Có câu chuyện kể rằng, một người đàn ông hết mình giúp đỡ bạn thân qua cơn hoạn nạn, tuy nhiên đến lúc "sóng yên biển lặng" thì anh bạn ấy lại không thèm nói một tiếng cảm ơn nào, chút thái độ cảm kích cũng không có.
Người đàn ông phàn nàn, đi hỏi người khác về lý do. Câu trả lời nhận lại thật bất ngờ, nguyên nhân chính nằm ở... sự "thân thiết" của hai người: "Do cậu bạn kia xem anh là người quá thân thiết, nói ra hai tiếng cảm ơn với người thân của mình chẳng phải là một cái gì đó quá câu nệ, khách khí hay sao?".
Câu trả lời tưởng như đơn điệu và không mang một ý nghĩa nào nhưng sự thật là nó khiến bao người phải giật mình, tự soi lại chính bản thân.
Dường như ngày nay, chúng ta đã và đang mắc một sai lầm tương tự mãi không nhận ra: Đối với người xa lạ thì cung kính khiêm nhường, có khi còn sẵn sàng bao dung giúp đỡ; trong khi lại quá hời hợt, quá hà khắc với người thân bên cạnh, bao gồm bạn bè, người trong gia đình và đặc biệt là bố mẹ.
Nghĩ mà xem, bố mẹ nuôi mình nên vóc nên hình, chăm lo cho mình từng miếng ăn giấc ngủ, có khi còn hy sinh cả những điều lớn lao nhất chỉ để mong con trưởng thành. Đáng tiếc, có bao giờ chúng ta thật tâm đối diện với bố mẹ mà thốt ra hai tiếng cảm ơn hay không?
Hay thay vào đó, càng lớn, càng đủ lông đủ cánh chúng ta đáp trả lại bố mẹ bằng một thái độ nếu không thờ ơ hờ hững thì cũng là thứ xúc cảm cáu gắt, nhìn đâu cũng khó chịu. Đó là mặt trái của tình thân, của sự thân thiết.
Đi làm về nghe mẹ cằn nhằn sao hôm nay con về muộn, chúng ta không nói không rằng lao thẳng vào phòng, một lời hồi đáp cũng chẳng thấy đâu. Sáng nay trời mới tờ mờ sáng, đang ngủ ngon thì nghe tiếng quét sân xạc xào của bố, bật toang cửa cộc cằn nói vọng ra "không ngủ thì để người khác còn ngủ".
Những bữa cơm gia đình lại càng nặng nề hơn, con cái cứ trách mẹ nấu ăn càng ngày càng tệ, rau rửa không sạch, cá kho quá mặn, cơm nấu quá khô,... Chúng ta nào biết mẹ già rồi, mắt mờ đi, tay run hẳn và cả vị giác cũng suy tàn chẳng thể nêm nếm tốt như xưa.
Trái lại, với người bên ngoài xa lạ, chúng ta đối xử với họ thế nào? Lên chuyến xe buýt thấy người già liền nhường ghế cho, không quên cúi đầu mỉm cười một cái, hoặc chiều nay tan làm, cô đồng nghiệp xe bị hỏng xin đi nhờ, chúng ta sẵn sàng cho quá giang cả một đoạn đường dài không một lời than vãn, dù cho hướng về của hai người khác nhau.
Cũng có khi chúng ta bao dung, tha thứ với những người đối xử tệ bạc với mình mà chẳng một lời oán trách.
Việc đối xử tốt với người khác hay bao dung với người xa lạ không có gì sai, thậm chí còn là tốt. Nhưng cái tốt của chúng ta liệu có công bằng hay không khi mà về đến nhà, lòng tốt đó như nắm cát trong lòng bàn tay, trôi chảy đi đâu mất? Bố mẹ nói một câu liền trả treo hai ba câu, còn mở miệng trách "bố mẹ già rồi, biết cái gì mà nói".
Có lẽ, tại vì quá thân thiết và hiểu rõ nhau, ngày nào cũng gặp mặt, chúng ta đã không còn giữ cho mình một thái độ tôn kính với bậc phụ mẫu và tôn trọng đối với người thân yêu nữa thay vào đó là những thái độ hờ hững, xấu xí, có khi còn lên mặt dạy đời, coi họ chỉ là những đứa trẻ con vụng về, thích luyên tha luyên thuyên.
