Đừng bỏ mỡ ra khỏi tủ bếp
Theo PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỡ động vật, mỡ cá là một loại thực phẩm tốt, không thể thiếu trong mỗi gia đình.
Nhưng người Việt của chúng ta hiện nay lại rất sợ mỡ mà họ chuyển sang ăn dầu thực vật.
PGS Mai cho biết các cụ ta thường nói "đẹp vàng son, ngon mật mỡ" nhưng chúng ta đang bỏ qua nó. Người dân đang sợ mỡ vì nghĩ nó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhà nào cũng ăn dầu thực vật nhưng hiếm gia đình nào có bát mỡ trong gian bếp, đây là quan điểm sai lầm.
Bà Mai cho biết chất béo rất quan trọng, bởi chất béo cấu tạo 60% não và nó đến từ 3 loại chất béo khác nhau: Chất béo bão hoà có trong mỡ, chất béo bão hoà đơn (không no trong các dầu thực vật) chất béo trong dầu cá , mỡ cá.
Và chất béo chính là chất để quyết định việc hình thành não và trí thông minh của mỗi người.
Đặc biệt, bà bầu khi mang thai là lúc não của trẻ hình thành và phát triển. Nếu ăn mỡ sẽ giúp những đứa trẻ thông minh hơn. Tuy nhiên thực tế PGS Mai cho biết “rất ít bà bầu ăn mỡ, ai cũng sợ mỡ nhất là mỡ cá, mỡ động vật”.
Bà Mai từng ra chợ và thấy lạ người Việt rất sợ mỡ, thịt phải thịt nạc, cá mà béo là không mua. Mỗi nhà có đến 2 – 3 loại dầu ăn nhưng rất ít người có bát mỡ để ăn.
Ăn như nào cho đúng?
PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm đại học Bách Khoa cho biết, mỡ lợn là một thực phẩm có năng lượng cao, không nên ăn nhiều dẫn đến thừa năng lượng, gây ra béo phì. Trẻ nhỏ nên ăn nhiều mỡ thay vì dầu thực vật.
Ngoài ra, khi chiên rán ở nhiệt độ cao, mỡ ít bị oxy hoá hơn các loại dầu.
Tuy nhiên, mỡ lợn chứa lượng axit béo bão hòa khá cao, dễ gây ra bệnh tim mạch. Chính vì thế những người trên 50 tuổi không nên ăn nhiều mỡ lợn.
Theo PGS Hoàng Toàn Thắng – Viện trưởng viện Y học Bản địa Việt Nam - hiện nay các loại dầu không đủ mức cholesterol và phosphatide cho nhu cầu cơ thể nên cần phải ăn cân đối dầu và mỡ. Người trưởng thành nên ăn cân đối tỷ lệ mỡ/dầu là 50/50.
Với tuổi trẻ đang ở giai đoạn phát triển mạnh, tỷ lệ mỡ/dầu là 70/30 và ngược lại người cao tuổi thì tỷ lệ tốt nhất là 30/70.
PGS Thắng cho biết, chất béo là nhóm chất hữu cơ giàu năng lượng nhất, mỗi gam khi đốt cháy sẽ giải phóng ra 9 Kcal.
Vì thế, thức ăn giàu lipit là nguồn năng lượng đậm đặc cần thiết cho người lao động nặng, cần thiết cho thời kì phục hồi dinh dưỡng đối với người ốm, cần thiết cho trẻ em là lứa tuổi có sức đồng hóa rất cao để sinh trưởng.
Một phần chất béo khi vào cơ thể được tích lũy dưới da và quanh các phủ tạng. Ðó là tổ chức bảo vệ, đệm lót, giữ cơ thể hạn chế các tác động bất lợi của môi trường bên ngoài như nóng, lạnh, giảm tác hại của các chấn thương cơ giới.
Người gầy, lớp mỡ dưới da mỏng thường kém chịu đựng với sự thay đổi của thời tiết, sức đề kháng yếu.
Cholesterol cũng là thành phần cấu trúc màng tế bào nói chung, đặc biệt là lớp vỏ myelin thần kinh đáy mắt để chống cận thị. Cholesterol là tiền chất tổng hợp axit mật trong gan tham gia vào quá trình nhũ tương hóa mỡ.
Đặc biệt, cholesterol là tiền chất tổng hợp nhiều chất xúc tác sinh học rất quan trọng của cơ thể như: vitamin D3 điều hòa sự phát triển bộ xương, các cortisol vỏ thượng thận điều hòa chuyển hóa đường, nước và muối khoáng, các hormone điều hòa hoạt động sinh sản.
Ngoài ra, cholesterol có vai trò liên kết để vô hiệu hóa các độc tố tan máu của thực vật, các độc tố tan máu của vi khuẩn, kí sinh trùng.
Tuy nhiên, sự dư thừa quá mức của cholesterol nhất là dạng cholesterol xấu sẽ gây tình trạng vữa xơ động mạch, một số khối u ác. Vì thế nên ăn mỡ đủ theo khuyến cáo ở trên.