Apple bị “tố” ăn cắp nhiều ý tưởng công nghệ

PV |

Hãng công nghệ của Mỹ bị các tổ chức, cá nhân tố cáo đã lợi dụng các nhà phát triển làm nghiên cứu thị trường để đánh cắp ý tưởng sau đó tự mình làm ra phiên bản riêng.

Hãng công nghệ Apple luôn nhấn mạnh công ty tự phát triển hoặc mua lại công nghệ, song 1 bài báo mới trên Thời báo Phố Wall lại chỉ ra điều ngược lại. Theo đó, hàng loạt startup bị Apple đánh cắp ý tưởng đã cáo buộc nhiều lần hãng công nghệ này lợi dụng các nhà phát triển làm nghiên cứu thị trường, bằng cách tổ chức các cuộc thảo luận mở với họ và sau khi biết được những gì mình cần, Apple liền ngó lơ và tự mình làm ra phiên bản riêng.

Chẳng hạn, nhà phát triển BlueMail kiện Apple vi phạm tài sản sở hữu trí tuệ đối với tính năng Sign in with Apple, dù vụ kiện sau đó bị bãi bỏ. Thời báo Phố Wall cũng đã thu thập hơn 20 trường hợp tương tự. Đơn cử như Joe Kiani – nhà sáng lập công ty thiết bị đo oxy trong máu Masimo tiết lộ, nhà sản xuất iPhone đã "cuỗm" Giám đốc y khoa Michael O’Reilly của Masimo, tăng lương gấp đôi và thưởng thêm hàng triệu cổ phiếu để có được công nghệ của Masimo tích hợp trên các sản phẩm của Apple.

Trước đó, một người dân tại Florida, Mỹ đã đệ đơn kiện Apple vi phạm thiết kế iPhone và đòi khoản bồi thường lên tới hơn 10 tỉ USD. Cụ thể, Thomas S. Ross khẳng định những mẫu sản phẩm iPhone, iPad và iPod của Apple đều "ăn cắp ý tưởng" của thiết bị cầm tay do ông thiết kế năm 1992 mang tên Electronic Reading Device (thiết bị đọc điện tử).

Theo hồ sơ trình tòa án của người đàn ông đến từ Florida này, trong khoảng thời gian từ 23/5 - 10/9/1992, ông đã tự thiết kế 3 bản vẽ tay của một thiết bị hình chữ nhật với các góc hơi bo tròn. Đúng như tên gọi, Ross dự định thiết bị sẽ sử dụng để đọc các văn bản như truyện, báo, tiểu thuyết hay xem các hình ảnh, video trên màn hình cảm ứng. Bản thiết kế còn cho thấy Ross từng tưởng tượng Electronic Reading Device có khả năng giúp người dùng giao tiếp với nhau như điện thoại di động và cho phép lưu lại những tài liệu đã đọc cùng những ghi chú quan trọng vào bộ nhớ. Ông cũng đưa ra phương án trang bị pin mặt trời cho thiết bị.

Tháng 11/1992, Ross đã nộp hồ sơ xin cấp quyền sáng chế cho Electronic Reading Device, tuy nhiên, do không trả lệ phí cấp bằng sáng chế theo yêu cầu, Văn phòng cấp bằng sáng chế và nhãn hiệu tại Mỹ đã loại bỏ đơn của ông vào tháng 4/1995. Năm 2004, Ross tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp quyền tác giả cho bản vẽ kỹ thuật của Electronic Reading Device.

Trong đơn kiện Apple, Ross khẳng định ông đã phải chịu những thiệt hại rất lớn đến mức không thể bồi thường bằng tiền. Tuy nhiên, Ross vẫn khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng giúp ông đòi lại công bằng và muốn Apple phải bồi thường tối thiểu 10 tỉ USD kèm theo 1,5% doanh thu của công ty từ các thiết bị vi phạm thiết kế.

Mặc dù đơn kiện gửi đến tòa án ngày càng nhiều, song Apple luôn phủ nhận mọi cáo buộc. Người phát ngôn của Apple thường khẳng định sự thật là các công ty đang sao chép trắng trợn sản phẩm của hãng, hoặc cản trở tự do bằng cách sử dụng các bằng sáng chế vô hiệu./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

Apple

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại