Đây không phải là động thái đầu tiên mà công ty của Mỹ hướng về Ấn Độ. Trước đó, tờ Press of India nói rằng Apple đã gửi thư cho Bộ Doanh thu và Bộ Công nghệ Thông tin và Thiết bị Điện tử Ấn Độ đưa ra yêu cầu giảm thuế cho những mặt hàng công nghệ cao sản xuất tại nước này.
Theo tờ The Wall Street Journal, các quan chức cao cấp của Bộ Thương mại Ấn Độ đã có các cuộc trao đổi với phía Apple. Ngoài ra, giám đốc điều hành Apple Tim Cook cũng đã trao đổi vấn đề với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc gặp mặt tại New Delhi.
Mọi thứ có vẻ đang suôn sẻ với Apple bởi trước đó Chính phủ Ấn Độ từng từ chối yêu cầu được sản xuất điện thoại tân trang của Apple tại nước này. Ngoài ra, Apple cũng bị từ chối được mở cửa hàng bán lẻ Apple store tại đây do các quy định ngặt nghèo về đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, gió có vẻ đã đổi chiều. Hồi tháng 6 vừa qua, Chính phủ Ấn Độ thông báo một số rào cản về thương hiệu, đặc biệt là quy định nhà sản xuất phải sử dụng ít nhất 30% nguyên liệu thô tại nước bản địa trong vòng ít nhất 3 năm, đã được gỡ bỏ.
Việc chuyển dịch dây chuyền sản xuất smartphone, tablet và các thiết bị khác tới Ấn Độ có thể giúp Apple đáp ứng yêu cầu của chính phủ Mỹ. Không như các đối thủ khác như Samsung và Xiaomi, vốn đang lắp đặt sản phẩm tại Ấn Độ, Apple chủ yếu sản xuất smartphone tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Động thái chuyển dịch trên cũng giúp cắt giảm chi phí sản xuất iPhone bởi Ấn Độ là một trong những nơi có giá iPhone cao nhất thế giới. Đồng rupee yếu đi, cộng với lạm phát đồng tiền và tăng thuế với các mặt hàng nhập khẩu đã khiến giá iPhone tại nước này cao ngất ngưởng trong năm ngoái.
Tháng 10/2015, một chiếc iPhone 6S 16GB được bán với giá 955 USD tại Ấn Độ, cao hơn hẳn Pháp – 845 USD và Mỹ - 650 USD.
Apple cũng có nhiều lý do khác để theo đuổi sự chuyển dịch trên. Doanh thu quý 2 năm nay của Apple lần đầu tiên giảm mạnh sau 15 năm.
Hơn 97% điện thoại tại Ấn Độ đang chạy Android và lượng người dùng đang không ngừng tăng nhanh. Ngoài ra, Ấn Độ sẽ sớm vượt Mỹ trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.