Nga đổi chiến thuật: Tiếp tục phòng thủ, chủ động tiến công
Mới đây một bài báo của New York Times đưa tin, Ukraine bắt đầu tung "đòn tấn công chính" của chiến dịch phản công bằng cách đưa hàng nghìn quân dự bị được phương Tây huấn luyện và cung cấp vũ khí vào chiến đấu.
Thông tin trên trùng khớp với tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, cho rằng quân đội Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công "quy mô lớn" với 3 tiểu đoàn được hỗ trợ xe tăng.
Một chiếc xe tăng bị phá hủy ở Bakhmut. Ảnh: Sputnik
Tuy nhiên, ngày 27/7, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, mọi nỗ lực của Ukraine nhằm tiến hành phản công đã bị ngăn chặn và đối phương đang chịu tổn thất lớn. Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - châu Phi, ông cho biết, trong cuộc tấn công mới đây, hơn 200 binh lính Ukraine đã tử trận và các lực lượng của Nga đã phá hủy ít nhất 26 xe tăng của Kiev. Ông cũng thông báo, 60% phương tiện quân sự của Ukraine đã bị vô hiệu hóa.
Theo cựu Đại tá quân đội Nga Anatoly Matviychuk, cái gọi là cuộc tấn công mới chỉ là một "trò tuyên truyền để thể hiện rằng Ukraine có thể thực hiện một vài nhiệm vụ". Khi được hỏi về "triển vọng" cuộc phản công mới của Ukraine, chuyên gia này nhận định, ông vẫn giữ thái độ "hoài nghi", trước tiên là bởi mức độ yểm trợ hỏa lực của Không quân Ukraine cho các lực lượng khác rất thấp.
Thứ hai là do sự vắng mặt hoàn toàn của Không quân Ukraine trên bầu trời trong khi Không quân Nga kiểm soát đối phương trong toàn bộ khu vực hoạt động. Trên thực tế, không quân sẽ là lực lượng giúp ích rất nhiều nhưng các tiêm kích phương Tây hứa hẹn vẫn chưa đến tay Ukraine. Thậm chí ngay cả khi chúng được hỗ trợ cho Kiev thì điều đó vẫn không thể giúp Ukraine kiểm soát bầu trời.
Các phòng tuyến của Nga nằm sâu 30km, được các bãi mìn, hàng rào chống tăng, chiến hào, cũng như các hệ thống pháo, phương tiện trên không và tên lửa chống tăng dẫn đường bảo vệ. Hầu hết các đội quân của NATO đều sẽ gặp khó khăn để xuyên thủng các phòng tuyến đó nếu không có ưu thế trên không tuyệt đối chứ chưa nói với Ukraine, vốn không có ưu thế đó.
"Tôi nghĩ cuộc tấn công này có lẽ sẽ mang lại một vài thành quả chiến thuật tạm thời nhưng không thay đổi tình hình chiến trường. Mọi thứ cuối cùng sẽ kết thúc theo cách mà cuộc tiến công đầu tiên của Ukraine đã khép lại", chuyên gia này nhận định.
Khi được hỏi tại sao Ukraine chọn tiến công theo hướng Zaporizhia trong giai đoạn này, ông Matviychuk cho rằng đây là nơi có các lợi ích chính trị và quân sự đan xen. Ngoài ra, đây cũng là khu vực dẫn trực tiếp tới Crimea qua con đường ngắn nhất.
Ông cho biết, quân đội Nga sẽ đối phó với Không quân Ukraine với sự hỗ trợ của "lực lượng dự bị di động" sử dụng xe tăng, các phương tiện chiến đấu và xe chở quân nhân.
"Quan trọng nhất, không quân của chúng tôi đã dịch chuyển sang hoạt động chiến đấu có hệ thống trong toàn bộ khu vực thực hiện chiến dịch quân sự. Chúng tôi đang tiến hành phòng thủ chủ động để làm suy yếu đối phương bằng cách tiến hành các cuộc tấn công", chuyên gia này tiết lộ.
