Câu hỏi lớn về sự ủng hộ của châu Âu cho Ukraine
Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công và tuyên bố giành lại hơn 6.000 km2 lãnh thổ cũng như tạo nên bước ngoặt trong cuộc xung đột với Nga. Các quan chức Ukraine cũng gửi đi một thông điệp tới phương Tây rằng nước này có thể giành chiến thắng, vì thế phương Tây hãy cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí hiện đại hơn.
Quân đội Ukraine phóng lựu pháo tự hành cỡ nòng 203 mm 2s7 Pion ở phía Nam nước này ngày 15/9. Ảnh: AFP
Trong khi Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường ủng hộ Ukraine thì Kiev đang hối thúc phương Tây cung cấp cho nước này xe tăng và xe chiến đấu bộ binh để củng cố các thành quả quân sự và thực hiện các cuộc phản công. Trong khi đó, Đức đang đối mặt với sức ép lớn về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
"Đức có những dấu hiệu đáng thất vọng khi Ukraine cần xe tăng Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder để giải phóng đất nước", Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bình luận ngày 13/9.
"Không có một lập luận rõ ràng nào về việc tại sao những vũ khí này không được cung cấp mà chỉ có những lo ngại và những lý lẽ mơ hồ. Tại sao Berlin lại lo ngại điều mà Kiev không hề lo ngại?", ông Kuleba đặt câu hỏi.
Sự ngần ngại của Đức trong việc cung cấp xe tăng chiến đấu Leopard và xe chiến đấu bộ binh Marder cũng như sự thất vọng của Ukraine đã đặt ra câu hỏi lớn về việc giai đoạn mới của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ diễn ra như thế nào. Ukraine không thể tiếp tục nắm giữ các vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố mới giành lại gần đây chứ chưa nói tới việc kiểm soát các khu vực khác nếu không có sự ủng hộ lâu dài của phương Tây. Không ai biết liệu khi nào phương Tây sẽ đạt tới giới hạn hỗ trợ cho Ukraine.
Các nước châu Âu hiện đang cạn kiệt các loại vũ khí có phần lỗi thời và ít tân tiến hơn mà họ từng sẵn sàng cung cấp cho Ukraine trước đó. Trong khi Kiev đang yêu cầu phương Tây cung cấp các vũ khí hiện đại hơn thì châu Âu khó có thể cung cấp chúng cho Ukraine mà không lo ngại về an ninh của mình. Đức và những xe tăng của nước này đã trở thành một biểu tượng cho khó khăn mới của châu Âu trong việc hỗ trợ cho Ukraine.
Trên thực tế, vấn đề có lẽ phức tạp hơn thế. Đức dẫn đầu EU hỗ trợ tài chính cho Ukraine với việc cung cấp cho Kiev nhiều loại vũ khí tiên tiến, trong đó có pháo phòng không. Trong khi Đức chưa cung cấp cho Ukraine các xe tăng công nghệ cao thì hiện cũng chưa có nước phương Tây hay thành viên NATO nào, thậm chí cả Mỹ, cung cấp chúng cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi tháng 2/2022. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht đã khẳng định rằng Đức sẽ không đơn phương tiến hành động thái trên.
Ukraine và các nước khác gây sức ép lên Đức bởi họ muốn Berlin đóng vai trò dẫn đầu.
"Rõ ràng Đức là một trong những nước quyền lực nhất trong EU cũng như trong NATO nhưng họ thường hành động dưới khả năng của mình", Aylin Matlé, học giả thuộc chương trình an ninh và quốc phòng tại Hội đồng Đối ngoại Đức cho hay.
Theo nhà quan sát này, đây không phải là câu chuyện mới mà một vấn đề quen thuộc trong văn hóa chính trị và chính sách đối ngoại của Đức. Đức muốn các bên hành động cùng nhau nhưng các quốc gia khác lại muốn Đức có những động thái mang tính quyết định.
Thế khó của châu Âu
Hiện nay, châu Âu vẫn đưa ra những tuyên bố chính trị nhất quán và mạnh mẽ để ủng hộ Ukraine, thậm chí cả khi quan chức cấp cao EU cảnh báo về kho vũ khí của khối ở mức thấp. Tuy nhiên, EU đang đối mặt với tình trạng lạm phát và khủng hoảng năng lượng khó lường do cuộc chiến ở Ukraine, lệnh trừng phạt Nga và các động thái đáp trả của Moscow. Một số nhà quan sát cho rằng Nga đang thử thách sự đoàn kết của phương Tây trong mùa đông sắp tới.
Đó là lý do tại sao Ukraine muốn nắm bắt cơ hội tại thời điểm này và cũng là lý do tại sao các cuộc tranh luận về việc cung cấp xe tăng Leopard có thể được coi như một chỉ dẫn về giai đoạn ủng hộ tiếp theo của châu Âu cho Ukraine.
