Băng quyển của Trái đất, là tất cả khu vực có nước đóng băng trên Trái đất, đã bị thu hẹp trung bình mỗi năm khoảng 87.000km vuông, trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2016, theo thông tin từ một nghiên cứu mới. Đây là nghiên cứu đầu tiên đưa ra ước tính toàn cầu về diện tích bề mặt Trái đất được bao phủ bởi biển băng, tuyết phủ và mặt đất đóng băng. Để dễ hình dung thì diện tích Thủ đô Hà Nội là 3.359km vuông, nghĩa là hàng năm, Trái đất mất đi lượng băng quyển gấp gần 26 lần thủ đô của nước ta.
Mức độ bao phủ của vùng đất bị đóng băng cũng quan trọng như khối lượng của nó vì bề mặt trắng sáng phản chiếu ánh sáng mặt trời rất hiệu quả, làm mát hành tinh. Những thay đổi về kích thước hoặc vị trí của băng và tuyết có thể làm thay đổi nhiệt độ không khí, thay đổi mực nước biển và thậm chí ảnh hưởng đến các dòng hải lưu trên toàn thế giới.
Tác giả Xiaoqing Peng, một nhà địa lý vật lý tại Đại học Lan Châu, cho biết: “Băng quyển là một trong những chỉ số khí hậu nhạy cảm nhất và là chỉ số đầu tiên chứng minh một thế giới đang thay đổi. Sự thay đổi về quy mô của nó thể hiện một sự thay đổi toàn cầu lớn, chứ không phải chỉ là một vấn đề khu vực hoặc địa phương.”
Băng quyển chứa gần 3/4 lượng nước ngọt của Trái đất và ở một số vùng miền núi, các sông băng đang suy giảm đe dọa nguồn cung cấp nước uống. Nhiều nhà khoa học đã ghi nhận các tảng băng đang co lại, lớp phủ tuyết giảm dần và lượng băng ở biển Bắc Cực mất đi do biến đổi khí hậu. Nhưng không có nghiên cứu nào trước đây xem xét toàn bộ phạm vi của băng quyển trên bề mặt Trái đất và phản ứng của nó với nhiệt độ ấm lên.
Peng và các đồng tác giả của ông từ Đại học Lan Châu đã tính toán mức độ băng quyển hàng ngày và lấy trung bình các giá trị đó để đưa ra các ước tính hàng năm. Trong khi phạm vi của băng quyển phát triển và thu hẹp theo mùa, họ phát hiện ra rằng diện tích trung bình được bao phủ bởi băng quyển của Trái đất đã thu hẹp đáng kể từ năm 1979, tương quan với nhiệt độ không khí tăng lên.
Biển băng tan ở Bắc Băng Dương
Sự suy giảm chủ yếu xảy ra ở Bắc bán cầu, mất khoảng 102.000 km vuông mỗi năm. Những mất mát đó được bù đắp một chút nhờ tăng trưởng ở Nam bán cầu, nơi băng quyển tăng khoảng 14.000km vuông hàng năm. Sự tăng trưởng này chủ yếu xảy ra ở biển băng tại Biển Ross xung quanh Nam Cực, có thể là do các kiểu gió và dòng chảy đại dương và sự bổ sung của nước lạnh tan từ các tảng băng ở Nam Cực.
Các ước tính cho thấy không chỉ băng quyển toàn cầu bị thu hẹp mà thời gian đóng băng của nhiều khu vực cũng đã ngắn hơn. Ngày đóng băng đầu tiên trung bình hiện nay xảy ra muộn hơn khoảng 3,6 ngày so với năm 1979 và băng tan sớm hơn khoảng 5,7 ngày
Shawn Marshall, nhà băng học tại Đại học Calgary, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Loại phân tích này là một ý tưởng hay cho một chỉ số toàn cầu hoặc chỉ số về biến đổi khí hậu. Ông cho rằng bước tiếp theo sẽ là sử dụng những dữ liệu này để kiểm tra thời điểm băng và tuyết phủ khiến Trái đất có độ sáng cao nhất, để xem những thay đổi trong suất phản chiếu (albedo) tác động như thế nào đến khí hậu theo mùa hoặc hàng tháng và điều này đang thay đổi như thế nào theo thời gian.
Để tổng hợp ước tính toàn cầu của họ về phạm vi băng quyển, các tác giả đã chia bề mặt hành tinh thành một hệ thống lưới. Họ đã sử dụng các bộ dữ liệu hiện có về phạm vi biển băng, lớp phủ tuyết và đất đóng băng toàn cầu, để phân loại mỗi ô như một phần của băng quyển nếu nó chứa ít nhất một trong ba thành phần. Sau đó, họ ước tính mức độ của băng quyển hàng ngày, hàng tháng và hàng năm và kiểm tra xem nó đã thay đổi như thế nào trong suốt 37 năm.
Tỷ lệ phần trăm của từng khu vực trải qua băng, tuyết hoặc mặt đất đóng băng tại một số thời điểm trong năm (1981-2010)
Các tác giả nói rằng bộ dữ liệu toàn cầu hiện có thể được sử dụng để thăm dò thêm tác động của biến đổi khí hậu đối với băng quyển và những thay đổi này tác động như thế nào đến hệ sinh thái, sự trao đổi carbon và thời gian của vòng đời động thực vật.
Tham khảo: Scitechdaily