Stress vì không biết ăn gì
Chị Nguyễn Hồng Thu – 44 tuổi, Hà Nội trong lần kiểm tra sức khỏe được bác sĩ chẩn đoán đái tháo đường tuyp 2. Chị vô cùng lo lắng và trải qua nhiều đợt chẩn đoán liên tiếp bác sĩ cho biết cần thay đổi chế độ ăn để tránh tăng đường huyết.
Cảm giác luôn căng thẳng với bệnh tật, chị Thu bắt đầu thay đổi. Chị chuyển sang chế độ ăn bỏ tinh bột hoàn toàn. Chị không dám ăn cơm, bún, phở. Bất cứ gì có bột đường chị đều sợ. Lúc nào chị cũng tính toán làm sao để lượng thực phẩm đủ với cơ thể có lúc khiến chị stress vì chẳng biết ăn uống thế nào.
Đái tháo đường là bệnh lý liên quan tới rối loạn chuyển hóa cacbohydrat, mỡ và protein do hormon insulin giảm về số lượng hoặc tình trạng kháng insulin trong cơ thể. Vì vậy, bệnh luôn biểu hiện bằng lượng đường trong máu cao.
Bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh, làm tổn thương các mạch máu dẫn tới xơ vữa động mạch, huyết áp cao, khiến mắt bị tổn thương, hoặc bị bệnh mạch vành, thận có nguy cơ bị tổn thương,... Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, đột quỵ, mù mắt, suy thận,…
Những năm gần đây tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng. Theo thống kê khoảng 285 triệu người mắc bệnh trên vào năm 2010 và dự đoán tới năm 2030 con số này sẽ tăng gấp 1,5 lần. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường có xu hướng gia tăng qua các năm.
Người bị đái tháo đường nên ăn gì? |
ThS. BS. Vũ Thuỳ Thanh - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai cho biết hiện nay có rất nhiều quan điểm sai lầm trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh đái tháo đường. BS Thanh cho biết, nhiều bệnh nhân cũng giống trường hợp của chị Thu thậm chí họ còn sắm chiếc cân nhỏ để cân thực phẩm ăn sao cho đủ.
Không kiêng thái quá
Theo bác sĩ Thanh chế độ ăn giảm tinh bột là một trong các phương pháp giảm đường huyết. Hiện nay chế độ ăn cho bệnh nhân đã thoải mái hơn, người bệnh không cần quá kiêng khem. Không có quy luật chung cho tất cả các bệnh nhân đái tháo đường, từ thực đơn chung sẽ cá thể hóa từng bệnh nhân tùy theo lứa tuổi, lối sống để phù hợp với từng người.
Nguyên tắc chung chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, chất bột đường, muối khoáng, tỷ lệ hợp lý. Chế độ ăn tốt là chế độ không gây tăng đường huyết hay hạ đường huyết sau ăn giúp bệnh nhân duy trì thể lực hàng ngày và duy trì cân nặng hợp lý.
Khi phát hiện bệnh đái tháo đường, người bệnh nên thay đổi từ từ theo tập quán sinh hoạt hàng ngày để cơ thể thích nghi. Nếu thay đổi đột ngột sẽ ảnh hưởng tới xấu cơ thể.
Chế độ ăn an toàn là chế độ ăn không được tăng các yếu tố nguy cơ sẵn có vì bệnh nhân đái tháo đường thường kèm theo các bệnh đi kèm như suy thận, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu… Vì vậy, chế độ ăn này cần đảm bảo đơn giản, sẵn có, không cần quá đắt tiền.
Một số người ăn theo chế độ ăn Địa Trung Hải, chế độ ăn này tốt nhưng không phải ai cũng theo đuổi được chế độ ăn như vậy vì đắt đỏ.
Bệnh nhân đái tháo đường chỉ cần ăn 3 bữa chính, có thể thêm 1 số bữa phụ nhưng không nhất thiết bệnh nhân nào cũng cần bữa phụ.
BS Thanh cho biết có rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường chỉ cần ăn bình thường, không cần bữa phụ.
Lưu ý, khi sử dụng cùng 1 thực phẩm nhưng chế biến khác nhau sẽ làm tăng đường huyết. Ví dụ nghiền nhỏ, xay nhuyễn, chiên, xào, nướng sẽ làm tăng đường huyết hơn. Nên ăn thô hoặc hấp, luộc.
Nhiều bệnh nhân đái tháo đường cảm thấy lo lắng hỏi mỗi bữa ăn được bao nhiêu gram thịt, cá, rau điều này máy móc vì đôi khi như vậy bệnh nhân chỉ tính ăn như thế nào đã stress. Bệnh nhân không cần tính chính xác ăn bao nhiêu gram.
Chỉ cần thay đổi: Chất bột đường duy trì 60 – 65 %, đạm 15 – 20 %, chất béo 20 – 25 %, muối thì hạn chế càng tốt chỉ 2,3 gram mỗi ngày. Chất xơ càng nhiều càng tốt, uống đủ nước.
Nếu chế độ ăn đủ thì không cần bổ sung thêm vitamin và muối khoáng, các thực phẩm chức năng thường không có khuyến cáo thậm chí không đem lại lợi ích gì thêm tốn tiền cho người bệnh.