"Xe tăng và xe chiến đấu bộ binh chắc chắn có tác động tới cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng đó cũng là biểu tượng cho câu hỏi về sự ủng hộ trên quy mô lớn hơn của phương Tây", Rafael Loss, nhà quan sát tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu đánh giá.
Theo nhà quan sát này, "nếu Đức quyết định cung cấp những vũ khí trên cho Ukraine thì các quốc gia khác chắc chắn cũng có động thái tương tự".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Getty
Hiện chưa có quốc gia phương Tây nào cung cấp các xe tăng hiện đại cho Ukraine. Thay vào đó, họ chủ yếu cung cấp các loại xe bọc thép được tân trang lại và xe tăng thời Liên Xô. Tuy nhiên, các phương tiện thời Liên Xô đã cũ và khó có thể bảo trì do không có khả năng thay thế các bộ phận.
Đức nói riêng và phương Tây nói chung do dự cung cấp các vũ khí hiện đại cho Ukraine bởi họ lo ngại sẽ leo thang căng thẳng với Nga cũng như việc huấn luyện cho quân đội Ukraine sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian trong khi kho vũ khí phương Tây đang cạn kiệt.
Vấn đề ở đây là các bên dường như cho rằng Đức cần hành động trước để gửi đi tín hiệu tới Ukraine và phần còn lại của phương Tây. Mỹ dĩ nhiên vẫn dẫn đầu sự ủng hộ cho Ukraine nhưng Washington cũng muốn các đồng minh hành động nhiều hơn và việc cung cấp xe tăng từ châu Âu sang Ukraine sẽ thuận lợi hơn về công tác hậu cần. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với đài truyền hình ZDF của Đức, Đại sứ Mỹ tại Đức Amy Gutmann cho biết, mặc dù hoan nghênh sự ủng hộ hiện tại của Đức cho Ukraine nhưng bà đặt kỳ vọng cao hơn vào Berlin.
Ngày 15/9, Đức thông báo sẽ cung cấp một gói hỗ trợ vũ khí lớn cho Ukraine, trong đó có 2 hệ thống tên lửa phóng loạt và khoảng 50 xe bọc thép chở quân nhân. Dù vậy, cho tới nay, Leonard và Marder vẫn không nằm trong danh sách này.
Cân bằng giữa yêu cầu của Ukraine và nhu cầu an ninh của mình
Trong bài phát biểu ngày 13/9, Thủ tướng Đức Scholz đã khẳng định sự ủng hộ của Đức cho Ukraine:
"Việc vận chuyển các vũ khí từ chúng tôi và các đồng minh sẽ góp phần làm xoay chuyển những gì Tổng thống Nga đã lên kế hoạch".
Sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine rõ ràng đã định hình cuộc chiến này. Trung tâm Điều phối Các nhà tài trợ Quốc tế (IDCC) thuộc Bộ Chỉ huy châu Âu của Mỹ tại Stuttgart, Đức cho biết tính tới 15/9, tổ chức này đã hỗ trợ vận chuyển cho Ukraine hơn 172.000 tấn trang thiết bị và hơn 164 triệu phương tiện sát thương và phi sát thương.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã thay đổi tính toán của nhiều nước và khi tình hình an ninh thay đổi, giống như Đức, nhiều quốc gia nhận ra rằng chiến lược quốc phòng và đầu tư của họ phải thay đổi. Việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chủ yếu là quyết định của từng quốc gia.
Ukraine muốn ngày càng nhiều vũ khí tiên tiến và hiện đại hơn nhưng các quốc gia phương Tây cũng cần chúng để đảm bảo khả năng phòng thủ của mình.
"Nếu họ cung cấp các phương tiện này, họ lo ngại không thể thay thế chúng kịp thời. Điều đó không tránh khỏi dẫn đến tâm lý do dự", Max Bergmann, giám đốc chương trình châu Âu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay.
Theo các chuyên gia, khó có thể biết chính xác kho vũ khí của từng quốc gia và những loại vũ khí họ có thể cung cấp. Nhưng đó có thể là lý do tại sao Ukraine tăng cường các cuộc thảo luận, đặc biệt là với Đức, để thuyết phục châu Âu rằng việc cung cấp vũ khí hiện đại cho Kiev cũng nằm trong lợi ích của họ.
Tình hình hiện tại buộc phương Tây phải cân nhắc về thực tế hỗ trợ dài hạn cho Ukraine. Các chuyên gia cho rằng, việc cung cấp các khoản hỗ trợ cùng lúc nên được thay thế bằng một hướng tiếp cận có tổ chức hơn, đặc biệt là tại châu Âu, để cân bằng giữa nhu cầu an ninh của Ukraine và của các nước thành viên EU./.