Whitmore có ăn thịt người?
Vài năm trước, vi khuẩn Whitmore rộ lên với tin tức đó là những vi khuẩn ăn thịt người khiến cộng đồng lo lắng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ đây là trực khuẩn và nó không phải là loài "ăn thịt người".
Bác sĩ Lê Văn Lâm - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và Chống độc - Bệnh viện Đa khoa tỉnh (BVĐK) Quảng Trị cho biết sau lũ số ca bệnh vào viện tăng lên. Không riêng ở Quảng Trị mà các tỉnh khác số lượng ca bệnh Whitmore có liên quan chặt chẽ và tỉ lệ thuận với lượng mưa hằng năm và đặc biệt tăng cao sau lũ lụt do sự phát triển mạnh mẽ của vi khuẩn.
Bệnh Whitmore hay còn gọi bệnh Melioidosis là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm. Bệnh do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn sống ở trong đất hoặc trong nước bề mặt, xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước trầy da khi tiếp xúc hoặc do hít phải các hạt bụi có vi khuẩn, hít phải nước nhiễm khuẩn khi bơi, đuối nước ở ao, hồ, sông và suối.
Vi khuẩn Whitmore nguy hiểm thế nào?
Khi xâm nhập vào cơ thể người qua các vết thương ngoài da, các vết trầy xước có thể các mụn mủ to hoặc nhỏ tùy theo mức độ, đôi khi là một ổ áp xe lớn tại chỗ chúng tấn công. Sau đó vi khuẩn này theo dòng máu đi đến khắp các cơ quan trong cơ thể, nhất là gan, lách, phổi gây nên các ổ áp xe từ nhỏ đến lớn hoặc có thể liên kết với nhau.
"Bản chất chúng gây ra biến chứng hoại tử, nhiễm trùng máu dẫn đến sốc nhiễm khuẩn và tử vong chứ vi khuẩn này không "ăn thịt người".
BS Lâm cho rằng không quá lo lắng và hiểu đúng về vi khuẩn này để phòng tránh tốt hơn. Nếu tiếp xúc với nước lũ nên đeo găng tay, đi ủng. Những người bị trầy xước trong lúc dọn dẹp thì phải băng kín, xử lý sát khuẩn vết thương và thường xuyên theo dõi sức khỏe có bất thường cần tới cơ sở y tế khám ngay.
Bất cứ vi khuẩn nào cũng thành sát thủ
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết biến Whitmore trở thành chuyện đáng sợ về vi khuẩn "ăn thịt người" gây hoang mang cộng đồng.
Bệnh Whitmore chính danh khoa học là Burkholderia Pseudomallei. Con vi khuẩn này gây ra bệnh Whitmore. Tên bệnh được đặt theo tên nhà khoa học Alfred Whitmore - người đầu tiên mô tả về bệnh Melioidosis do nó gây ra nên cũng có thể gọi tắt là "con Whitmore".
Con Whitmore là dạng trực khuẩn có nhiều trong đất đai nông nghiệp và trong nguồn nước, đặc biệt sinh sôi nảy nở tưng bừng ở vùng nước bẩn, nhiều nhất là vùng Đông Nam Á.
Hiện nay, với điều kiện sống của người dân thì vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei có thể đã bám trên cơ thể chúng ta. Và không phải khi tiếp xúc với ai cũng gây bệnh nguy hiểm chết người.
Bác sĩ Hùng cho biết Whitmore chỉ gây bệnh khi hệ miễn dịch cơ thể yếu đi, nhất là khi sự liền lạc của hàng rào đề kháng da bị phá vỡ. Đây là vi khuẩn cơ hội nên sẽ thừa cơ lẻn qua vết thương trên da rồi chui tọt vào trong tế bào, sinh sống ở đó để tránh sự tuần tra của các tế bào miễn dịch vốn đã suy yếu khác.
Khi tấn công cơ thể, vi khuẩn này chui vào cả tế bào miễn dịch để âm thầm phát triển. Khi hệ miễn dịch phát hiện ra thì nó đã lan tràn khắp nơi và bắt đầu gây ra các triệu chứng tùy theo cơ quan mà nó nhiễm. Triệu chứng thường mờ nhạt như bị nhiễm lao, đó là lý do nó thường bị nhầm với bệnh lao. Theo thống kê, tỉ lệ nhiễm khuẩn huyết do con Whitmore gây ra chỉ chiếm có 2% so với các con vi khuẩn khác.
Bất cứ con vi khuẩn yếu ớt tưởng chừng vô hại nhưng nếu có điều kiện thuận lợi là biến hình thành sát thủ ngay.
Để phòng bệnh thì cần loại bỏ môi trường con vi khuẩn này tần công. Bác sĩ Hùng khuyến cáo cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại vi khuẩn.