Chuyện đầu tư tiền học hành cho con là "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", không thể dùng điều kiện gia đình mình để đánh giá ai tiết kiệm, ai hoang phí. Tuy nhiên, không ít gia đình rơi vào cảnh túng quẫn, không tự chủ được tài chính khi mạnh tay chi nhiều tiền cho con cái học hành dù hoàn cảnh không quá dư dả.
Mới đây, một bà mẹ than thở và xin tư vấn cách chi tiêu tiết kiệm hơn vì số tiền chi ra cho hai con học hành quá nhiều. Chị cho biết, cả hai vợ chồng đã lớn tuổi, là công nhân, thu nhập 24 triệu/tháng, có hai con. Gia đình không mất tiền thuê nhà nhưng quá nặng chi phí học hành của các con.
Cụ thể, con lớn lớp 11, học thêm và học gia sư cùng 2 bạn (con học đội tuyển). Con nhỏ 1,5 tuổi (chị bị "nhỡ" bé, ngoài 45 tuổi mới sinh). Trong bảng liệt kê được người này chia sẻ, tiền học cho con lớn hết 13 triệu, trong đó có tiền học ở trường 1,2 triệu; gia sư 4 môn hết 8 triệu; tiền ăn sáng, ăn thêm xế chiều đi học 1,2 triệu; tiền tiêu vặt 200 ngàn đồng. Với con thứ hai, chi phí là 5,3 triệu, tiền học 2,5 triệu và các chi phí sữa, bỉm, tiêm phòng... khác. Mục tiêu của gia đình là cho con lớn thi vào trường Y nên phải đầu tư học hành kĩ ngay từ sớm.
Tiền học của con cùng tiền ma chay hiếu hỉ ở quê, ăn uống xăng xe, tháng nào quỹ gia đình chị cũng "âm". Chị chia sẻ, dự định nhờ bà nội giúp đỡ tiền ăn, còn 2 vợ chồng lớn tuổi và chỉ đi làm công nhân không biết làm sao để tăng thu nhập. Đời cha mẹ khổ rồi, chị mong con cái được học hành tử tế để sau đổi đời chứ làm công nhân vất vả quá.
Chi đến gần 80% thu nhập cho con cái là quá rủi ro
Chia sẻ của bà mẹ ngay lập tức hút cơn bão tranh luận. Nhiều người đồng cảm cho biết, chi phí học hành cho con quả là gánh nặng nhất trong quỹ chi tiêu của gia đình. Tuy chi phí hơi lớn một chút nhưng họ vẫn cứ cố gắng vay mượn để đầu tư cho con, mong sau này con có tương lai tươi sáng hơn cha mẹ mình.
Tuy nhiên, đa phần các phụ huynh đều nhận định, họ giật mình vì mức "chịu chi" của gia đình này. Với một gia đình có hai vợ chồng là công nhân, mức thu nhập 24 triệu không phải là thấp, lại không phải tốn tiền thuê nhà. Nhưng chi đến gần 80% thu nhập cho con cái thì "cán cân" tài chính đã đi lệch một cách nghiêm trọng. Con số này thật sự không hợp lý và an toàn cho tương lai của cả gia đình.
Chi phí thiết yếu của gia đình (tiền ăn uống, điện nước, sinh hoạt, học phí của con,…) chỉ nên tối đa là 80%. Còn 20% cần dùng để tích lũy cho các khoản khẩn cấp dùng tới trong nhà như ốm đau, bệnh tật,…, hoặc một chút để đầu tư cho tương lai của hai vợ chồng khi có tuổi, về hưu. Mình đầu tư cho con, nhưng chưa chắc sau mình già, con đã đủ kinh tế, khả năng lo hết cho cha mẹ. Cha mẹ cũng không nên hy sinh, và sau này tạo áp lực cuộc sống của con.
Có nhiều cách để con học tốt hơn mà không phải đi học thêm những nơi đắt tiền. Cần cân đối khoản đầu tư và khoản chi cho con cái. Đừng bao giờ chi hết cho con cái và không để dành tiền để đầu tư như vậy lúc nào cũng túng quẫn, tài chính bấp bênh.
