Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen

Ngân Hà |

Những chia sẻ, tâm sự của một người mẹ trẻ về nguyên nhân khiến con chị mắc chứng tự kỉ khiến nhiều người phải giật mình.

Con liên tục cắn cụt móng tay, mẹ tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo nguyên nhân

Trong xã hội hiện đại, tỉ lệ các trẻ nhỏ mắc chứng tự kỉ, trầm cảm đang có xu hướng gia tăng đáng báo động. Bệnh trầm cảm ở trẻ nhỏ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, từ chính cha mẹ...

Mới đây, trên trang facebook cá nhân của mình, chị Đặng Thúy Nga, một người mẹ đến từ Hà Nội đã có bài chia sẻ về cậu con trai lớn bị chẩn đoán mắc chứng tự kỷ vì một nguyên nhân khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen - Ảnh 1.

Bài chia sẻ của chị khiến nhiều bậc làm cha làm mẹ không khỏi giật mình. (Ảnh chụp màn hình)

Nội dung bài viết của chị Thúy Nga:

"Sáng đưa con đi khám. Lòng hối hận vô cùng, cả mệt mỏi nữa. Giờ chắc có khóc thì cũng chả giải quyết được gì, vì tất cả là lỗi do cha mẹ quá đặt nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái.

Tự nhiên thấy sợ chính mình và cách mình dạy con. Bác sĩ chẩn đoán cháu bị tự ksốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm và chứng sợ đám đông, sợ khoảng trống dẫn đến việc cắn cụt móng tay mà không hề biết đau.

Giờ không biết nên làm gì nữa, thật sự mệt mỏi!..."

Chỉ đôi dòng tâm sự nhưng có thể cảm nhận được rõ sự hối hận và xót xa của người mẹ trẻ đến từ Hà Nội.

Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen - Ảnh 2.

Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen - Ảnh 3.

Cậu con trai đầu của chị Nga liên tục cắn móng tay mà không hề biết đau do bị rối loạn tâm lý.

Liên hệ với chị Thúy Nga, chị cho biết hiện tại bản thân cảm thấy vô cùng mệt mỏi và rối loạn.

"Mình không ngờ mọi người lại quan tâm đến chuyện này nhiều đến vậy. Lúc con trai đầu của mình cứ liên tục cắn cụt các đầu ngón tay một cách vô thức, mình khá hoang mang nên đưa cháu đi khám bác sĩ.

Thì bác sĩ mới chẩn đoán con bị tự kỉ, rối loạn tâm lý do bố mẹ gây áp lực học tập quá sức chịu đựng.

Mình cũng nghĩ là do cách mình dạy con và ép con học, vì mỗi sáng gọi con dậy đi học mình toàn cầm roi gõ xuống nền nhà khiến con giật mình tỉnh dậy. Khi dạy con học, nếu con chậm hiểu mình cũng hay quát mắng, dọa đánh...

Bây giờ con bị thế này mình thực sự hối hận và muốn bù đắp cho con, thay đổi quan điểm dạy dỗ con cái"- Chị Nga tâm sự

Thông qua bài chia sẻ của mình, chị Thúy Nga cũng mong rằng các bậc phụ huynh sẽ phần nào thay đổi phương pháp dạy con, không gây áp lực học hành quá lớn lên con cái, đặc biệt là các cháu nhỏ để tránh hậu quả đáng tiếc như trường hợp của chính gia đình chị.

Đừng tạo áp lực học tập lên con trẻ mà hãy khiến chúng hứng thú, tự giác với việc học

Chỉ một vài dòng tâm sự, câu chuyện của người mẹ trẻ đến từ Hà Nội đã nhận được hơn 40 nghìn lượt like và chia sẻ. 

Con số này đã phần nào thể hiện được sự quan tâm của cộng đồng mạng, đặc biệt là các bậc phụ huynh đang nuôi con nhỏ về vấn đề nuôi dạy con cái và việc gây áp lực học tập cho con trẻ.

Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen - Ảnh 4.

