“Anh rể là người đầu tiên báo tin cho tôi. Thoạt đầu, tôi như không thể tin nổi. Sau đó, tôi đã nói chuyện với Hakan Fidan, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia (MIT).
Chúng tôi bàn tính về nhiều biện pháp và bước đi đầu tiên là tôi lên trực thăng tới sân bay Dalaman và từ đó bay về istanbul bằng máy bay” – Tổng thống Erdogan trả lời phỏng vấn đài Al Jazeera.
Tuy nhiên, một số nguồn tin từ Ả Rập - đặc biệt là từ Iran - lại khẳng định tình báo Nga đã báo động về cuộc đảo chính cho MIT.
Theo thông tin từ hãng thông tấn Iran Fars, quân đội Nga đã gửi thông điệp mã hoá cho hay quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị đảo chính lật đổ chính quyền ở Ankara.
Ngoài ra, kế hoạch bắt cóc, sát hại ông Erdogan ngay trong kỳ nghỉ của quân đảo chính cũng bị quân đội Nga lật tẩy.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn một văn bản do cảnh sát phát hiện cho hay những kẻ chủ mưu khủng bố có ý định buộc tội Tổng thống Erdogan và thuộc cấp "hỗ trợ khủng bố bằng cách đàm phán với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) trước khi tiến hành chiến dịch quân sự tấn công họ".
Ngoài ông Erdogan, những cái tên bị nêu ra có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Efkan Ala, Giám đốc Tổ chức Tình báo quốc gia Hakan Fidan, cựu Thủ tướng Ahmet, 2 cựu Phó Thủ tướng Besir Atalay và Yalcin Akdogan cùng một số thống đốc.
Tất cả bị tố tổ chức thương thảo với PKK từ năm 2009-2015.
Cáo buộc này có vẻ khôi hài bởi Tổng thống Erdogan rất nhiều lần tuyên bố "vô hiệu hóa" người Kurd sau khi thỏa thuận hòa bình giữa 2 bên đổ vỡ vào tháng 7 năm ngoái.
Từ đó đến tháng 5-2016, theo chính phủ Ankara, hơn 2.500 tay súng người Kurd đã bị giết ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng trong buổi phỏng vấn với Al Jazeera, ông Erdogan tuyên bố một số quốc gia nước ngoài có thể liên quan đến cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng ông không đưa ra cái tên cụ thể.
“Có thể những nước khác có liên quan.
Tổ chức khủng bố Gulen (tức giáo sĩ Fethullah Gulen đang lưu vong ở Mỹ) có chỉ đạo từ cấp cao hơn và thời gian sẽ hé lộ những mối liên hệ này.
Chúng ta phải kiên nhẫn…Nhưng tôi nghĩ sẽ không lâu đâu.
Các cơ quan tư pháp đang hành động và tôi tin rằng tất cả những mối liên hệ sẽ được đưa ra ánh sáng” – Tổng thống Erdogan khẳng định.
Một mặt tiếp tục cáo buộc giáo sĩ Gulen đứng sau âm mưu đảo chính và yêu cầu Mỹ dẫn độ ông này, mặt khác ông Erdogan khẳng định sẽ không gây tổn hại tới quan hệ Washington - Ankara.
Ngoài ra, theo ông Erdogan, những kẻ đứng đằng sau âm mưu đảo chính có thể còn nhiều kế hoạch cho giai đoạn kế tiếp và âm mưu đảo chính vẫn chưa thực sự chấm dứt.
Bình luận về những tranh cãi xoay quanh việc khôi phục án tử nhằm trừng phạt những kẻ đảo chính, ông Erdogan cho biết sẽ phê duyệt nếu Quốc hội đồng ý. Tuy nhiên, ông khẳng định sẽ không để quyết định về án tử gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.
Tổng thống Erdogan còn “khuyên” Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault “đừng nên xen vào chuyện” của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ông Ayrault đã cảnh báo Ankara về việc đàn áp mạnh tay sau cuộc đảo chính.
“Ông ta nên quan tâm đến chuyện của ông ta. Liệu ông ta có quyền để đưa ra những tuyên bố về con người của tôi hay không? Không, ông ta không có quyền đó. Nếu ông ta muốn học hỏi về dân chủ, ông ta có thể dễ dàng học hỏi từ Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Erdogan nhấn mạnh.