Mọi thứ dường như rất sáng sủa với Samsung Electronics vào năm 2016. Công ty vừa công bố thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Cách đó nửa vòng trái đất, vị Tổng thống Mỹ tương lai thì đang dùng điện thoại thông minh Galaxy để đăng tải những lời chỉ trích gay gắt chống lại đối thủ truyền kiếp của công ty này là Apple.
Tuy nhiên, 3 năm sau đó, mọi thứ dường như đã thay đổi quá nhiều.
Ông Trump đã thành Tổng thống Mỹ và hiện giờ ông dùng iPhone thay vì Galaxy. Đáng nói hơn, ông đã khơi mào cho cuộc chiến tranh thương mại – thứ làm thay đổi hoàn toàn cục diện ngành công nghệ toàn cầu và với cả tương lai của Samsung.
Hiện nay, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới không chỉ phải vật lộn với sự không chắc chắn của chiến tranh thương mại mà còn là sự sụt giảm ngay trong mảng kinh doanh chip chủ đạo của tập đoàn. Chưa kể đến sự cạnh tranh gia tăng không ngừng từ những đối thủ đến từ Trung Quốc và cả Apple.
Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất, người đàn ông đang được kỳ vọng sẽ lèo lái "con thuyền" Samsung vượt qua tất cả những thách thức đó lại đang có nguy cơ phải ngồi tù.
Ở thời điểm này, 2016 dường như đã trở thành một ký ức khá xa vời với nhiều người ở Samsung – tập đoàn được xem là định hình nên nền kinh tế Hàn Quốc.
Nhớ lại thời điểm đó, Lee Jae-yong – Phó chủ tịch Samsung Electronics cũng là người thừa kế sáng giá của tập đoàn vừa công bố thương vụ thâu tóm Harman trị giá 8 tỷ USD – một nhà sản xuất linh kiện audio Mỹ.
Trong buổi công bố thỏa thuận này, tất cả đều chờ đón với một sự phấn khích không hề nhỏ, lý do đơn giản thôi: Samsung sẽ ra sao thì nền kinh tế Hàn Quốc cũng như vậy. Công ty chiếm 20% xuất khẩu của cả nước, tuyển dụng 310.000 người trên khắp các chi nhanh của họ và giá trị thị trường công ty chiếm 1/5 tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán trong nước. Sức ảnh hưởng của Samsung trên đất nước Hàn Quốc giống như lời nói đùa rằng Hàn Quốc là "Cộng hòa Samsung".
Quan trọng hơn, thỏa thuận này là bước đi lớn của Lee – người chỉ 2 tháng trước đó đã chính thức có 1 ghế trong hội đồng quản trị. Mọi người đều tò mò xem ông ấy sẽ thay đổi đế chế kinh doanh mà ông nội ông đã thành lập như thế nào.
Có rất nhiều điềm báo thuận lợi. Các nhà đầu tư tỏ ra hài lòng với thỏa thuận này bởi nó sẽ đẩy chất lượng các thiết bị của Samsung, đặc biệt là điện thoại thông minh – thứ hiện đang có thị phần lên tới 21%. Kết quả là, 6 tháng sau đó, giá cổ phiếu công ty đã thăng hoa tới hơn 50%.
Tuần trước, ông Lee lại một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý nhưng không phải vì những tin tức vui vẻ. Lần này, vị lãnh đạo 51 tuổi vướng vào một phiên tòa có thể đẩy ông vào tù vì tội danh hối lộ.
Việc mất vị lãnh đạo cấp cao trong bối cảnh bây giờ có thể trở thành một đòn giáng mạnh khi Samsung đang rất cần vẽ ra những chiến lược cụ thể cho tốc độ tăng trưởng trong tương lai nhất là trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay.
2 cột trụ mang về lợi nhuận cho Samsung là điện thoại thông minh và chip nhớ - mỗi thứ mang về khoảng 3 nghìn tỷ won (tương đương 2,6 tỷ USD) lợi nhuận hoạt động trong quý vừa qua. Đó là những con số rất lớn nhưng nó cũng cho thấy những yếu tố bất định.
