Ăn miếng, trả miếng

THÙY LINH |

Không lâu sau Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hồi đầu tháng 12, quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ-hai quốc gia thành viên chủ chốt của liên minh quân sự NATO, vốn không hề êm ả lại tiếp tục lao dốc.

Trước sự đe dọa trừng phạt từ Mỹ vì quyết tâm theo đuổi thỏa thuận mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất với tổng giá trị 2,5 tỷ USD, gần đây, Ankara đã lên tiếng cảnh báo Washington về những đòn trả đũa mạnh tay.

Theo Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Mỹ có thể bị cấm sử dụng hai căn cứ không quân chiến lược Incirlik và Kurecik của nước này nếu áp đặt trừng phạt liên quan đến hợp đồng mua S-400.

“Nếu Mỹ tiếp cận chúng tôi một cách tích cực, chúng tôi sẽ phản ứng tích cực. Nhưng nếu họ có hành động tiêu cực, chúng tôi sẽ đáp trả", nhà ngoại hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định như vậy. Tuyên bố trên cho thấy Ankara không hề nao núng trước sức ép từ Washington mà còn tỏ ý muốn “ăn miếng, trả miếng”.

Không phải ngẫu nhiên mà hai căn cứ Incirlik và Kurecik trở thành những "quân bài mặc cả" giữa Ankara và Washington. Lâu nay, căn cứ không quân Incirlik ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ là căn cứ chính cho các chiến dịch của Mỹ ở Trung Đông.

Gần đây, căn cứ này được sử dụng nhiều hơn trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq. Trong khi đó, căn cứ Kurecik ở miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ là căn cứ then chốt của NATO.

Tuyên bố cứng rắn của phía Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trong bối cảnh Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua một dự luật áp đặt trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ do đã tiến hành chiến dịch quân sự ở Đông Bắc Syria và mua S-400 của Nga.

Dù chưa chính thức trở thành luật vì vẫn cần được Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn nhưng dự luật trên cũng khoét thêm hố sâu ngăn cách giữa Washington và Ankara.

Trong quá khứ, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng có mối quan hệ gần gũi thân thiết. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, hai nước liên tiếp đối đầu nhau bằng các biện pháp trừng phạt, trả đũa kinh tế, đe dọa và thách thức.

Nguyên nhân dẫn tới sóng gió trong quan hệ hai nước bắt nguồn từ những bất đồng liên quan tới một loạt vấn đề, từ vụ việc Giáo sĩ Fetullah Gulen-người bị Ankara cáo buộc chủ mưu cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi năm 2016, đang sống lưu vong tại Mỹ cho đến việc Ankara mua tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga hay chiến dịch quân sự ở Đông Bắc Syria.

Những rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ tưởng chừng như có thể được hàn gắn sau chuyến công du tới Washington vào tháng 11 vừa qua của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Tại thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những mỹ từ để mô tả về mối quan hệ đồng minh với Thổ Nhĩ Kỳ. Gọi Thổ Nhĩ Kỳ là một “đồng minh NATO tuyệt vời”, ông chủ Nhà Trắng nhận định, hai nước có mối quan hệ rất hữu hảo. Về phần mình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng bất chấp bất đồng, hai bên sẽ cải thiện quan hệ song phương.

Hơn ai hết, Mỹ hiểu rằng việc cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nằm tại vị trí gần như là cửa ngõ Đông-Tây, là bước đi mạo hiểm. Mỹ có nhiều lợi ích quân sự và các thương vụ bán vũ khí khổng lồ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ở chiều ngược lại, Ankara cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của Washington trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự của mình. Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhận được các thiết bị quốc phòng lớn thứ ba từ Mỹ, sau Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và phần lớn lực lượng không quân của Ankara là do Mỹ hỗ trợ.

Rõ ràng, dù ở trong tình trạng “cơm không lành, canh không ngọt” vì nhiều bất đồng chưa được giải quyết nhưng Washington và Ankara đều không muốn để mất nhau.

Chính vì thế, các nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ đồng minh. Dẫu vậy, để bảo vệ lợi ích của mình, hai bên cũng sẵn sàng “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại