Ấn Độ "phản công" Trung Quốc và Pakistan

Terry Buss |

Kể từ khi Anh rút khỏi Ấn Độ năm 1947 sau khi nước này bị chia cắt thành hai quốc gia mới là Ấn Độ và Pakistan, Ấn Độ đã luôn phải giữ thế phòng thủ với Pakistan và Trung Quốc bởi cả hai không ngừng thúc đẩy yêu sách chủ quyền đối với nhiều phần lãnh thổ lớn của nước này.

Trong hai năm 2019-2020, quan hệ giữa ba quốc gia đã xấu đi đáng kể. Một số nhà phân tích thậm chí đã cảnh báo về khả năng nổ ra chiến tranh.

Ấn Độ hiện đang tự phòng thủ cả về mặt quân sự, ngoại giao, kinh tế và địa lý, đẩy căng thẳng đến giới hạn.

Ấn Độ phản công Trung Quốc và Pakistan - Ảnh 1.

Khủng hoảng ở Ladakh

Cuộc khủng hoảng hiện nay bắt đầu khi Trung Quốc điều động hàng ngàn binh sĩ và pháo binh đến đoạn biên giới có tranh chấp giữa hai nước, được đánh dấu không rõ ràng tại Ladakh. Khu vực này giáp biên giới với Tây Tạng, hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng.

Năm 1890, nhà Thanh, Trung Quốc và Ấn Độ thuộc Anh đã đàm phán về chủ quyền khu vực biên giới này nhưng hai bên đã không thể phân định rõ ràng đường ranh giới. Khu vực này không có người sinh sống và cũng không có đường sá đi lại – hoàn toàn không có gì ngoài những ngọn núi cằn cỗi không có đường lên.

Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng giữa các quốc gia xung quanh khu vực tranh chấp này vẫn chưa bao giờ dứt.

Năm 1962, Trung Quốc đánh bại Ấn Độ trong một trận đụng độ nhỏ ở khu vực biên giới khiến 1,300 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ đó các cuộc xung đột xảy ra khá thường xuyên – đã 4 lần trong 7 năm qua.

Cuộc xung đột lần này bắt đầu khi quân đội Trung Quốc xây dựng một tiền đồn quan sát lấn sang một phần lãnh thổ Ấn Độ. Trung Quốc cũng cho quân lính băng qua sông Galwan – hành động này là một sự khiêu khích đáng kể. Trung Quốc cũng đang củng cố lãnh thổ và Ấn Độ thì đang xây dựng đường sá.

Ấn Độ phản công Trung Quốc và Pakistan - Ảnh 2.

Đám tang các binh sĩ Ấn Độ tử nạn trong cuộc đụng độ ở biên giới với lính Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Một thỏa thuận đã ký trước đó tuyệt đối nghiêm cấm cả hai quốc gia sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp, vì vậy cả hai bên đã tấn công nhau chí mạng bằng gậy gộc. 20 binh sĩ Ấn Độ đã thiệt mạng.

Không ai thực sự biết tại sao Trung Quốc khiêu khích Ấn Độ, nhưng có thể phỏng đoán Trung Quốc giận dữ vì Ấn Độ đang tìm cách tách nền kinh tế của mình khỏi Trung Quốc; can thiệp vào Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn đã tạo thành một vòng tròn bao quanh Ấn Độ cả bằng đường sông và đường biển.

Đồng thời phản ứng việc Ấn Độ ngày càng liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ; phản đối việc Ấn Độ bảo vệ vị lãnh đạo tinh thần của phật tử Tây Tạng, đức Đạt Lai Lạt Ma; trả đũa việc Ấn Độ chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc với Covid-19; và đe dọa Ấn Độ về việc nước này sáp nhập Jammu và Kashmir.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh lợi ích của mình trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở Biển Đông và dọc theo hành lang Vành đai và Con đường. Nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh đang lợi dụng sự hỗn loạn của đại dịch Covid-19.

Nước này đã vượt qua đại dịch tốt hơn các quốc gia khác. Trong khi đó, Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến New Dehli càng trở thành mục tiêu hấp dẫn cho những tham vọng toàn cầu của Trung Quốc.

Gần đây, Pakistan đã đứng hẳn về phía Trung Quốc trong cuộc tranh chấp biên giới. Theo trang Business Insider, các nhà phân tích tin rằng Pakistan cũng đang điều động quân đội dọc biên giới chung với Ấn Độ.