Đầu tiên là điện thoại thông minh, Samsung đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại.
Chiến dịch của ông Trump nhằm chống lại Huawei của Trung Quốc – nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và đối thủ cạnh tranh điện thoại thông minh chủ yếu của Samsung mang lại lợi ích to lớn cho mảng điện thoại thông minh của Samsung.
Bên ngoài Trung Quốc, sự tấn công của Mỹ khiến thị phần của Samsung tăng so với Huawei - công ty đang cạnh tranh với Apple cho vị trí thứ 2.
"Samsung Electronics đang nỗ lực tăng thị phần sau khi đối mặt với sự sụt giảm trong 5 năm qua. Chúng tôi tin Samsung sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ sự trừng phạt của Mỹ lên Huawei", CW Chung – một chuyên gia phân tích nói.
Hơn nữa, Samsung vốn rất giỏi trong việc đưa những dòng điện thoại của họ vào những phân khúc do Huawei mở ra nhờ có mức giá trung bình.
Kết quả là, lợi nhuận của Samsung từ mảng di động và mạng lưới tăng 30% trong quý 3, một sự hồi phục đáng kinh ngạc sau 5 năm gặp khó khăn liên tiếp. Để có được điều đó một phần là nhờ Lee – người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của mạng lưới 5G và sự trao quyền cho CEO mảng di động Koh Dong-jin.
Dẫu vậy, mây đen trên bầu trời vẫn còn. Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đã bão hòa và tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này vốn đi ngang trong quý 3 với chỉ 380 triệu chiếc được bán ra.
Ở vị trí thị phần lớn, Apple đang nhận được phản hồi tốt với những dòng iPhoen mới. Ở phân khúc rẻ hơn, những nhà sản xuất Trung Quốc đang dần chiếm thị phần, tại Indonesia là một ví dụ, Samsung gần đây đã để mất vị trí dẫn đầu của họ vào tay Oppo.
Đến mảng chip nhớ. Samsung vẫn là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới xét về doanh thu nhưng bức tranh đang bớt tươi sáng hơn.
Nhìn bề ngoài, chiến tranh thương mại cũng phần nào mang lại lợi ích cho Samsung, ít nhất là cho tới thời điểm này. Công ty kiểm soát 40% thị phần DRAM toàn cầu và khoảng 1/3 thị phần NAND – 2 loại chip nhớ chính. Các công ty Trung Quốc như Huawei thì lo ngại việc các nhà cung cấp ở Mỹ sẽ chấm dứt hợp đồng với họ, dẫn đến việc phải dự trữ DRAM, tăng đơn hàng cho Samsung.
Theo như công ty TrendForce có trụ sở tại Đài Loan, chip DRAM của Samsung chứng kiến doanh số tăng 30% vào quý trước trong khi đó doanh thu tăng lên mức 7,12 tỷ USD.
Một vài mảng khác của công ty cũng nắm lấy cơ hội chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung leo thang.
"Sự thật là thị phần trong thiết bị mạng 5G đã tăng thời gian gần đây. Sẽ là không phù hợp khi nói về tình huống của các đối thủ cạnh tranh nhưng các nhà nghiên cứu thị trường đều cho rằng rắc rối của Huawei đã giúp chúng tôi tăng thị phần", một nhân viên Samsung giấu tên tiết lộ.
Chiến tranh thương mại cũng mang lại cho Samsusng lợi thế về chính trị: Lấy lòng ông Trump. Trong chuyến thăm vào tháng 6, Tổng thống Mỹ đã mời ông Lee và những nhà lãnh đạo khác của các chaebol Hàn Quốc gặp gỡ tại khách sạn Grand Hyatt, Seoul. Ở đó, ông Trump đã ca ngợi những khoản đầu tư trước đó của các công ty này vào Mỹ và nhấn mạnh họ nên đầu tư nhiều hơn nữa.
Tuy nhiên, bức tranh trong dài hạn khá ảm đạm.