Những lời nói hoa mỹ như cảm ơn, cúi đầu dạ thưa bố mẹ,... với những người con lúc này đây chỉ là một cái gì đó câu nệ và xa cách.
Có thể chúng ta vẫn yêu thương họ đấy, nhưng chỉ vì có một vài khúc mắc nào đó trong suy nghĩ đã khiến chúng ta rơi vào con đường sai lầm. Sau đây là 2 lý do thường thấy nhất:
Ngày bé xem bố mẹ là "cả bầu trời" lớn lên hóa ra tất cả chỉ là vọng tưởng
Đứa trẻ nào ngày còn bé cũng nghĩ bố mẹ mình hoàn hảo như là siêu nhân. Bố có thể hóa thành ngựa cho con cưỡi, có thể phát minh ra hàng tá trò chơi "cực ngầu", có thể leo lên trần nhà sửa mái tôn trong chớp mắt,...
Còn mẹ thì có thể hóa thành bà tiên, dù kể đi kể lại một câu chuyện hàng trăm lần nhưng lần nào con cũng thấy hay; mẹ là đầu bếp đại tài, món nào mẹ làm ra cũng tuyệt vời nhất trên đời.
Rồi khi đứa trẻ ấy lớn lên, cũng là lúc bố mẹ có thêm thật nhiều tuổi. Bố mẹ không còn như xưa, già rồi làm gì cũng chậm chạp vụng về, bố không còn khỏe để làm siêu nhân và mẹ cũng mất đi sự khéo léo để làm bà tiên. Bố mẹ bắt đầu càm ràm sợ sệt, lo lắng những chuyện đâu đâu.
Từ đó, giấc mơ tan vỡ, không ít đứa con rơi vào cảm giác hụt hẫng, cho rằng bố mẹ chỉ là người bình thường.
Chúng đã quen với hình ảnh bố mẹ trong quá khứ nên nổi loạn, chống đối và khó chịu với chính bố mẹ mình ở thời điểm hiện tại. Những người con đâu nào biết, tuổi già thì sẽ như thế nào vì có ai từng già như bố mẹ bây giờ đâu…
Dù có thế nào, bố mẹ cũng chẳng bao giờ quay lưng với con cái
Người ta hay nói, người ngoài có thể sẵn sàng vì lợi ích của bản thân mà thay lòng đổi dạ với bạn, duy chỉ có bố mẹ là không bao giờ quay lưng với con cái. Điều này nói lên được tình yêu bao la của đấng sinh thành dành cho các con của mình, muôn đời không thay đổi ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa.
Tuy nhiên, không ít người con thay vì thương yêu bố mẹ nhiều hơn, thì lại xem đây là "điểm yếu" của bố mẹ. Chúng xem việc bố mẹ không bao giờ quay lưng với con cái là một điều gì đó rất hiển nhiên, xong tự trao cho mình quyền được hờ hững, được vô tâm vô tình với bậc phụ mẫu.
Chúng có sợ gì đâu, bố mẹ thi thoảng có tức giận thật, nhưng dù sao họ cũng chẳng bao giờ bỏ rơi con mình. Sai lầm nào rồi cũng được bố mẹ tha thứ cơ mà!
Trái lại, người ngoài chính vì "dễ thay lòng đổi dạ" nên những người con luôn tìm cách để chuyện này không bao giờ xảy ra. Chúng bao dung với người lạ, sẵn sàng khoác lên mình chiếc áo đạo mạo tử tế để nhiệt thành giúp đỡ người khác. Thật mâu thuẫn và trái khuấy làm sao.
Dẫu biết bố mẹ yêu thương con cái vô điều kiện, nhưng lắm lúc họ cũng biết tổn thương và đau lòng. Hy vọng qua bài viết này, mỗi người con sẽ tự nhìn nhận lại chính mình và thực tâm trả lời câu hỏi "chúng ta đã công bằng với bố mẹ mình chưa?".
Nếu chưa thì ngay từ bây giờ, bắt đầu trong giây phút này đây hãy bù đắp cho bố mẹ tất cả những gì họ xứng đáng có được. Hãy kiên trì và nâng niu bố mẹ như thuở xưa kia họ kiên trì, nâng niu và yêu thương chúng ta từ thuở lọt lòng.
Thời gian trôi nhanh lắm, nó khiến bố mẹ già yếu thì cũng có thể đưa họ rời xa ta mãi mãi, lúc đấy có hối hận cũng đã muộn màng…