Trước đây, để có thể bán được những quả quýt, bà con tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai phải xuống chợ huyện hoặc phải chờ đợi phụ thuộc vào thương lái đến thu mua. Tuy nhiên gần đây, bà con có cách tiếp cận mới với thị trường và tự chủ bán hàng, đó là livestream bán hàng trên Facebook.
Bà con dân tộc tỉnh Lào Cai bán 5 - 8 tạ quýt trong buổi livestream.
Mỗi buổi livestream bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Ma Thị Chú (xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) có thể bán được từ 5 - 8 tạ quýt. Trước đây, để bán được từng này hàng trong một buổi là không thể.
"Những năm trước chỉ đăng lên cho mọi người biết thôi. Hai năm nay, chúng em tập trung xây dựng kênh online, phổ biến và hướng dẫn cho nhiều chị em, nhà vươn làm theo cách này", chị Ma Thị Chú chia sẻ.
Một buổi livestream bán quýt trên mạng xã hội Facebook của chị Ma Thị Chú.
Toàn huyện Mường Khương hiện nay đang canh tác khoảng 650 ha quýt trong đó có 250 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Bán hàng qua mạng đang giúp địa phương tiêu thụ được khoảng 800 trên tổng số 3000 tấn thu hoạch của cả huyện.
Năm nay bà con còn tham gia bán hàng tại các trang thương mại điện tử như: Shopee, Lazada hay Tiki.
"Tham gia các trang bán hàng em cảm thấy thuận lợi hơn. Người dân cũng thích thú với điều này", chị Vàng Thị Hoa, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, Lào Cai, cho hay.
Đa dạng hóa các sản phẩm từ quả quýt, chế biến thành rượu, tinh dầu hay mứt quýt cũng đang giúp bà con tận dụng rất tốt khoảng 30% sản lượng quýt của cả huyện. Số lượng này là các loại quýt có mẫu mã xấu bán không được giá.
"Tích cực chủ động, xây dựng các sàn giao dịch điện tử để kết nối các mặt hàng nông sản của địa phương đến với các địa bàn trong nước cũng như các địa bàn quốc tế. Trong thời gian vừa qua, các mặt hàng nông sản của địa phương đã giải quyết tốt đầu ra, đảm bảo đời sống của nhân dân", ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương, Lào Cai, noi.
Đầu năm nay, Hợp tác xã Mường Khương đã gửi hồ sơ tham gia thi chương trình OCOP. Dự kiến đến đầu năm sau, huyện sẽ có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là siro quýt và tinh dầu quýt. Đây cũng sẽ là cơ sở để có thể nâng cao được giá trị và thu nhập cho bà con từ quả quýt ở huyện vùng cao này.