Có hai loại áp lực là áp lực lành mạnh và áp lực không lành mạnh. Áp lực lành mạnh là khi cha mẹ hỗ trợ, động viên khiến trẻ hứng thú trong học tập. Còn áp lực không lành mạnh là khi cha mẹ muốn trẻ thỏa mãn mong muốn của mình, khiến con chán nản việc học. (Ảnh minh họa)

Đại đa số các bậc làm cha làm mẹ đều mong muốn con em mình học tốt ở trường từ cấp tiểu học cho tới đại học, để có một tương lai xán lạn và hạnh phúc. Chính vì vậy mà càng này các em nhỏ càng phải chịu áp lực lớn từ việc học hành.

Tuy nhiên hiện nay, học hành quá áp lực khiến nhiều trẻ em không có được cuộc sống bình thường, và các phụ huynh nên cảnh giác với bất kỳ vấn đề tâm lý, tình cảm nào mà con trẻ gặp phải vì áp lực học hành quá lớn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, hội chứng tự kỉ ở trẻ, như: Chất lượng quan hệ trong gia đình giảm, tiền sử bệnh của gia đình, thay đổi môi trường sống đột ngột...và không thể không kể đến nguyên nhân từ áp lực học tập.

Cha mẹ nào cũng muốn con mình học giỏi, thông minh nên đặt cho bé mục tiêu học tập quá cao, bắt trẻ học nhiều, khi trẻ không đạt được kết quả tốt, bị điểm kém thì cha mẹ tỏ thái độ không hài lòng, tức giận, có khi phạt trẻ.

Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen - Ảnh 5.

Áp lực học tập là nguyên nhân khiến con trẻ dễ mắc bệnh trầm cảm (Ảnh minh họa)

Áp lực còn ở trong trường học, ví dụ giáo viên yêu cầu bé tả cây cau; nhưng trong khi bé ở thành phố nên không thể biết cây cau thế nào để làm bài, từ đó dễ dẫn đến căng thẳng từ việc học, hay thất bại trong học tập, thi cử mặc dù trước đó trẻ học rất giỏi.

Trầm cảm hay tự kỉ sẽ khiến trẻ hay khóc, rối loạn trong giấc ngủ, giật mình nhiều lần, chậm phát triển về nhận thức và hoạt động khiến sự tập trung chú ý và trí nhớ của trẻ kém, và điều này lại càng khiến trẻ chịu áp lực học tập lớn hơn.

Ngoài ra, trẻ bị cầm cảm còn dễ cáu gắt, hay có một số hành động vô thức như chị Thúy Nga chia sẻ về trường hợp cậu con trai lớn của mình.

Do vậy, để tránh cho con nhỏ mắc phải chứng trầm cảm, tự kỉ, cha mẹ nên tạo cho con mình một tâm lý thoải mái, tránh gây áp lực.

Đưa con tham gia các hoạt động bên ngoài. Những hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp giảm bớt căng thẳng rất nhiều, nhất là những hoạt động ngoài trời khi cả nhà cùng tham gia.

Tạo cho trẻ có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đủ vitamin: Dinh dưỡng đầy đủ sẽ khiến trẻ tập trung học, tinh thần hưng phấn hơn.

Bà mẹ Hà Thành hối hận khi khiến con bị sốc tâm lý, cắn cụt móng tay chỉ vì một thói quen - Ảnh 6.

Những hoạt động vui chơi giải trí sẽ giúp trẻ giảm bớt căng thẳng rất nhiều (Ảnh minh họa)

Cha mẹ hãy dẫn bé đi chơi, xem phim, đi nhà sách...vào ngày cuối tuần. Đồng thời cũng cần đồng cảm, động viên khi bé học tập không tốt.

Không đánh trẻ khi chúng phạm sai lầm, bị điểm kém, cũng không nên hỏi dồn, bắt buộc trẻ phải trả lời ngay. Nhưng đừng bỏ rơi trẻ khi trẻ không chịu chia sẻ.

Ngoài ra, có một số trường hợp trẻ rất sợ cô giáo, không muốn đi học nhưng cha mẹ lại phớt lờ việc này, và cho rằng rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy. Xin đừng thờ ơ với điều này, hãy tìm hiểu để giải quyết vấn đề!

Áp lực học tập vốn xuất phát từ ý định tốt của cha mẹ là muốn con cái giỏi giang, nhưng họ thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi guồng xoáy áp lực học hành của xã hội.

Do vậy, các bậc làm cha, làm mẹ cần có nhận thức đúng đắn để tạo cho con mình tinh thần thoải mái, hứng thú với việc học. Có như vậy mới đạt được kết quả mong muốn và tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại