Asia Artist Awards 2019: Lễ trao giải thiếu chuyên nghiệp, ai đền bù cho khán giả?

Ngọc Mai |

Tối 26/11, lễ trao giải Asia Artist Awards 2019 (AAA 2019 - Giải thưởng tôn vinh những thành tựu xuất sắc và những đóng góp của các nghệ sỹ Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung trong lĩnh vực truyền hình và âm nhạc) diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình vướng nhiều tranh cãi về khâu tổ chức khiến khán giả vô cùng bức xúc.

Quá nhiều "sạn" trong một chương trình "tầm cỡ"

Không phủ nhận lễ trao giải AAA 2019 là sự háo hức lẫn vui mừng của nhiều fan hâm mộ K-pop suốt mấy tháng qua khi quy tụ đông đảo sao hạng A Hàn Quốc: Super Junior, Yoona, Jang Dong Gun, Ji Chang Wook, Lee Kwang Soo, Jung Hae In, ITZY, Kang Daniel... Trong 2 ngày, dàn sao đổ bộ Thủ đô đã khiến các fan phấn khích khi các thần tượng K-pop xuống phố Hà Nội đông vui đến mức "đi đâu cũng thấy thấy thần tượng".

Tuy nhiên, trái với sự háo hức trước đó, đêm trao giải AAA 2019 đã khiến khán giả Việt "ôm cục tức" với khâu tổ chức của "nước chủ nhà", ở đây là Công ty Đông Nam Media.

Cụ thể, theo thông báo ban đầu, thảm đỏ của Asia Artist Awards 2019 sẽ diễn ra vào lúc 17h. Tuy nhiên, chỉ 20 phút trước khi chương trình chính diễn ra, BTC đã lên tiếng lùi lịch đi thảm đỏ đến 18h40. Thông báo như "tiếng sét" đối với những fan hâm mộ cuồng nhiệt khi mất cả ngày theo thần tượng từ khách sạn đến sân vận động. Điều này khiến nhiều người hâm mộ mất kiên nhẫn đã xô đẩy rào chắn, đẩy cả bảo vệ để lấy chỗ trên thảm đỏ AAA 2019.

Ngoài ra, thái độ của BTC khi thông báo thay đổi cũng khiến nhiều khán giả không hài lòng. Đối với những người không vào được phía trong sớm, BTC không có hướng dẫn cụ thể, không sắp xếp lối đi riêng vào SVĐ, dù họ đã bỏ ra một số tiền "khủng" để sở hữu vé VIP và SVIP cũng không ngoại lệ. Thậm chí vé VIP mà "chậm chân" thì vẫn phải ngồi dưới đất, bỏ lỡ cơ hội nhìn ngắm các thần tượng "bằng xương bằng thịt" ở cự ly gần.

Thời gian thảm đỏ bị rút ngắn khiến rất nhiều sao Hàn chưa kịp bước đi là một chuyện, nhưng chính thảm đỏ cũng khiến fan thất vọng. Theo nhiều người nhận xét, đó thực chất chỉ là một chiếc bục dài phủ một tấm che màu đỏ, với backdrop được ghép quá thô thiển với logo nhà tài trợ. Cách bố trí di chuyển trên thảm đỏ đã sai ngay từ nguyên tắc cơ bản nhất khiến nhiều sao K-pop bị nhầm lẫn, chẳng biết đi đứng ra sao. Ánh sáng bố trí vô lý, làm lộ ra khuyết điểm khiến khuôn mặt của các sao K-pop nhợt nhạt, trắng bệch như sáp,...

Một điểm trừ đáng kể, đó là kịch bản chương trình gần như vô dụng khi các phần sự kiện diễn ra chồng chéo. Trong khi một số sao Hàn còn đang đi thảm đỏ thì trên sân khấu, nhóm nhạc nữ "Itzy" đã biểu diễn mở màn khiến khán giả ngơ ngác, đuổi nhau chạy vì không biết nên tập trung vào phần nào?

Đặc biệt, dù là sự kiện quy tụ nhiều nghệ sĩ quốc tế và được tổ chức tại Việt Nam nhưng ngạc nhiên là BTC không bố trí người phiên dịch. Các nghệ sĩ lên sân khấu biểu diễn và giao lưu với khán giả Việt nhưng hầu hết đều bằng tiếng Hàn. Nhiều khán giả theo dõi tỏ rõ sự thất vọng. Đối với một sự kiện có sao nước ngoài thì điều tối thiểu phải có là phiên dịch viên hoặc đơn giản phụ đề tiếng Anh. Đây cũng không phải lần đầu các sự kiện văn hóa của Hàn Quốc tổ chức ở nước ngoài gặp phàn nàn về khâu phiên dịch.

Dù lý do đưa ra thế nào cũng khó chấp nhận với an ninh lỏng lẻo, quản lý thiếu chuyên nghiệp của một chương trình lớn như AAA. Đặc biệt, một điều khó chấp nhận là cách bố trí chỗ ngồi cho 3 đại diện "nước chủ nhà" (Quốc Trường, Bảo Thanh, Bích Phương) tại AAA giống như bị "bỏ rơi" vì quá xa sân khấu, lẻ loi và thiếu ánh sáng.

Người thiệt thòi là ai?

Trước những phàn nàn gay gắt từ phía người hâm mộ, đại diện BTC - bà Nguyễn Hồng Nhung, Tổng Giám đốc Công ty Đông Nam Media cho rằng, BTC Việt Nam không có lỗi mà thậm chí còn là "nạn nhân" của ê-kíp Hàn Quốc.

Theo đó, về vấn đề thảm đỏ, theo bà Hồng Nhung, sát ngày diễn ra sự kiện phía Hàn Quốc còn yêu cầu cắt phần thảm đỏ vì nghệ sĩ bận trang điểm, thay đổi phục trang, tổng duyệt cả ngày mệt mỏi, không đủ thời gian chuẩn bị.

Về vấn đề phiên dịch, bà Hồng Nhung giải thích: "Chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ phiên dịch theo đúng thỏa thuận ban đầu để dịch trong những lời phát biểu nằm ngoài kịch bản. Những nội dung trong kịch bản được chạy phụ đề trên màn hình lớn. Tuy nhiên, sáng 26/11, đội dịch của chúng tôi bị yêu cầu ra về vì bên Hàn Quốc bảo không cần. Đến tối, mọi thứ hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Tôi vừa cảm thấy bức xúc, vừa thấy tủi thân vì bị oan khi bây giờ khán giả nhắc đến BTC đều nghĩ tới phía Việt Nam thay vì Hàn Quốc".

Bà Hồng Nhung nhấn mạnh, Công ty Đông Nam Media bỏ tiền mua bản quyền, thuê sân khấu và mọi thiết bị nhưng nhân viên Công ty phải đáp ứng mọi yêu cầu do bên Hàn Quốc đưa ra.

"Ngay sau lễ trao giải, tôi đã nhắn tin cho họ với nội dung là tôi cảm thấy bị xúc phạm. Bạn đến đất nước tôi nhưng bắt khán giả nghe tiếng của bạn, chẳng khác nào bạn thuê sân và mang văn hóa của bạn sang đây. Đây là sự không tôn trọng khán giả. Nhưng họ chỉ đọc và không trả lời", đại diện đơn vị tổ chức nói.

Dù phía BTC có đưa ra lý do để giải thích nhưng rõ ràng, người thiệt thòi đầu tiên chính là người hâm mộ. Nhất là đây không phải chương trình vào cửa tự do mà bán vé, giao động từ 680.000 đồng đến 5,5 triệu đồng/vé.

Đây không phải lần đầu một sự kiện giao lưu Việt - Hàn bị lỗi. Hồi tháng 8, chương trình đại nhạc hội "Daebak Concert in Vietnam 2019" với những cái tên đình đám như Ji Chang Wook, Tóc Tiên và Noo Phước Thịnh cũng bị huỷ vào phút chót với lý do được BTC đưa ra là lỗi kỹ thuật và vấn đề thời tiết. 

Sau những "hạt sạn khổng lồ" từ phía BTC đối với những sự kiện "tầm cỡ" thì có lẽ cũng đã đến lúc các cơ quan chức năng nên nghiêm túc rà soát, xem xét lại các sự kiện giao lưu hợp tác quốc tế, đặc biệt là Hàn Quốc. Bởi sau tất cả, người hâm mộ Việt sẽ chịu thiệt thòi và hơn hết, uy tín Việt Nam sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trên thị trường giải trí khu vực cũng như quốc tế.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại