, 3 pháo cận phòng 30mm 11 nòng, 2 dàn rocket chống tàu ngầm RBU-12000, 6 hệ thống phóng đạn gây nhiễu 24 ống phóng. Số lượng máy bay mang theo gồm: 24 tiêm kích J-15, 4 trực thăng trinh sát Zh-18J, 4 trực thăng chống ngầm Zh-18F, 2 trực thăng cứu hộ Zh-9C và 2 trực thăng trinh sát Ka-31.
Tàu Hải quân Mỹ bám sát theo dõi tàu Liêu Ninh trên biển (Ảnh: AP).
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố có các cấu kiện và thành phần được nâng cấp nhanh chóng, nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra lỗi về nguồn điện. Trong những năm 2010, nó gần như trở thành chiếc tàu huấn luyện. Có thông tin nói tàu Liêu Ninh đã được sửa chữa, nâng cấp trong những năm gần đây, nhưng mức độ của những cái gọi là cải tiến và sửa chữa này vẫn chưa rõ ràng.
Tàu sân bay "Shinano" của Nhật
Đây là chiếc tàu chiến lớp Yamato thứ ba của Hải quân Nhật Bản. Khi nó được đóng, một số người chỉ huy quân sự cấp cao của Nhật muốn biến nó thành tàu sân bay chuyên dụng, nhưng một số người muốn sử dụng nó như một tàu chi viện vũ trang hạng nặng, nhưng cũng hy vọng rằng nó có thể chở được một số lượng lớn máy bay chiến đấu.
Tàu Shinano của Nhật - tàu sân bay xấu số nhất (Ảnh: Tiexue).
Do quân đội Nhật Bản cần gấp nó để phục vụ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai nên đã vội vàng đưa tàu Shinano vào phục vụ từ tháng 11/1944 mà không kịp hoàn thành.
Tuy nhiên, nó chỉ mới vừa được chuyển từ Nhà máy đóng tàu Hải quân Yokosuka đến Căn cứ Hải quân Kure để hoàn thành việc trang bị, thì đã bị chiếc tàu ngầm USS Archerfish của Mỹ đánh chìm, khiến 791 người thiệt mạng. Vì vậy, "Shinano" đã trở thành tàu sân bay có thời gian phục vụ ngắn nhất cho đến nay.