Amazon Studios sở hữu The Handmaiden, phim 18+ của Hàn Quốc bán chạy nhất mọi thời đại - Ảnh: Hancinema
Trong khi Netflix có được nhiều bộ phim hứa hẹn từ Liên hoan phim (LHP) Sundance, Amazon Studios ngay lập tức nhảy vào thị trường tiềm năng ở LHP Cannes.
Một cuộc hồi sinh của điện ảnh bằng công nghệ số hóa đang diễn ra.
Không giống như Sony Pictures Classics - một hãng phim kỳ cựu tại thị trường Mỹ - mua các tác phẩm danh giá phát hành vào mùa thu - thời điểm phim tranh giải Oscar ra rạp, Hãng phim Amazon thích chơi trò may rủi.
Họ đặt cược 15 triệu USD mua Café Society trước khi nó được công bố là phim mở màn LHP Cannes (bế mạc vào đêm 22-5 giờ địa phương).
Vì sao một kênh phát hành non trẻ lại can đảm đi trước các hãng phim danh giá?
Vì Kristen Stewart - ngôi sao trẻ có độ phủ sóng mạnh mẽ hay “thương hiệu” Woody Allen - đạo diễn chưa có phim nào lỗ vốn?
Trái với sự lo xa, Café Society được các tờ báo lớn như The Hollywood Reporter, Variety... đánh giá tốt, thậm chí có thể đoạt giải Oscar ở những hạng mục như phục trang, quay phim.
Nếu Café Society được đảm bảo bởi êkip Hollywood dày dạn kinh nghiệm thì cả ba phim tranh giải Cannes mà Hãng phim Amazon phát hành năm nay đều là ẩn số.
Có mặt tại chợ phim ở Mỹ tháng 11 năm ngoái, The Neon Demon trở thành “miếng mồi ngon” vì câu chuyện “tắm máu trinh nữ, trẻ mãi không già” của nhân vật huyền thoại Elizabeth Bathory.
Ngoài dàn sao trẻ đẹp, tên tuổi đạo diễn Nicolas Winding Refn đi kèm, phim chỉ tốn 7 triệu USD, giá bán chắc chắn không cao và khả năng thu hồi vốn nằm trong tầm tay.
Paterson là trường hợp tương tự với công thức: sao trẻ + vốn ít + đạo diễn nổi tiếng.
Do Jim Jarmusch - một tác giả chuyên làm phim độc lập ít kinh phí - thực hiện, phim xoay quanh câu chuyện của một anh tài xế trẻ và một nhà thơ trên những chặng hành trình quanh nước Mỹ.
Đến thời điểm này, Paterson vẫn thuộc tốp 5 phim có điểm bình chọn cao nhất từ phóng viên, nhà báo ở Cannes năm nay.
Trong khi đó, công chúng khá bất ngờ trước thông tin Hãng phim Amazon mua The Handmaiden - tác phẩm rùng rợn có yếu tố đồng tính nữ, phim châu Á hiếm hoi mà họ phát hành tại Mỹ.
Không hoàn toàn là cú liều mạng bởi theo Variety, CJ Entertainment - đơn vị sản xuất bộ phim - đã bán bản quyền phát hành cho 116 quốc gia gồm cả châu Âu, châu Á...
Với con số ấn tượng vừa kể cộng với nhiều lời khen ngợi ở Cannes, Hãng phim Amazon chứng minh trực giác nhạy cảm giúp họ gần như gom hầu hết phim đáng chú ý tại LHP lần này.
Không chỉ mua phim đã hoàn tất ghi hình, Amazon Studios sẵn sàng chi tiền cho các dự án còn đang... nằm trên bàn giấy.
Tại chợ Cannes, họ nâng giá You were never really here của nữ đạo diễn Lynne Ramsay lên 3,5 triệu USD so với Hãng A24 (2 triệu USD) vì có ngôi sao Joaquin Phoenix tham gia, theo Variety đưa tin.
Trong khi đó, The Hollywood Reporter cho hay hãng thương thảo thành công dự án lịch sử Peterloo do Mike Leigh, đạo diễn kỳ cựu người Anh, dàn dựng.
Dù đến năm sau Peterloo mới khởi quay, nhưng động thái của Hãng phim Amazon cho thấy họ có thiện chí với những đạo diễn hàng đầu của dòng phim tác giả, chứ không đơn thuần đánh mạnh vào yếu tố thương mại.
Phương thức kiếm tiền kiểu mới
Năm 2014, Amazon Studios bỏ túi 1,3 tỉ USD từ hệ thống chiếu phim trực tuyến Prime Video.
Mang tiếng là người đi trước, Netflix thu 3 tỉ USD cùng thời điểm và xác định sẽ có 6 tỉ USD năm nay.
Netflix hấp dẫn khán giả bởi phim chiếu rạp và chiếu trên mạng cùng một thời điểm, nhưng đôi khi nó khiến người xem lưỡng lự việc ra rạp mua vé hay ngồi ở nhà thưởng thức.
Prime Video của Hãng phim Amazon hút người dùng bằng dịch vụ có giá tốt, hình thức SVOD (chiếu phim trực tuyến theo yêu cầu) cho phép người dùng coi phim bất kể thời gian nào.
Điều đáng nói là Amazon Studios sẽ đưa phim ra rạp ít nhất một tháng trước khi chiếu trực tuyến.
Phương thức kiếm tiền kiểu mới
Năm 2014, Amazon Studios bỏ túi 1,3 tỉ USD từ hệ thống chiếu phim trực tuyến Prime Video. Mang tiếng là người đi trước, Netflix thu 3 tỉ USD cùng thời điểm và xác định sẽ có 6 tỉ USD năm nay.
Netflix hấp dẫn khán giả bởi phim chiếu rạp và chiếu trên mạng cùng một thời điểm, nhưng đôi khi nó khiến người xem lưỡng lự việc ra rạp mua vé hay ngồi ở nhà thưởng thức.
Prime Video của Hãng phim Amazon hút người dùng bằng dịch vụ có giá tốt, hình thức SVOD (chiếu phim trực tuyến theo yêu cầu) cho phép người dùng coi phim bất kể thời gian nào.
Điều đáng nói là Amazon Studios sẽ đưa phim ra rạp ít nhất một tháng trước khi chiếu trực tuyến.
Biểu đồ tổng quát về hai đại gia buôn phim trực tuyến - Ảnh: Markiwrite