Bên cạnh đó, những chia sẻ khác về hạnh phúc, về cuộc sống gia đình của cô cũng gặp phải những ý kiến trái chiều.
Đặc biệt, có rất nhiều bình luận xoáy sâu vào đời tư của Hoài Anh và cho rằng một người phụ nữ hơn 30 tuổi đã trải qua 2 đời chồng, hai lần bước vào hôn nhân đều có kết cục đổ vỡ thì không thể có những cái nhìn đúng đắn về hạnh phúc.
Liên lạc với Hoài Anh, cô cho biết mình khá bình thản trước những lời khen chê, phán xét đó. Giống như người thủy thủ đã vượt qua cơn bão lớn nhất của cuộc đời, những cơn sóng lăn tăn không còn khiến cô quá bận lòng nữa.
Hoài Anh bảo, cái giá của những nỗi đau và những lần "trắng tay" đã giúp cô hiểu được hai chữ hạnh phúc, và càng hiểu hơn những rào cản đã ngăn trở người phụ nữ tìm đến hạnh phúc cuộc đời mình. "Hạnh phúc không dạy cho mình điều gì, nhưng nỗi đau thì có", Hoài Anh khẳng định.
Phụ nữ ở tầm nào sẽ gặp đàn ông ở tầm đó
Hai lần thất bại trong hôn nhân nhưng lại chọn công việc truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác trên con đường kiếm tìm những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, Hoài Anh đã bao giờ bị đặt câu hỏi: "Bạn đã hạnh phúc chưa mà dạy người khác về hạnh phúc?"
Bạn biết không, hạnh phúc không thể dạy cho mình điều gì cả! Giống như một người chỉ quen bước trên con đường trải thảm nhung, họ đâu thể hiểu về những vấp ngã. Thế nhưng nếu bạn đã ngã rồi, ngã rất đau, thì khi gặp lại chỗ vấp đó, bạn có còn ngã được nữa hay không?
Tôi nghĩ, điều tốt đẹp nhất mà thất bại mang đến cho mình là những bài học. Ở cuộc hôn nhân này, tôi chưa giải quyết được ổn thỏa nhưng nhờ nó mà tôi học được cách giải quyết ổn thỏa một cuộc hôn nhân khác.
Tất nhiên, chẳng ai muốn phải nếm đau, phải nứt vỡ rồi làm đầy bản thân bằng những bài học khắc cốt ghi tâm như vậy. Không một người phụ nữ nào muốn trái tim mình đổ vỡ, dù họ có mạnh mẽ và tự chủ đến đâu.
Nhưng chính nỗi đau ấy mới khiến bạn trưởng thành, khiến bạn hiểu được giá trị thật sự của hạnh phúc và biết phải làm thế nào để có được nó.
"Tôi nghĩ, điều tốt đẹp nhất mà thất bại mang đến cho mình là những bài học" - Ann Dan chia sẻ.
Khi đứng trước những vết nứt, người ta thường có hai lựa chọn: Một là hàn gắn, hai là từ bỏ. Tại sao Hoài Anh lại chọn từ bỏ mà không phải là hàn gắn?
Một người lựa chọn từ bỏ không có nghĩa trước đó họ chưa từng lựa chọn việc hàn gắn. Nhưng có hàn gắn được hay không lại phụ thuộc rất nhiều vào đối tác.
Tôi lấy chồng năm 23 tuổi, hành trang làm dâu, làm vợ chẳng có gì ngoài một chữ NGOAN. Từ đứa con gái còn trẻ, từ bé vẫn luôn được bao bọc yêu chiều, tôi bước vào cuộc sống gia đình với biết bao nhiêu vụng dại. Tôi không đủ khôn khéo để làm cho mọi người yêu quý mình. Và cũng không đủ bản lĩnh để giữ cái hạnh phúc đầu đời đó.
Lần thứ 2, tôi mắc sai lầm khi cố chấp giữ cái tôi mà không nghĩ cho người kia. Tôi là một người ham công tiếc việc, chẳng đi chơi ở đâu cả, đi làm về vẫn ngồi một chỗ để làm việc tiếp. Trong khi đối tác của tôi thì mong muốn có một cuộc sống vui vẻ hơn.
Đến khi nhận ra giữa chúng tôi đã có những khoảng cách khó vượt qua, tôi bắt đầu thay đổi bản thân. Nhưng lúc đó, đối tác của tôi không còn cảm thấy happy với sự thay đổi đó nữa. Sau khi cố gắng hết sức mà không thể khác được, tôi lựa chọn dừng lại.
Thực ra tôi nghĩ, một cuộc hôn nhân kết thúc không hẳn vì những sai lầm, mà vì hai con người đó nhận ra họ không còn chung đích đến, không còn chung niềm đam mê nữa. Lúc này, việc chia ly là đương nhiên.
Ann Dan đã từng đi qua 2 cuộc hôn nhân đổ vỡ.
Rất nhiều phụ nữ đi qua đổ vỡ với một đôi mắt nhuốm màu đau khổ và một tâm thế trách móc. Có người trong số họ thậm chí không đủ tự tin, không đủ dũng khí để bước vào hôn nhân một lần nữa. Hoài Anh đã bao giờ bao giờ rơi vào trạng thái như vậy chưa?
Tôi nghĩ trái tim người phụ nữ có hai cơ chế phản ứng trước những tổn thương. Khi bị đau, hoặc là họ sẽ có cảm giác mình là nạn nhân, cuộc đời này đang mắc nợ mình. Điều này khiến họ được sống trong cảm giác được an ủi. Thế nhưng, cái trạng thái ru ngủ ấy thật sự rất đáng sợ. Nó khiến họ mất niềm tin vào cuộc sống, mất đi nỗ lực để vươn tới những điều tốt đẹp hơn.
Cách thứ 2, đối diện thẳng thắn với những sai lầm của mình, chấp nhận cơn đau đó và chữa lành cho nó bằng cách trở nên mạnh mẽ và tích cực hơn. Tìm cho ra câu trả lời: "Ừ thì bây giờ mình sai rồi, phải làm gì tiếp theo đây để không bị sai nữa?".
Mình kém may mắn không có nghĩa trên cuộc đời này không tồn tại hạnh phúc. Tôi chưa bao giờ thất vọng về tình yêu, về đàn ông. Tôi luôn nghĩ dù bạn có đổ vỡ hay không thì điều quan trọng nhất cũng phải trau dồi bản thân thật tốt để trở thành người phụ nữ có giá trị.
Tôi tin vào luật hấp dẫn - những gì bạn nghĩ trong đầu thì bạn sẽ có trong tay. Càng tin hơn việc phụ nữ ở tầm nào sẽ gặp đàn ông ở tầm đó.
Nếu chúng ta cứ nỗ lực hoàn thiện bản thân, tự chủ cuộc đời của chính mình và trở thành một phiên bản tốt hơn ở tất cả mọi mặt thì chúng ta sẽ gặp những người đàn ông tương xứng với mình về cả suy nghĩ, tư duy, cách ứng xử….
Hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều thân phận người phụ nữ, lắng nghe những cảnh đời, chứng kiến những giọt nước mắt… Hoài Anh thấy điều gì đã cản trở người phụ nữ đi đến thành công, hạnh phúc?
Đó là họ đã tự hạn chế bản thân trong những định kiến nặng nề của xã hội. Từ bé đến lớn, họ bị nhồi nhét vào trong tiềm thức rằng phụ nữ thì phải hành xử như thế này mới đúng, phụ nữ thì không được như thế này không được như thế kia, phụ nữ thì phải hy sinh?!
Tại sao người đàn ông không hy sinh? Tại sao không phải mỗi người đều hy sinh ở một giai đoạn nào đó, mà người hy sinh cứ phải là phụ nữ? Tại sao phụ nữ phải bớt tham vọng đi, bớt kiếm tiền đi để ở nhà chăm chồng chăm con?...
Khi đi dạy, việc đầu tiên tôi làm là phá bỏ những định kiến đó từ sâu trong tiềm thức của các bạn ấy. Làm sao để các bạn ấy tự chủ chính cuộc đời mình, chứ không phải để người khác nói mình phải làm gì. Làm sao để các bạn ấy dám sống như một nhà vô địch, dám nỗ lực để leo đến đỉnh vinh quang chứ không phải làm "hậu phương", làm cái bóng cho bất kỳ ai hết.
Giờ mọi thứ khác rồi, đàn ông và phụ nữ ai cũng có quyền được sống cho chính mình, có quyền được viết lên giấc mơ của mình.
Hạnh phúc chỉ đến khi hai người đồng điệu về tư duy và viết lên cùng một giấc mơ
Tuy nhiên, câu chuyện cuộc đời một người phụ nữ sẽ trở nên rất khác vào ngày họ bắt đầu làm mẹ. Người ta bảo phụ nữ có con bao giờ cũng nghĩ 2 lần, một lần cho con, một lần cho bản thân mình. Hoài Anh có nghĩ đôi khi không hẳn là hy sinh, mà người phụ nữ lựa chọn gác giấc mơ lại vì đứa con của mình?
