Dĩ nhiên, con số này không phản ánh tiềm năng rất lớn của các nguồn lợi từ việc khai thác lòng đường, hè phố.
Nếu tách hẳn các hoạt động khác trong cụm từ vốn được dùng khá nhiều nhưng không chuẩn xác lắm là “nền kinh tế vỉa hè”, chỉ tính riêng dịch vụ trông giữ xe, một nhóm các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, một quận có thể thu được từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng/năm nếu quản lý được, thu đúng giá các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đỗ xe trong quận đó.
Theo khảo sát của nhóm phóng viên VOV Giao thông, trung bình một năm, ngân sách một quận vùng lõi của Hà Nội thu được khoảng 10 tỷ đồng từ việc khai thác các bãi đỗ xe trên vỉa hè. Đó là chưa kể thống kê từ các bãi gửi xe dưới lòng đường.
Vậy con số không chảy vào ngân sách ấy chảy đi đâu? Câu trả lời nằm ở chỗ 90% phương tiện vẫn đang phụ thuộc vào các bãi đỗ xe tạm thời, gồm cả có phép và không phép.
Những bãi xe này hình thành như thế nào và tồn tại bằng cách gì, trước hàng nghìn tai mắt nhân dân và hệ thống kiểm soát kín kẽ từ cấp phường?
Câu trả lời dễ hiểu nhất là từ... quan hệ.
Nhóm phóng viên đã tìm hiểu kỹ quy trình cấp phép cho các bãi đỗ xe tạm thời. Nó vẫn mang nặng tính xin-cho. Có rất nhiều khoảng trống đầy cảm tính từ người cấp phép. Họ là người quyết định ai là người được nộp hồ sơ xin cấp phép đỗ xe, hồ sơ ấy có căn cứ hợp lệ hay không; và nếu hợp lệ, căn cứ nào để xét duyệt?
Trong số các doanh nghiệp được cấp phép ở các vị trí đắc địa, tiềm năng kinh doanh rất béo bở ở trung tâm Thủ đô, có thể chia ra làm vài nhóm: Nhóm thứ nhất là doanh nghiệp có bóng dáng của Nhà nước (công ty thuộc doanh nghiệp nhà nước, công ty cổ phần do Nhà nước chi phối); Nhóm thứ hai là doanh nghiệp “thân hữu”, có mối liên hệ, gắn bó lâu năm với chính quyền sở tại; Nhóm thứ ba là các doanh nghiệp không thuộc hai nhóm vừa nêu.
Tiêu biểu cho nhóm thứ ba chính là các đơn vị đứng sau các ứng dụng đỗ xe thông minh vốn đã “chết yểu” sau khi không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cơ chế, chính sách và các lực lượng nắm địa bàn.
Hai nhóm còn lại nhận được sự ưu ái rõ ràng từ chính quyền đô thị. Thể hiện qua một loạt vi phạm xảy ra như trông quá giá, quá diện tích, không xuất vé, hợp đồng, nhưng chủ yếu bị xử phạt hành chính, phạt cho tồn tại. Ít trường hợp bị tước giấy phép, mà hình thức xử lý nghiêm nhất chỉ là sa thải cá nhân nhân viên trông xe.
Không phải ngẫu nhiên, một vị nguyên là thị trưởng Hà Nội từng nói rõ trước công luận rằng, ông biết có tình trạng lãnh đạo địa phương đứng sau các bãi giữ xe. Nếu không chấn chỉnh, ông sẽ tiết lộ đích danh bãi xe nào của ông bí thư hay chủ tịch quận nào.
Đến nay, đó vẫn là câu phát ngôn kinh điển cho thấy rõ lợi ích nhóm bền chặt và dai dẳng ra sao đang đeo bám, ký sinh vào các diện tích công sản như vỉa hè, lòng đường.
Giải pháp thì các chuyên gia đã chia sẻ nhiều: Đó là minh bạch hóa các nguồn thu từ công sản, công khai đấu giá quyền sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè để trông giữ xe, quy trách nhiệm tới từng lãnh đạo, cán bộ phụ trách vấn đề trật tự đô thị, có chế tài nếu để xảy ra sai phạm trên địa bàn.
Tuy nhiên, rất khó để thay đổi cách nhìn nhận của chính quyền đô thị về sự phụ thuộc vào các bãi đỗ xe tạm thời. Khi mà sự phá sản các bãi đỗ xe theo quy hoạch đã dẫn tới một tư duy tạm bợ, vụn vặt.
Nó cũng khó tương đương với việc xé bỏ định kiến của người dân: Khi họ đề cập một bãi đỗ xe nào đó đang ngang nhiên vi phạm các quy định, họ vẫn phải tặc lưỡi cảm thán “Bãi đỗ xe này là của đồng chí nào!?”./.