Quân đội Ấn Độ không muốn tham chiến cùng lúc trên cả hai mặt trận bởi điều đó chỉ mang lại cho Trung Quốc và Pakistan những lợi thế rõ rệt. Cho đến nay, tất cả các bên đều đang bế tắc.

Khủng hoảng ở Kashmir

Kashmir và Jammu vốn là những tiểu vương quốc độc lập trong thời kỳ Ấn Độ thuộc Anh. Khi Ấn Độ bị chia cắt năm 1947 thì Kashmir và Jammu, hai bang có dân số chủ yếu là người Hồi giáo, đã được Ấn Độ và Pakistan phân chia thành các bang bán tự trị.

Không bên nào hài lòng với cách giải quyết đó, vì vậy chiến tranh đã nổ ra năm 1947-1948, rồi tiếp đó đến năm 1999, cùng nhiều cuộc đụng độ quy mô nhỏ trong giai đoạn 2006-2008.

Tháng 2/2019, một kẻ khủng bố của Phong trào thánh chiến Pakistan đã giết chết 40 người Ấn Độ để phản đối thỏa thuận dàn xếp giữa hai nước. Ấn Độ đã đánh bom vào một trại khủng bố ở Pakistan, sau đó Pakistan lại ném bom trả đũa Ấn Độ.

Tháng 8/2019, Thủ tướng Narendra Modi sáp nhập toàn bộ hai bang Kashmir và Jammu vào Ấn Độ. Ông không báo trước cho các nhà lãnh đạo địa phương về kế hoạch của mình: duy nhất một động thái là quân đội được điều đến chiếm các bang này.

Ông Modi ra lệnh cắt mọi hình thức liên lạc, cấm mọi hoạt động ra vào địa phận bang, và bắt giữ các nhà lãnh đạo địa phương, hầu hết là người Hồi giáo.

Thủ tướng Ấn Độ là một người theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. Ông cũng chính là người đã thông qua Luật Công dân gây nhiều tranh cãi khi cho phép người Ấn Độ xa xứ được cấp lại quyền công dân, nhưng không áp dụng với người Hồi giáo.

Trung Quốc đang hậu thuẫn Pakistan với tư cách một đồng minh. Pakistan đã nhận được khoản đầu tư trị giá 20 tỷ đô la trong khuôn khổ Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Rõ ràng, khu vực này giống như một đống lửa âm ỉ, có thể bùng nổ bất kỳ lúc nào. Chỉ riêng từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay đã xảy ra hơn 1.000 vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn giữa binh sĩ hai nước, gần gấp đôi số lần so với cùng kỳ năm 2019.

Ấn Độ phản công kinh tế

Bất kỳ nhà lãnh đạo nào của Ấn Độ cũng đều nên cẩn trọng khi khơi dậy và khích lệ tình cảm của những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ bởi điều đó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Khi được bầu làm Thủ tướng vào năm 2014, ông Modi đã công bố tầm nhìn "Giấc mơ Ấn Độ", tương tự như "Giấc mộng Trung Hoa" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Modi cũng công bố Sáng kiến "Hành động hướng Đông" (Act East) để phù hợp với khu vực Đông Nam Á.

Năm 2017, ông Modi đã cố gắng tìm mọi cơ hội tại Hội nghị Thượng đỉnh Vũ Hán để làm hòa với ông Tập, tuy nhiên mọi nỗ lực của ông đều không đi đến đâu.

Sau khi sáp nhập Kashmir, người dân Ấn Độ bắt đầu tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Thủ tướng Ấn Độ kêu gọi các công ty trong nước ngừng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc bất kỳ khi nào có thể.

Mức thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc ở mức 57 tỷ đô la Mỹ. Chính phủ Ấn Độ cũng đang trì hoãn số hàng nhập khẩu được chuyển đến các cảng Ấn Độ và tiến hành thanh kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Các biện pháp trừng phạt thuế quan cũng đang được chuẩn bị sẵn sàng.

Ông Modi cũng cấm các công ty Ấn Độ sử dụng các yếu tố liên quan đến công nghệ thông tin của Trung Quốc và ngược lại. Chính phủ Ấn Độ đã đóng cửa công ty Trung Quốc, dập tắt nỗ lực phát triển mạng 5G của Huawei tại nước này.

