Đồng ý bán cho Việt Nam?
Trong bài viết mới đây, tạp chí Jane's Defence Weekly dẫn dẫn nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, chính phủ nước này đã đồng ý cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam, trong khi các khách hàng tiềm năng là Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil cũng đã sẵn sàng đàm phán để mua về loại tên lửa này.
Mặc dù vậy, tạp chí Anh đã không cho biết Việt Nam quyết định mẫu phiên bản nào của BrahMos, tuy nhiên theo nhận định của tờ Tạp chí Diplomat hồi cuối tháng 10 vừa qua, Việt Nam sẽ mua tên lửa BrahMos để làm công cụ răn đe trên Biển Đông và đó gần như chắc chắn sẽ là phiên bản BrahMos-M.
Theo phân tích của tạp chí Nhật Bản, việc Việt Nam mua tên lửa BrahMos bản thông thường thì gần như chắc chắn nó sẽ được tăng cường cho lực lượng phòng thủ bờ biển.
Theo truyền thông phương Tây, phiên bản BrahMos-M sẽ được Việt Nam chọn mua
Trong khi đơn giá tên lửa Yakhont là 3 triệu USD/quả (loại Việt Nam đang sở hữu), một tổ hợp Bastion-P với radar, trạm điều khiển, 6 xe phóng và 36 tên lửa đi kèm tiêu tốn 150 triệu USD thì một khẩu đội BrahMos gồm 2 trạm chỉ huy, 5 xe phóng, 67 tên lửa được bán với giá... 900 triệu USD (đơn giá BrahMos là 5 triệu USD/quả), mức chênh lệch thực sự quá lớn.
Vì vậy, phiên bản này Việt Nam sẽ không tính đến trong gói mua sắm của mình. Và phương án mua BrahMos phóng từ trên không sẽ được ưu tiên hơn cả. Tuy nhiên, hiện nay nhà sản xuất đang phát triển 2 phiên bản dành cho chiến đấu cơ là BrahMos-A và BrahMos-M.
Với phiên bản A, tên lửa này lại có trọng lượng quá nặng (lên tới 2,5 tấn), chỉ có các máy bay Su-30MKI đã gia cố lại khung thân mới mang vác nổi, cho nên chắc chắn nó không nằm trong kế hoạch mua sắm của Việt Nam.
Vì vậy, phiên bản M của tên lửa BrahMos gần như là đích ngắm duy nhất của Việt Nam lúc này khi thảo luận mua sắm tên lửa siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ.
Theo các thông số kỹ thuật được giới thiệu về BrahMos-M, tên lửa mới đã được thiết kế lại rất gọn nhẹ, giảm đường kính khung thân, giảm trọng lượng. Tuy nhiên, tốc độ của BrahMos-M lại được tăng lên "cực nhanh", tới Mach 3,5 (nhanh gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh), tức nhanh hơn hẳn so với tốc độ Mach 2,8 của tên lửa BrahMos ban đầu.
BrahMos-M có chiều dài giảm xuống 3 m và đường kính nhỏ hơn 190 mm so với nguyên bản BrahMos. Tên lửa có trọng lượng chỉ 1.500 kg (BrahMos-A nặng 2.500 kg). BrahMos-M được phát triển tối ưu hóa để có thể phóng từ trên không, phiên bản M sẽ có tầm bắn lên tới 300 km (hơn 10 km so với 290 km của tên lửa BrahMos).
Tên lửa mới sẽ có các đặc điểm tàng hình, giảm đáng kể tiết diện bộc lộ so với tín hiệu radar và cũng sẽ được cải tiến các hệ thống đối kháng điện tử. Theo tiết lộ của Tổng Giám đốc liên doanh hàng không Nga - Ấn Độ, ông Sivathanu Pillai, phiên bản tên lửa này sẽ đi vào phục vụ trong năm 2017.
Với trọng lượng của BrahMos-M, mỗi chiếc tiêm kích Su-30 (sau khi được gia cố khung thân) có thể mang được 3 quả tên lửa phiên bản M, ông Sivathanu Pillai tiết lộ thêm.
Thời điểm tiếp nhận
Không chỉ đăng tải thông tin về việc Ấn Độ đồng ý bán cho Việt Nam, tạp chí Anh còn cho rằng Việt Nam là khách hàng nước ngoài đầu tiên có được tên lửa BrahMos, có thể ngay trong nửa đầu năm 2017.
Trước khi Jane's đăng tải thông tin này, hãng thông tấn TASS cũng cho rằng Việt Nam sẽ nhận được tên lửa hành trình nhanh nhất thế giới này ngay trong cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Tuyên bố này được ông Manohar Parrikar, Bộ Trưởng Quốc phòng Ấn Độ đưa ra hôm 17/6 nhân chuyến thị sát buổi cất cánh thử nghiệm loại máy bay huấn luyện HTT-40 do Tập đoàn hàng không Hindustan Aeronautics Limited (HAL) chế tạo.
Tại sự kiện này, ông Parrikar cho biết chính phủ Ấn Độ đã quyết định xuất khẩu tên lửa sang các nước bạn bè của Ấn Độ, trong đó có loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác chế tạo.
Về việc xuất khẩu tên lửa sang Việt Nam, Bộ trưởng Parrikar trả lời báo chí rằng Ấn Độ bán cho Việt Nam loại tên lửa diệt hạm siêu thanh có tầm bắn xa 290 km này, và Việt Nam sẽ là nước đầu tiên nhận được vũ khí tiên tiến do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất này.
Trước đó, hãng tin Reuters cho biết chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu BrahMos Aerospace, liên doanh sản xuất tên lửa siêu thanh BrahMos, đẩy nhanh việc bán tên lửa cho 5 nước. Trong danh sách này, Việt Nam đứng ở vị trí ưu tiên số một. Tiếp theo là Indonesia, Nam Phi, Chile và Brazil.