Sự ra đời của AUKUS đã buộc Ấn Độ và Pakistan đánh giá lại các học thuyết hạt nhân đang phát triển của họ. Nguồn: Popular Mechanics
AUKUS là kết quả của việc Mỹ và Trung Quốc đối đầu trên toàn cầu mà nhiều người mô tả là một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”. Thỏa thuận khuyến khích các thành viên tăng cường năng lực hạt nhân của mình.
Nếu Australia có thể được trang bị nhiều vật liệu hạt nhân hơn thì Ấn Độ cũng có thể. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã ám chỉ rằng New Delhi có thể thay đổi chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”.
Khi điều đó xảy ra, New Delhi có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới tại một Nam Á vốn đang chao đảo bởi vũ khí hạt nhân.
Sự leo thang như vậy của Ấn Độ có thể buộc Trung Quốc cũng phải thay đổi chính sách “không sử dụng vũ khí hạt nhân trước”, gây ra hiệu ứng quả cầu tuyết nguy hiểm trong việc trang bị và phổ biến vũ khí hạt nhân. Sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong các công nghệ quốc phòng nhạy cảm làm nghiêng cán cân sức mạnh chiến lược ở Nam Á.
Nếu Ấn Độ phản đối AUKUS bằng cách tăng cường năng lực hạt nhân hải quân, Islamabad có thể sẽ buộc phải củng cố quan hệ đồng minh với Trung Quốc trên bàn cờ chiến lược về an ninh hàng hải.
Làm ngơ trước Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Nghị quyết 255 của UNSC và các đảm bảo an ninh hạt nhân liên quan đến UNSCR 984, Ấn Độ đã vận hành các tàu hạt nhân ở Ấn Độ Dương.
Việc Ấn Độ hiện đại hóa quân đội nhanh chóng và tiếp cận các công nghệ hải quân làm gia tăng mối đe dọa đối với Pakistan.
Ấn Độ đã vận hành tàu ngầm tấn công tàng hình lớp Akula của Nga Chakra II và lớp INS Arihant mang tên lửa đạn đạo sử dụng các lò phản ứng nước nhẹ điều áp (PWR) chạy bằng uranium làm giàu có khả năng bắn ngư lôi và phóng tên lửa đạn đạo (SLBM), gây nguy hiểm cho sự ổn định hàng hải trong khu vực.
Ấn Độ không chỉ triển khai vũ khí hạt nhân ở Nam Á mà còn gia tăng nhân tố hạt nhân tại Khu vực Ấn Độ Dương (Indian Ocean Region - IOR).
New Delhi vô cùng khao khát có được quy chế “hải quân nước xanh” và các hoạt động mua sắm của họ giúp tăng cường khả năng chiến đấu, trinh sát và chống ngầm, nâng cao năng lực cho Hải quân với chiến lược tiếp cận ở Ấn Độ Dương.
Hạt nhân hóa Ấn Độ Dương là mối đe dọa đối với tất cả các quốc gia ven biển, đặc biệt là đối với Pakistan đang tìm kiếm một biện pháp răn đe hạt nhân đáng tin cậy trước Ấn Độ.
Thỏa thuận AUKUS vô tình thúc đẩy xung đột quân sự hóa trên biển trong tương lai và các cuộc tranh giành quyền lực lớn ở IOR, lôi kéo Pakistan vào cuộc.
AUKUS tận dụng một cách hợp pháp lỗ hổng hiếm khi được sử dụng trong Quy chế NPT và IAEA năm 1968, cho phép các quốc gia có vũ trang hạt nhân chuyển hướng vật liệu phân hạch ra khỏi sự giám sát của IAEA nếu nó được sử dụng cho các mục đích “hòa bình”, bao gồm cả động cơ đẩy tàu ngầm.
Ấn Độ phòng ngừa về mặt ngoại giao những lo ngại về an ninh giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt là khi vai trò của nước này ở Afghanistan giảm dần. New Delhi đã triển khai quân đội tới các cuộc tập trận quân sự Zapad của Nga được tổ chức gần đây ở Belarus và là thành viên đầy đủ của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Trung Quốc lãnh đạo.
