Không khó để bắt gặp bài báo nói về những món hàng xa xỉ mà các ngôi sao hay những người thuộc lớp đại gia trên thị trường sở hữu.
Nhưng chiếc túi Hermes, Burberry vài trăm triệu đồng, cho tới chiếc đồng hồ Rolex lên tới cả tỷ bạc - những thương hiệu này thực tế được phân phối qua hai đơn vị chính là DAFC và Tam Sơn, mà bóng dáng phía sau hai công ty này là hai đế chế hàng hiệu lớn nhất hiện nay.
Đơn vị đầu tiên cần nhắc đến là Tập đoàn Imex Pan Pacific Group (IPP Group) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, vốn được biết đến là một trong những hệ thống bán lẻ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm cao cấp hàng đầu Việt Nam.
Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh - DAFC và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu – ACFC là hai đơn vị thành viên của IPP Group với nhiệm vụ chính là phân phối ngành hàng thời trang, trong đó ACFC là đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm trung cấp và cận cao cấp còn DAFC là công ty chuyên về các thương hiệu thuộc hàng top trên thị trường như Armani Exchange, Burberry, Bvlgari, Cartier, Ermenegildo Zegna, Versace hay Rolex.
Được thành lập năm 2005, DAFC khởi đầu là đối tác phân phối chính thức của hai thương hiệu Salvatore Ferragamo và Bally.
Năm 2007, DAFC trở thành đối tác phân phối của Burberry và 4 năm sau đó là một loạt thương hiệu như Rolex, Bvlgari, Cartier hay Tudor. Tính đến tháng 9/2018, số thương hiệu mà DAFC nắm quyền phân phối đã lên tới gần 50.
"Đối thủ" của DAFC trên thị trường là Tam Sơn – công ty có liên quan đến OpenAsia, tập đoàn do ông Đoàn Viết Đại Từ sáng lập. Tam Sơn là đơn vị phân phối những thương hiệu thời trang thuộc hàng xa xỉ bậc nhất tại châu Âu, như Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent.
Ngoài ra, công ty này cũng được biết đến là đối tác với một số thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ như Vacheron Constantin, Piaget hay Chopard và mới nhất là thỏa thuận cùng Bénéteau Group để phân phối du thuyền.
Hướng tới một thị trường ngách với tập khách hàng nhỏ, song doanh thu của hai công ty này đều ở mức khá cao so với những chuỗi thời trang khác trên thị trường, xấp xỉ mức ngưỡng nghìn tỷ đồng.
Năm 2017, doanh thu của DAFC đạt 970 tỷ, còn Tam Sơn đạt 1.337 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của hai công ty này đều ở ngưỡng hai con số trong 3 năm gần nhất.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là dù cùng phân khúc thị trường và khách hàng song tỷ suất lợi nhuận của DAFC và Tam Sơn lại khá chênh lệch.
Năm 2017, DAFC đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt chưa tới 14 tỷ đồng, tỷ lệ lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của doanh nghiệp trong hệ thống của IPP Group chỉ ở mức 1,41%. Con số này chưa tới 1/10 so với tỷ suất sinh lời Tam Sơn, vốn đạt gần 15% theo KQKD năm 2017.
Nguyên nhân chủ yếu của sự chênh lệch do biên lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh của DAFC chỉ đạt khoảng 26% so với con số 37% của Tam Sơn và tỷ trọng các khoản chi phí trên doanh thu có sự chênh lệch khá lớn.
Lợi nhuận của DAFC khá thấp so với những thương hiệu phổ thông như Zara hay Owen
Dù vậy, những con số này thực tế cũng không khó lý giải. Quy mô số thương hiệu xa xỉ do DAFC phân phối gấp nhiều lần so với đối thủ cùng phân khúc là Tam Sơn.
Mặc dù các công ty này không tập trung vào việc mở rộng quy mô, thay vào đó là hoàn thiện số ít cửa hàng nhưng chi phí cho một cửa hàng không hề nhỏ khi đa phần được đặt tại các vị trí đắc địa nhất tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM.
Số thương hiệu càng nhiều, số cửa hàng phải mở cũng tương xứng và điều này phần nào ảnh hưởng tới tỷ suất sinh lời.
DAFC cũng không trường hợp duy nhất ghi nhận tỷ suất sinh lời thấp. Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu – ACFC, một thành viên khác của IPP Group cũng có tình trạng tương tự khi tỷ suất lợi nhuận của công ty này chỉ dưới 2%.
Mặc dù doanh thu thuộc nhóm dẫn đầu, song hiệu suất hoạt động của DAFC và ACFC thua xa những đối thủ cạnh tranh như Tam Sơn, Mai Sơn, thậm chí cả những chuỗi thời trang tầm trung như Owen, Canifa hay PT 2000.
Năm 2017, CTCP Thời trang Kowil Việt Nam - công ty chuyên kinh doanh và phân phối sản phẩm thời trang nam với thương hiệu Owen và thời trang nữ Winny – đạt lợi nhuận trước thuế hơn 66 tỷ đồng dù doanh thu chỉ hơn 510 tỷ, tương đương với tỷ suất sinh lời khoảng 13%. Những năm trước, kết quả của Kowil cũng đều đạt trên 10%.
Mặc dù chỉ kinh doanh sản phẩm "bình dân" và mới đặt chân vào Việt Nam từ cuối năm 2016, Zara Việt Nam cũng có kết quả kinh doanh ấn tượng. Năm 2017, Zara Việt Nam đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu và 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.