Nhiều người khuyên gia đình có thể xem cho con tự học để giảm bớt gánh nặng, đỡ 8 triệu/tháng. Nếu con thật sự quyết tâm, con có thể tự học, tự luyện và học thêm trung tâm để đỡ chi phí. Anh chị và cháu cũng nên ngồi lại nói chuyện rõ ràng: Con hãy tự học thi được thì vào Y, không được thì vào trường Kinh Tế, Bách Khoa Kiến Trúc, Thương mại gì đó theo năng khiếu của con. Bởi "đuối đuối" mà vào Y sau học nặng cũng khổ vô cùng, nên là tự thực lực của con đến đâu ta theo đó cho nhẹ nhàng.
Chưa kể, con muốn muốn học ĐH Y, học phí năm nay là 85 triệu/năm, cứ 6 năm như thế nhân lên, chưa bao gồm ăn ở đi lại, mua laptop... thì sẽ ra một con số rất lớn. Liệu gia đình có theo được đường dài hay không?
"Con mình lớp 11 học trường công ở Hà Nội: Học phí trường gần 300 ngàn đồng; học thêm 3 môn ( Các môn con chọn khối thi): Trung bình 800 ngàn - 1,1 triệu đồng/tháng: Tổng chỉ hết 3,3 triệu đồng/tháng. Còn học đội tuyển (để đi thi quận) thì giáo viên trong trường dạy miễn phí. Mình không hiểu nổi sao con bạn lại phải học gia sư đến 4 môn như vậy?", một người đặt câu hỏi.
"Chi hết tiền cho con rồi lại bấu víu vào mẹ già, lòng hiếu thảo ở đâu?"
Nhiều người cũng "ném đá" bà mẹ, cho rằng, bản thân chị chi hết tiền cho con rồi lại bấu víu vào mẹ già, lòng hiếu thảo ở đâu? Con cái lớn lên, đã lập gia đình thì phải tự lo cho gia đình, đằng này chị lại muốn bà nội nuôi cả. Đáng lẽ ra tuổi này của bà được an hưởng tuổi già mà vẫn phải bán hàng để có đồng ra đồng vào, vậy mà chị lại còn đòi cắt khoảng 3 triệu đấy, có thấy mình ích kỷ quá không?
Một phụ huynh nêu ý kiến, nhận về hơn 1,5 ngàn lượt đồng tình: "Vợ chồng chị ngoài 45, thì bà nội chắc cũng lớn tuổi. Ở cái tuổi này người ta chỉ lo báo hiếu bố mẹ thì gia đình mình lại "báo" bà như vậy, em thấy hơi tội. Tuy bà làm có đồng ra đồng vào, nhưng thật sự là nuôi cùng 1 lúc 4 người thì có quá sức không chị?
Em thấy mình toàn đầu tư cho con, cũng không phải ích kỉ nhưng con sẽ lớn, còn bà thì ngày một già đi, đến một lúc nào đó bà không còn nữa thì mình bấu víu vào ai đây. Tuy bà nội không phải mẹ ruột mình nhưng mà cũng là mẹ sinh ra nuôi nấng chồng mình mà, nên phụ thêm bà được cái gì mình phụ chứ đừng có mà cắt đi 3 triệu kia ạ. Thật ra 3 triệu nó không to đâu, 1 tháng 4 người ăn từng đó sao mà đủ?
Em nghĩ nên giảm bớt tiền học cho các con được phần nào hay phần đó, chứ chị chi tiêu cho các con tháng mười mấy triệu không tiếc mà gửi bà nội tiền ăn cho cả nhà có 3 triệu 1 tháng lại tiếc. Bao nhiêu năm ở nhà không tốn tiền nhà, điện nước là chị biết bao nhiêu chưa ạ. Thiệt nói mích lòng mà đọc thì thấy chị hơi nghĩ cho gia đình mình thôi".
Theo một báo cáo của Tổng cục Thống kê, những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục và đào tạo vào loại cao trên thế giới. Người dân sẵn sàng đầu tư cho giáo dục với mức chi ngày một tăng. Tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi tiêu của hộ gia đình. Điều này trở thành một áp lực nặng nề với các bậc cha mẹ ngay cả khi có thu nhập ổn định ở mức khá.
Tuy nhiên, nhiều người cũng nhận định, đầu tư cho con bao nhiêu nên tùy điều kiện từng nhà mà liệu cơm gắp mắm. Bố mẹ lo cho con cũng không có gì là không đúng, nhưng nó nên hợp lý với hoàn cảnh gia đình. Nếu vẫn thấy lo được cho con thì cố gắng, còn không có thể cho con học online, hoặc chọn những nơi học ngoại khóa, năng khiếu có mức phí phù hợp hơn.