Tuy nhiên, New Delhi hiện đang ở trong tình trạng lấp lửng khó chịu khi ngày càng khó khăn trong việc giải quyết các ưu tiên xung đột về mặt ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang. New Delhi có khả năng tăng cường liên minh hải quân với Washington.
Để chống lại chủ nghĩa đơn phương của Ấn Độ, Trung Quốc có thể được thúc đẩy để tạo ra một thỏa thuận kiểu AUKUS của riêng họ với Islamabad, nhằm đối trọng với Ấn Độ. Đây sẽ là một cuộc phản pháo chiến lược của Hải quân Trung Quốc chống lại Ấn Độ.
Đô đốc M Amjad Khan Niazi, Tham mưu trưởng Hải quân Pakistan, khẳng định mối quan hệ an ninh hải quân giữa Bắc Kinh và Islamabad trong những năm qua đã được củng cố bởi một loạt hoạt động mua sắm vũ khí, khi Pakistan đang hiện đại hóa khả năng tác chiến hải quân, mua các khinh hạm công nghệ tiên tiến do Trung Quốc sản xuất.
Hải quân Pakistan mua khinh hạm F-22P lớp Jiangwei-II, 8 tàu ngầm đẩy độc lập lớp Yuan Hangor (thông thường), Tên lửa tấn công nhanh (FAC M), tên lửa chống hạm C-602, tên lửa bề mặt đối không FN-16 SHORADS, bao gồm 4 khinh hạm tên lửa hải quân đa năng Kiểu 054A/P và các phương tiện bay chiến đấu không người lái tầm xa, tầm trung.
Những loại vũ khí tinh vi như vậy cùng nâng cao khả năng tìm kiếm và theo dõi tàu giám sát, hệ thống vũ khí tầm gần và tên lửa tầm xa của Hải quân Pakistan.
Với các động lực đe dọa đang phát triển nhanh chóng và nâng cấp an ninh hàng hải, các nhà chiến lược Pakistan cần tăng cường xây dựng thêm các nền tảng hàng hải tiên tiến như tàu hộ tống, khinh hạm, tàu ngầm tấn công mặt nước nông và tàu tuần tra ngoài khơi, điều này càng khiến AUKUS cấp bách hơn vốn ngày càng làm lu mờ QUAD truyền thống.
Pakistan đã và đang phải nâng cấp khả năng của hải quân với các loại vũ khí trên mặt nước, dưới mặt nước và phòng không hiện đại, cảm biến và hệ thống quản lý tác chiến (combat management system - CMS) với khả năng tác chiến tầm xa, chống tàu ngầm và chống mặt nước thông qua máy bay tuần tra tầm xa, máy bay chiến đấu không người lái (UCAV), vũ khí tối tân và hệ thống giám sát nhằm duy trì an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương và Biển Arab.
Pakistan đã thể hiện mong muốn của mình về sự ổn định của đại dương và hàng hải trong cuộc diễn tập chống khủng bố, xây dựng an ninh hàng hải đa quốc gia Aman 2021. Aman 21 thể hiện cam kết của Islamabad đối với trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, biển Arab...
Trong bối cảnh AUKUS và căng thẳng hàng hải leo thang giữa các cường quốc toàn cầu, Pakistan ngày càng nổ lực tổ chức các cuộc tập trận hải quân xây dựng lòng tin và bảo vệ hàng hải vì hòa bình.
Giờ đây, Islamabad cũng có thể khám phá ý tưởng gia nhập các Hiệp ước Ấn Độ Dương và Arab mới của riêng mình với các đồng minh cùng chí hướng trong một thế giới tranh giành ảnh hưởng khu vực và các liên minh đang chuyển dịch. Mặc dù có AUKUS, người Australia sẽ phải mất ít nhất 10 năm để vận hành tàu ngầm hạt nhân.
Bắc Kinh đã có lợi thế này. Trung Quốc đã thuê các cảng Darwin và Newcastle của Australia và có “Lực lượng Hải quân nước xanh” có khả năng hoạt động trên toàn cầu, trên khắp các đại dương thế giới./.