Mọi người thường đặt sự nghiệp và con cái lên hai đối cực khác nhau để mà lựa chọn. Lo sự nghiệp thì không có thời gian cho con, còn chăm chút con thì bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển.
Đúng là nếu quá bận rộn thì sẽ không có thời gian chơi với con, dạy con học, đứa trẻ ít nhiều sẽ thiếu thốn tình cảm của mẹ. Thế nhưng nếu bây giờ tôi dành hết quỹ thời gian của mình cho con, thì tương lai sau này, tài chính của tôi sẽ không đủ để lựa chọn cho con những điều tốt nhất mà tôi mong muốn.
Chúng ta phải cân nhắc giữa những đoạn đường gần và một con đường xa. Có thể lúc này tôi dành thời gian để trung phát triển bản thân, làm chủ tài chính, làm chủ tư duy… để sau này đồng hành được với con lâu dài và bền bỉ. Điều đó tốt hơn là lúc nào cũng ở bên con, nhưng lại chẳng thể cùng con bước tới một tương lai sáng rõ, mà cứ mênh mông vô định trong cuộc sống này.
Tôi nghĩ mấu chốt là khi bạn lựa chọn điều gì, bạn cũng phải biết bản thân mình có giá trị và cảm thấy hạnh phúc với điều đó.
Hoặc mỗi một giai đoạn khác nhau trong cuộc sống, người phụ nữ lại đưa ra những ưu tiên khác nhau. Lúc này họ chọn ổn định, nhưng đến khi con cái lớn rồi, họ chọn bứt phá.
Mỗi người phụ nữ hãy tìm giá trị bên trong của chính mình, sau đó viết lên giấc mơ lớn nhất cuộc đời và đặt mục tiêu thực hiện giấc mơ đó. Có thể trong một thời điểm nhất định giấc mơ đó bị trì hoãn, nhưng nếu bạn vẫn đủ kiên định thì sớm muộn gì cũng đạt được. Thành công không đến với những người thông minh hay tài năng nhất, mà chỉ đến với những người nỗ lực và kiên trì đến cùng.
Chọn bước ra khỏi cả hai cuộc hôn nhân với bàn tay trắng, phải chăng Hoài Anh cho rằng tiền không mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ?
Ngược lại, tôi nghĩ không có tiền mới là tấn bi kịch của cuộc đời. Ngồi trong một resort 5 sao để khóc thoải mái hơn ngồi ngoài đường khóc rất nhiều.
Tôi lựa chọn ra đi với hai bàn tay trắng vì tôi muốn giải thoát cho mình khỏi mớ bòng bong hỗn độn đó. Và cũng vì tôi xác định sẽ tự tạo dựng cho chính mình cuộc sống mà mình mong muốn.
Tiền có mang lại hạnh phúc cho người phụ nữ hay không phụ thuộc phần lớn vào góc nhìn của chúng ta. Bạn đang nhìn vào kinh tế của mình, hay nhìn vào kinh tế của đối phương?
Nếu tiền do bạn kiếm ra, bạn tự chủ được cuộc đời mình thì bạn sẽ có được hạnh phúc. Nhưng nếu bạn hy vọng người đàn ông kia sẽ thay mình lo kinh tế, thì sẽ rất khó để nói trước điều gì.
Lý tưởng nhất là cả hai người đều cùng nhau xây dựng kinh tế. Nếu được như thế thì sẽ mạnh mẽ và bền vững hơn rất nhiều. Hạnh phúc chỉ đến khi hai người đồng điệu về tư duy và viết lên cùng một giấc mơ thôi.
Sau những mất mát và đổ vỡ của bản thân, Hoài Anh có lời khuyên gì cho những người phụ nữ khi chọn chồng?
Trước kia, tôi cứ nghĩ chọn chồng là chọn người yêu chiều mình như công chúa nhưng tôi không hề biết trong hôn nhân, chỉ tình yêu thôi không hề đủ.
Phụ nữ chúng ta gặp phải một cái sai là gặp ai đó khiến mình xao động là lao vào yêu ngay lập tức, yêu điên cuồng, sau đó mới tìm hiểu. Trong khi, việc cần làm là chúng ta phải tìm hiểu trước đã. Xem người đàn ông đó có đủ chín chắn, có đủ bản lĩnh, có cùng chung giấc mơ và đích đến, sau đó mới là những yếu tố khác. Chúng ta toàn làm ngược, mà ngược thì sai là chuyện đương nhiên.
Tôi luôn nhấn mạnh việc chọn đúng ngay từ đầu. Lấy chồng, bao nhiêu nỗ lực cũng không bằng một lần chọn đúng.