Theo Bloomberg, Apple sẽ gặp gỡ quan chức tại New Delhi tuần tới để thảo luận về triển vọng mở các nhà máy sản xuất tại Ấn Độ trong năm nay. Apple đề nghị được hưởng nhiều ưu đãi tài chính từ Ấn Độ, một trong các nước nghèo nhất thế giới. Trong số này, có yêu cầu được miễn thuế nhập khẩu linh kiện và thiết bị trong 15 năm, theo nguồn tin của Bloomberg.
Apple muốn mở rộng kinh doanh tại đây do quốc gia 1,3 tỷ dân đang là thị trường smartphone tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu và doanh số tại Mỹ, Trung Quốc không có biến động. CEO Tim Cook đã ghé thăm nước này lần đầu vào tháng 5/2016 khi xin chính phủ cấp phép mở cửa hàng riêng.
Ấn Độ đã từ chối vì như bất kỳ hãng bán lẻ nào khác, họ phải có 30% linh kiện nội địa. Dù vậy, Ấn Độ cũng đang nới lỏng quy định để các hãng công nghệ có thể mở cửa hàng trong 3 năm trước khi đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, Apple muốn nhiều hơn thế. Công ty đã gửi danh sách đệ trình trước cuộc họp ngày 25/1 với quan chức từ nhiều ban ngành, trong đó có Bộ Thương mại và Điện tử. Apple muốn miễn thuế với thiết bị cũ/mới mang vào Ấn Độ. Tờ The Indian Express đưa tin Apple muốn miễn toàn bộ thuế với vật liệu thô, linh kiện và thiết bị.
Apple không tự sản xuất iPhone mà hợp tác với các nhà thầu để xử lý. Một bất ngờ lớn tại Ấn Độ là công ty chọn Wistron của Đài Loan làm đối tác chứ không phải Hon Hai, đối tác quan trọng của họ.
iPhone có thể được lắp ráp tại nhà máy hiện có của Wistron tại Bangalore. Hợp đồng có khả năng được mở rộng sang các nhà cung ứng khác, trong đó có Hon Hai, dựa theo nhu cầu.
Apple và quan chức Ấn Độ đã gặp nhau vài lần nhưng cuộc họp tới đây vô cùng quan trọng. Nếu chính phủ đồng ý với Apple, họ cũng có thể đưa ra ưu đãi tương tự với các thương hiệu toàn cầu khác như Samsung hay Xiaomi.
Anshul Gupta, Giám đốc nghiên cứu của Gartner tại nước này, cho biết trong lịch sử, chính phủ chưa bao giờ ưu đãi như vậy với bất kỳ công ty nào và trong chính sách cũng không có chỗ cho điều đó. Thứ Apple đòi hỏi nằm ngoài xu thế vì vậy rất thú vị để theo dõi chính phủ nhìn nhận như thế nào.
Ấn Độ không phải nước duy nhất muốn Apple sản xuất tại địa phương. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói ông muốn nhìn thấy iPhone được lắp ráp tại đây. Hon Hai đang trong quá trình thảo luận sơ bộ để mở rộng đầu tư tại Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi muốn các công ty sản xuất trong nước như một phần trong chính sách “Make in India” của ông nhằm gặt hái lợi ích từ các cơ sở và việc làm. Chính quyền của ông không muốn các hãng công nghệ bán sản phẩm và tận dụng lợi thế từ nền tảng khách hàng khổng lồ mà không đầu tư vốn.
Bất chấp thành công trên toàn cầu, Apple chỉ là người chơi nhỏ tại Ấn Độ, phần lớn vì điện thoại quá đắt với dân địa phương. Nhà sản xuất iPhone chỉ chiếm 2% thị trường. Samsung Electronics và Micromax là những người dẫn đầu nhờ thiết bị giá rẻ. Với Apple, mở cơ sở sản xuất và bán lẻ có thể giúp giảm giá thiết bị và thúc đẩy tăng trưởng.