Cùng với đó là lệnh cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc trong đó có TikTok, một nền tảng chia sẻ video đang thu hút đến 120 triệu người dùng Ấn Độ. Động thái này đã đóng lại khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Trung Quốc vào Ấn Độ và có khả năng gây hậu quả nặng nề cho lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trước đó, chính phủ của ông Modi đã từ chối tái gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực nhằm thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do với các quốc gia ASEAN.

Ông Modi đã trở thành người bạn tâm giao của Tổng thống Mỹ, Donald Trump trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Ấn Độ phản công Trung Quốc và Pakistan - Ảnh 5.

Chiến đấu cơ Ấn Độ bay thị sát quanh vùng Ladakh (Ảnh: AFP)

Ấn Độ củng cố quan hệ ngoại giao

Với sáng kiến Vành đai và Con đường cùng sự yểm trợ của các liên minh quân sự, Trung Quốc đã kịp thời thiết lập được vành đai bao quanh Ấn Độ. Bắc Kinh đã o bế được Pakistan và Nepal. Một thành viên khác của Sáng kiến Vành đai và Con đường là Bhutan thì lại liên doanh với Ấn Độ.

Trong khi đó, Bangladesh, Sri Lanka và Maldives thì đang nặng nợ với Trung Quốc. Điều Bắc Kinh rất cần lúc này là kiểm soát Ấn Độ dương và Biển Đông để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng.

Đáp lại, Ấn Độ tiếp tục tham gia Sáng kiến chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương, với tên gọi "Tứ giác Kim cương", mà thực chất chính là liên minh quân sự với Mỹ, Nhật Bản và Australia. Tuy nhiên, chính phủ Ấn Độ chưa thể dồn toàn tâm lực vào liên minh này trong bối cảnh nước Mỹ còn đang rối ren với nhiều vấn đề nội bộ.

Ấn Độ đã ký các hiệp định thương mại lớn với Nhật Bản và hiện giờ đang đàm phán với Đài Loan trong khuôn khổ của chính sách "Hành động hướng Đông".

Một vấn đề gặp phải là Mỹ đang mâu thuẫn với Ấn Độ về mức thuế cao mà New Dehli áp lên hàng nhập khẩu của Mỹ.

Viễn cảnh

Tình hình cho thấy có lẽ mối bất hòa Ấn Độ-Trung Quốc sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Đánh giá từ những thông tin được đưa trên tờ Thời báo Toàn cầu và các phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì có vẻ như Bắc Kinh đã từ bỏ những nỗ lực ít ỏi nhằm khuất phục Ấn Độ hoặc ít nhất thì cũng có ý hòa hoãn.

Việc gián đoạn nền kinh tế sẽ khiến Ấn Độ phải mất rất nhiều năm để phục hồi và chặng đường đó sẽ đầy rủi ro và nguy cơ. Liệu chính quyền New Dehli có sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi điều đó? Trong tương lai trước mắt, nền kinh tế của Ấn Độ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn nền kinh tế của Trung Quốc.

Có lẽ, số phận của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào sự sụp đổ có thể xảy ra của Sáng kiến Vành đai và Con đường. Lời hứa đầu tư 85 tỷ đô la Mỹ cho Pakistan đến nay mới chỉ dừng ở mức 20 tỷ.

Ấn Độ có thể thắng trong cuộc chiến quan hệ công chúng. Trung Quốc đã "gây thù chuốc oán" với tất cả mọi quốc gia ở Châu Á, chưa kể đến Mỹ và nhiều nước châu Âu. Ấn Độ có thể tìm thấy đồng minh ở các khu vực này.

Ấn Độ cũng có thể liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ. Tuy nhiên việc này cũng có nhiều vấn đề. Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng và cuộc bầu cử sắp tới vào tháng 11 năm nay. Không ai có thể biết được Ấn Độ sẽ làm thế nào để đạt được mục đích của mình.

Ấn Độ sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng sẽ không thể thắng trong cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc và Pakistan, cả hai nước này cũng sở hữu kho vũ khí hạt nhân.Nhưng mặt khác, Ấn Độ lại là quốc gia có chi tiêu quốc phòng cao thứ 3 trên thế giới và có lực lượng hải quân vượt trội Trung Quốc. Khả năng là một cuộc chiến tranh lạnh đang manh nha hình thành...

Có lẽ kết cục của cuộc xung đột lần này sẽ giống như tất cả những cuộc xung đột khác: mối quan hệ hai nước sẽ dừng ở mức căng như dây đàn cho đến khi cuộc xung đột tiếp theo nổ ra.

(Chuyển ngữ: Đào Thúy)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại