Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua (31/5) xác nhận việc trục xuất phóng viên Ấn Độ, như một biện pháp đáp trả “thích đáng” trước động thái tương tự từ phía Ấn Độ.
Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc và Ấn Độ đã trục xuất các nhà báo của nhau thông qua hình thức từ chối gia hạn thị thực, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh chiều 31/5 cho biết, “các phóng viên truyền thông Trung Quốc đã phải chịu sự bất công và phân biệt đối xử ở Ấn Độ trong thời gian dài”.
Bà tuyên bố: “Trước sự chèn ép vô lý kéo dài này của phía Ấn Độ, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện các biện pháp đáp trả thích đáng để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của truyền thông Trung Quốc.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning. Ảnh: AP
Theo bà Mao Ninh, năm 2017, Ấn Độ đã rút ngắn thời hạn hiệu lực thị thực của các nhà báo Trung Quốc làm việc tại Ấn Độ xuống còn 3 tháng, thậm chí 1 tháng mà không nêu lý do.
Kể từ năm 2020, New Delhi đã từ chối phê duyệt đơn xin thường trú của các nhà báo Trung Quốc tại Ấn Độ. Thậm chí, tháng 12/2021, một phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại Ấn Độ đã bị nước này yêu cầu về nước trong vòng 10 ngày khi thị thực còn hạn 2 tháng và nhiệm kỳ công tác vẫn còn nửa năm, đồng thời cho đến nay vẫn chưa giải thích lý do.
Cách đây không lâu, Ấn Độ tiếp tục từ chối gia hạn thị thực cho phóng viên duy nhất của Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc tại nước này, buộc phóng viên này phải rời khỏi Ấn Độ. Hiện nay, thị thực của nhà báo Trung Quốc cuối cùng tại Ấn Độ cũng đã hết hạn.
Như vậy, tại Ấn Độ hiện không có phóng viên truyền thông nhà nước nào của Trung Quốc và đây có thể là điều xảy ra lần đầu tiên kể từ những năm 1980.
Trước đó, truyền thông nước ngoài dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên cho biết, ít nhất 2 trong số 4 phóng viên Ấn Độ tại nước này chưa xin được thị thực để trở lại Trung Quốc. Phóng viên thứ ba vừa được thông báo trong tháng này về việc thẻ nhà báo của anh ta đã bị thu hồi, nhưng hiện phóng viên này vẫn ở Trung Quốc.
Các động thái đáp trả này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng, sau khi quan hệ hai bên trở nên tồi tệ kể từ cuộc đụng độ gây chết người dọc biên giới Trung-Ấn đang tranh chấp hồi tháng 6/2020.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với New Delhi trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng cùng có lợi, đồng thời hy vọng phía Ấn Độ “hồi đáp nghiêm túc các mối quan tâm chính đáng” của Trung Quốc và sớm có những hành động thiết thực nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục trao đổi bình thường giữa truyền thông hai nước./.