Một ngôi nhà của người Palestine ở Dải Gaza tan hoang sau các cuộc tấn công của Israel. (Ảnh: Reuters)
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, các lựa chọn đang được bàn đến bao gồm: Triển khai một lực lượng đa quốc gia tới Dải Gaza sau khi xung đột kết thúc; thành lập chính quyền lâm thời do người Palestine lãnh đạo nhưng không có Hamas; trao vai trò quản lý và bảo đảm an ninh tạm thời cho các quốc gia Ả-rập láng giềng; và Liên Hợp Quốc (LHQ) chịu trách nhiệm giám sát tạm thời.
Những bàn bạc này vẫn ở giai đoạn mà nguồn tin ở Mỹ gọi là "thả nổi ý tưởng". Tình hình sẽ phụ thuộc vào việc Israel có thể tiêu diệt Hamas như họ đã tuyên bố hay không; liệu Mỹ cùng đồng minh phương Tây và các chính phủ Ả-rập có cử lực lượng quân sự đứng giữa Israel và người Palestine hay không.
Ngày 1/11, Nhà Trắng khẳng định Mỹ “không có kế hoạch hay ý định” đưa quân đội Mỹ đến Dải Gaza.
Bất kỳ bên nào tìm cách thực thi quyền lực ở Dải Gaza thời hậu chiến cũng sẽ phải đối mặt với ấn tượng của người Palestine rằng họ chịu ơn Israel. Dù Hamas bị lật đổ cũng khó xóa bỏ được tình cảm ủng hộ lực lượng này trong dư luận ở Dải Gaza, làm tăng mối đe dọa về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công mới chống lại bất kỳ ai nắm quyền.
Ông Aaron David Miller, người từng đại diện cho Mỹ tham gia các cuộc đàm phán ở Trung Đông, nhận định: “Nếu Israel thành công trong việc đè bẹp Hamas, tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn để có được một cơ cấu quản lý hợp pháp và hiệu quả ở đó”.
Chắc chắn cần một lượng lớn viện trợ quốc tế để tái thiết Dải Gaza, và nguồn viện trợ như vậy gần như không thể được phương Tây đảm bảo khi Hamas vẫn nắm quyền.
Trước khi khởi hành tới Israel và Jordan, Blinken hôm qua cho biết các cuộc gặp của ông ở khu vực sẽ không chỉ giải quyết “những bước cụ thể” nhằm giảm thiểu tác hại cho dân thường ở Dải Gaza mà còn bàn vấn đề về lập kế hoạch thời hậu chiến.
Các quan chức Mỹ cho biết, họ và Israel đã bàn đến việc rút ra bài học từ những bước đi sai lầm của Washington ở Iraq và Afghanistan, cũng như việc thiếu sự chuẩn bị cho những gì tiếp theo.
Trong số các lựa chọn mà các quan chức Mỹ đã bàn đến là thành lập một lực lượng đa quốc gia để duy trì trật tự. Thành phần của lực lượng này có thể bao gồm người của một số nước châu Âu hoặc Ả-rập, dù chưa có chính phủ nào công khai bày tỏ quan tâm đến việc tham gia lực lượng như vậy.
Sau khi chấm dứt hiện diện quân sự kéo dài hai thập kỷ của Mỹ ở Afghanistan, Tổng thống Joe Biden chắc chắn không muốn đưa quân vào Trung Đông một lần nữa trước khi ông tái tranh cử vào năm sau.
Một số nhà phân tích chính sách đã đưa ra ý tưởng triển khai lực lượng được LHQ hậu thuẫn đến Dải Gaza, hoặc là lực lượng gìn giữ hòa bình chính thức của LHQ, giống như ở biên giới Israel-Li-băng, hoặc một lực lượng đa quốc gia có sự chấp thuận của LHQ.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cho biết chưa có cuộc thảo luận nào tại LHQ về ý tưởng vốn cần sự đồng thuận của 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Những nhiệm vụ như vậy thường gặp phải trở ngại lớn. Tháng 10/2022, Haiti yêu cầu quốc tế giúp đỡ để chống lại các băng nhóm bạo lực.
Mãi 1 năm sau, Hội đồng Bảo an LHQ ủy quyền cho một phái đoàn an ninh nước ngoài. Kế hoạch bị chậm do không tìm được quốc gia nào sẵn sàng lãnh đạo phái đoàn đó. Kenya sau đó nhận nhiệm vụ, nhưng Haiti đến nay vẫn đang chờ phái đoàn đến.
Israel có thể sẽ phản đối LHQ đóng bất kỳ vai trò an ninh nào ở khu vực, nhất là sau khi các quan chức nước này chỉ trích phát biểu của Tổng Thư ký Antonio Guterres khi ông phát biểu rằng vụ tấn công của Hamas ngày 7/10 “không phải tự dưng”.
Mỹ điều máy bay không người lái đến Dải Gaza tìm con tin
Mỹ đang điều các máy bay giám sát không người lái đến Dải Gaza để tìm kiếm những con tin bị Hamas bắt giữ từ sau cuộc tấn công vào Israel ngày 7/10, hai quan chức Mỹ vừa cho biết.
Một quan chức cho biết hoạt động này đã diễn ra hơn 1 tuần. 10 công dân của Mỹ đến nay vẫn chưa xác định được ở đâu, có thể nằm trong số hơn 200 con tin bị đưa đến Dải Gaza và có thể đang bị giữ dưới hệ thống đường hầm rộng khắp của Hamas.
Ngày 2/11, quân đội Israel tuyên bố đã bao vây thành phố Gaza, tức thành phố chính của Dải Gaza. Hamas đáp trả bằng các cuộc tấn công từ đường hầm.
Thành phố nằm ở phía bắc Dải Gaza trở thành trọng tâm tấn công của Israel, sau khi Tel Aviv thề sẽ đánh sập cấu trúc chỉ huy của Hamas và yêu cầu dân thường di chuyển xuống phía nam.
Để đáp trả cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 khiến 1.400 người thiệt mạng, Israel triển khai chiến dịch ném bom dồn dập và tấn công trên bộ vào dải đất bị phong tỏa, giết chết ít nhất 9.061 người.