Ngày 25/4, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về vấn đề cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Việc kiểm tra này nhằm thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại văn bản số 3207/VPCP-KTTH ngày 3/4/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra làm rõ thông tin về vận chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Đoàn kiểm tra sẽ tiến hành thanh kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt Nam có trụ sở tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thời gian kiểm tra dự kiến vào trung tuần tháng 5/2017.
Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam (tên tiếng Anh: Global Vietnam Aluminum Co), đóng tại KCN Mỹ Xuân B1-Conac, huyện Tân Thành.
Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam đang đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do 2 người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung (35 tuổi) và ông Wang Tong (36 tuổi) làm chủ đầu tư. Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, ông Wang Tong đóng góp gần 4.500 tỷ đồng.
Công ty được Ban quản lý KCN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp gấy phép đầu tư, thời gian hoạt động là 37 năm, kể từ năm 2011.
Hiện tại nhà máy sản xuất của Công ty Nhôm toàn cầu Việt Nam đang gấp rút được xây dựng.
Từ cuối năm ngoái, Tờ Wall Street Journal đã thông tin về 500 nghìn tấn nhôm đùn (để sản xuất nhôm) được âm thầm chuyển từ San José Iturbide (Mexico) đến Việt Nam. Theo đó, đã dẫn đến nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ của kho nhôm khổng lồ được canh phòng cẩn thận tại một nhà máy ở Vũng Tàu.
Số hàng này sau đó được ông Trần Văn Danh, cục trưởng Cục Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu, xác nhận với báo chí là của công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam.
Điều tra của Wall Street Journal đã đặt nghi vấn số nhôm xuất phát từ Mexico hiện ở Việt Nam có liên quan đến 1 trong những người giàu nhất Trung Quốc là ông Liu Zhongtian, chủ tịch Công ty nhôm China Zhongwang Holdings.
Các doanh nghiệp Nhôm của Mỹ đã cáo buộc ông Liu chuyển hàng đến Mexico để che giấu nguồn gốc xuất xứ nhằm trốn thuế.
Hiện tại, theo thuế suất ở Mỹ, nhôm đùn có nguồn gốc Trung Quốc bị đánh thuế chống phá giá lên đến 374% trong khi nếu xuất xứ là Việt Nam thì thuế này chỉ là 5%. Phía Wall Street Journal qua nghiên cứu sổ sách và vận chuyển cho rằng số nhôm ở Việt Nam có liên quan đến công ty của ông Liu và gia đình ông này.
Vụ vận chuyển nhôm lớn từ Mexico đến Việt Nam trùng hợp với đợt gia tăng khối lượng nhôm nhập khẩu vào Việt Nam từ hai nước là Trung Quốc và Mỹ. Hàng hóa chủ yếu đi qua các cảng biển gần với các cơ sở làm ăn của ông Liu ở Việt Nam .