Những vũ khí Ukraine cần để chiến đấu hiệu quả hơn
Trong một phụ lục đính kèm báo cáo mật về chiến lược Ukraine được chính quyền Tổng thống Biden trình lên Quốc hội vào đầu tháng trước, Tướng Chris Cavoli đã phác thảo danh sách các vũ khí của Mỹ có thể giúp quân đội Ukraine chiến đấu hiệu quả hơn.
Danh sách này bao gồm tên lửa hành trình phóng từ trên không JASSM và một hệ thống liên lạc được gọi là Link 16 - một mạng chia sẻ dữ liệu được Mỹ và NATO sử dụng, cho phép liên lạc liền mạch hơn giữa các hệ thống chiến đấu và đặc biệt hữu ích cho chỉ huy và kiểm soát phòng không cũng như phòng thủ tên lửa. Một nguồn tin cho biết Ukraine đã nhiều lần yêu cầu cả hai hệ thống.
Danh sách của ông Cavoli không đề cập đến lý do tại sao Mỹ không cung cấp những hệ thống mà ông cho là có giá trị. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ trước đây đã bày tỏ lo ngại về việc công nghệ nhạy cảm của Mỹ rơi vào tay Nga. Một nguồn tin nhận định, đây có khả năng là lý do trì hoãn cung cấp hệ thống Link 16. Các tên lửa không đối đất, được bắn từ các chiến đấu cơ có lẽ không hữu ích với Ukraine trừ khi họ đạt được ưu thế trên không ở một mức độ nào đó.
Gần 3 năm kể từ khi xung đột nổ ra, Ukraine vẫn kêu gọi Mỹ cung cấp các vũ khí tiên tiến và dỡ bỏ các hạn chế về việc sử dụng tên lửa tầm xa mà nước này hỗ trợ. Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn chưa đầy một tháng nữa, tương lai hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn chưa chắc chắn, ngay cả khi Washington tuyên bố rằng họ đang nỗ lực nhằm đảm bảo Ukraine có những gì họ cần để kéo dài ít nhất là đến cuối năm 2025.
Chính phủ Ukraine vẫn đang tiến tục vận động hành lang mạnh mẽ. Khi Tổng thống Volodymyr Zelensky gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào cuối tháng trước, ông đã mang theo một danh sách chi tiết không phải về vũ khí mà là các mục tiêu bên trong nước Nga mà ông muốn tấn công bằng tên lửa tầm xa ATACMS do Mỹ cung cấp.
Danh sách này là một phần quan trọng trong "kế hoạch chiến thắng" của ông Zelensky để giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga. Tổng thống Biden - người cho đến nay vẫn cấm Ukraine triển khai các hệ thống tên lửa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, không hoàn toàn bác bỏ yêu cầu này, một nguồn tin cho biết. Nhưng cuối cùng, ông đã không đưa ra cam kết với Ukraine.
Các nhà lãnh đạo đã nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận về vấn đề liên quan. Tuy nhiên, ông Biden sẽ không gặp lại ông Zelensky trong tương lai gần sau khi ông hủy chuyến đi đến Đức để tham dự cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine vào tuần này và vẫn không có khả năng Mỹ sẽ thay đổi chính sách về tên lửa tầm xa, các quan chức nói với CNN.
Nhìn chung, các quan chức Mỹ cho biết họ đang cung cấp cho Ukraine mọi thứ mà Washington đánh giá là Kiev cần trong thời điểm hiện tại. Các quan chức cũng lập luận rằng, tên lửa tầm xa ATACMS từ Mỹ được sử dụng tốt hơn để tấn công các mục tiêu ở Crimea. Các quan chức Mỹ lưu ý rằng Ukraine đã thực hiện một số cuộc tấn công thành công vào sâu trong lãnh thổ Nga sử dụng UAV tầm xa sản xuất nội địa, gây thiệt hại cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Moscow. Trên thực tế, các UAV này còn có tầm hoạt động xa hơn tên lửa ATACMS.
Các quan chức Mỹ cũng cho biết Nga đã di chuyển một số mục tiêu có giá trị nhất của mình khỏi phạm vi 300km của ATACMS. Tuy nhiên, theo Ukraine, có rất nhiều tài sản của Nga nằm trong tầm bắn của tên lửa này, bao gồm các căn cứ quân sự, cơ sở sản xuất và hậu cần có thể trở thành mục tiêu chiến lược.
Bức tranh chiến trường mơ hồ
Để dự phòng trường hợp cựu Tổng thống Donald Trump đắc cử vào tháng 11 tới, chính quyền Mỹ hiện tại và các đồng minh đã nỗ lực tìm cách đảm bảo rằng Ukraine có được những gì họ cần cho đến cuối năm 2025. NATO đã thiết lập cơ chế riêng để tạo điều kiện cho viện trợ và huấn luyện quân sự Ukraine. Lầu Năm Góc cũng đang tiến gần việc cung cấp hợp đồng cho các công ty tư nhân của Mỹ để đến Ukraine hỗ trợ bảo dưỡng thiết bị và công tác hậu cần. Đây là một phần quan trọng để đảm bảo vũ khí và thiết bị của Ukraine không bị hỏng vào những thời điểm quan trọng.
Tuy nhiên, nhìn chung Mỹ hy vọng năm 2025 sẽ đánh dấu bước ngoặt với khả năng duy trì chiến dịch quân sự của Nga. Phương Tây cho rằng Nga đã tổn thất nhiều lực lượng trong gần 3 năm giao tranh nên để đạt được bất kỳ thành quả đáng kể nào trên chiến trường, Tổng thống Putin sẽ phải ra lệnh động viên quân đội - một bước đi mạo hiểm về mặt chính trị.
Các quan chức Mỹ và các nhà phân tích độc lập đều cho rằng mặc dù Điện Kremlin đã bảo vệ thành công nền kinh tế của mình khỏi một số tác động của lệnh trừng phạt phương Tây trong tương lai gần nhưng có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế nước này bắt đầu bị kéo căng vào cuối năm tới.
Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng kế hoạch chiến tháng của chính quyền Mỹ ở Ukraine vẫn không rõ ràng. Theo một nguồn tin, chiến lược mật được trình lên Quốc hội chỉ định nghĩa chiến thắng theo những thuật ngữ mơ hồ về chủ quyền và quyền tự quyết của Ukraine. Trong một phụ lục khác, báo cáo đề xuất có thể đánh giá thành công dựa trên lãnh thổ giành lại nhưng lại không đưa ra chuẩn mực cụ thể nào.
Hiện tại, bức tranh trên chiến trường Ukraine vẫn còn mơ hồ. Nga đã đạt được những bước tiến đáng kể ở phía Đông mà các quan chức coi là ưu tiên hàng đầu của ông Putin. Đầu năm nay, Ukraine chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn bên trong nước Nga và vẫn giữ được đến hiện tại nhưng một số quan chức tin rằng điều này có thể khiến Kiev bị kéo căng quá mức trên các mặt trận phía Đông.