Sự trừng phạt về thương mại đã đẩy Bắc Kinh phải xây dựng ngành công nghiệp chíp của riêng họ nhanh hơn so với kế hoạch ban đầu. Đất nước này vào năm ngoái không sản xuất một dòng chip nhớ nào vậy mà năm tới đây, họ dự định sản xuất hàng loạt và cung cấp 5% sản lượng đầu ra chip nhớ toàn cầu.
Suốt 2 năm qua, Samsung cũng chứng kiến giá chip nhớ giảm mạnh. Thậm chí, mảng chip nhớ của Samsung chứng kiến lợi nhuận hoạt động giảm tới 80% trong quý 3 của năm vì giá DRAM và NAND giảm. Việc những nhà sản xuất Trung Quốc gia nhập thị trường có thể khiến họ thiệt hại đáng kể.
Cổ phiếu Samsung qua các năm.
Đối mặt với những thách thức đó, công ty bắt đầu thay đổi chiến lược.
Tháng 4, Samsung tuyên bố họ sẽ đầu tư 133 nghìn tỷ won vào chip logic - thứ có xu hướng ổn định về giá hơn so với chip nhớ.
Bản thân Lee cũng thề rằng công ty sẽ trở thành "người chơi số 1 trong lĩnh vực này" vào năm 2030.
"Chip nhớ là thị trường khá khó khăn… Samsung đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Tuy nhiên công ty sẽ có thể có mức giá tốt hơn với chíp logic – một sản phẩm khác hoàn toàn".
Các chuyên gia phân tích nói rằng dẫu vậy cũng phải mất nhiều năm Samsung mới có thể cạnh tranh với những đơn vị dẫn đầu thị trường như Intel của Mỹ, Sony của Nhật Bản.
Ngoài những vấn đề không chắc chắn trong dài hạn ở mảng điện thoại và chip nhớ, Samsung còn đang phải đối mặt với những lo ngại trực tiếp hơn: Nhật Bản gần đây đã cấm một vài mặt hàng xuất khẩu tới Hàn Quốc – nhiều thứ trong đó Samsung cần.
Đối mặt với một thế giới không chắc chắn như vậy, Samsung hiển nhiên rất muốn Phó chủ tịch của họ không phải ngồi tù và ngồi vào "ngai vàng", chèo lái công ty.
Trên thực tế, Samsung được vận hành bởi 3 CEO chịu trách nhiệm mảng chip nhớ, điện thoại và hàng gia dụng. Công ty khá kín tiếng và không nói về kế hoạch của họ nếu ông Lee phải vào tù. "Chúng tôi không bình luận về kế hoạch trong trường hợp có sự vắng mặt của ông Lee bởi mọi thứ vẫn chưa rõ ràng".
Ông Lee trước đó đã được hưởng án treo 2 năm sau khi bị buộc tội cung cấp hàng triệu USD để hối lộ cựu Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao đã lật lại vụ án và yêu cầu ông tham gia vào một phiên tòa mới, với những tình tiết mới, bắt đầu vào tháng tới.
Nếu mọi thứ diễn ra theo chiều hướng xấu nhất, tức là ông Lee bị kết tội, ông có thể quay lại lãnh đạo công ty khi hoàn thành án tù - giống như nhiều trường hợp ở các chaebol khác.
Nhưng, đó chỉ là giải pháp đường dài cho các vấn đề đang gây bức xúc hiện nay. Ở tình huống của Samsung, người đó là Lee, người thừa kế sáng giá của tập đoàn, nhân vật đưa ra các quyết định chủ chốt của công ty như sáp nhập, thâu tóm và đầu tư. Một vài người lo ngại rằng nếu không có ông Lee – "trung tâm trọng lực" của công ty – Samsung sẽ không thể giữ được mạng lưới toàn cầu cùng nhau.
Samsung đang huy động mọi nguồn lực để bảo vệ ông Lee. Họ đã công khai những hoạt động của ông này và nhấn mạnh tầm quan trọng của ông với công ty và đất nước Hàn Quốc.
Dẫu vậy, một vài người trong nội bộ vẫn hoài nghi về việc liệu ông Lee có thể không phải ngồi tù hay không.
"Nói thẳng ra thì chúng tôi nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất", một lãnh đạo cấp cao của Samsung nói.