Nga đã xây dựng phòng tuyến mạnh hơn dự đoán của Ukraine và phương Tây, đồng thời tiến hành phản công nhanh và linh động trước các bước tiến công của Ukraine thay vì chỉ chờ đợi trong các chiến hào và tại các vị trí cố định. Rob Lee, chuyên gia về Nga cho rằng quân đội Nga không chỉ áp dụng học thuyết quân sự của mình một cách hoàn hảo mà còn đổi mới trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như gài nhiều mìn chống tăng lên nhau để phá hủy cả các thiết bị dọn mìn.
Cơ hội xoay chuyển tình thế của Ukraine
Cuộc phản công của Ukraine đã bước vào tuần thứ 8. Những tiến triển đạt được chậm và khó khăn hơn so với kỳ vọng, dẹp tan hy vọng đạt được đột phá bước đầu. Chiến dịch này đã biến thành một cuộc giao tranh kéo dài, dường như có thể tiếp diễn vào mùa thu.
Ukraine đã tiến hành những trận đánh lớn đầu tiên ở phía Nam ngày 4/6 quanh Orikhiv thuộc tỉnh Zaporizhia và quanh Velyka Novosilka thuộc tỉnh Donetsk, đồng thời tiến công quanh Bakhmut. Các nước phương Tây đã dành nhiều tháng tiến hành các cuộc tập trận và mô phỏng để dự đoán diễn biến cuộc tấn công. Họ giữ thái độ lạc quan trong thận trọng, cho rằng Kiev có cơ hội đạt được đột phá bước đầu và sau đó dẫn đến những tiến triển nhanh chóng như những gì Ukraine từng đạt được tại tỉnh Kharkiv vào năm ngoái. Tuy nhiên, một kết quả như vậy chỉ xảy ra khi Ukraine tiến hành chiến dịch hoàn hảo và đủ khả năng khiến các lực lượng đã có sự chuẩn bị kỹ càng cũng như các phòng tuyến kiên cố của Nga sụp đổ.
Trên thực tế, kịch bản đó đã không xảy ra. Ukraine gặp rắc rối ngay sau khi tiến hành phản công. Các lữ đoàn được trang bị các phương tiện mới của phương Tây bị sa lầy vào các bãi mìn và trở thành mục tiêu của pháo binh, tên lửa chống tăng, trực thăng tấn công và UAV của Nga. Ukraine đã phản ứng bằng cách thay đổi chiến thuật. Nước này hiện đang dừng điều các xe tăng hạng nặng ra chiến trường mà chỉ cử các đơn vị nhỏ trên những chiếc xe chở quân nhân, thường không hơn 20 binh lính để tiến công. Tuy nhiên, hướng tiếp cận thận trọng hơn sẽ phải trả giá bằng tốc độ tiến công.
"Các cuộc tập trận trước đó đã dự đoán phần nào mức độ tiến công", Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley tiết lộ, đồng thời cho biết cuộc phản công đã diễn ra chậm hơn dự kiến. Ukraine tuyên bố nước này giải phóng 12km2 lãnh thổ ở phía Nam tính đến ngày 24/7 và tổng cộng 227km2 từ đầu chiến dịch. Con số này chiếm khoảng 0,3% lãnh thổ Nga kiểm soát kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2 năm ngoái.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Lee, lẽ ra Ukraine có thể tận dụng tốt hơn các thiết bị mà họ có. Ông dẫn ra rằng việc trì hoãn tiến công đến bình minh khiến Ukraine không thể tận dụng các thiết bị nhìn đêm và các cuộc pháo kích càn quét đi kèm bị tiến hành sớm hơn vài tiếng so với kế hoạch. Các lực lượng bộ binh và đội chống tăng của Nga, vốn sẽ bị ngăn chặn bởi các cuộc pháo kích đúng thời điểm, thì nay có thể tự do tấn công. Nhiều cuộc tấn công như vậy của Ukraine đã bị ngăn chặn thậm chí trước khi họ tiếp cận các bãi mìn chính.
Việc thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị sử dụng các phương tiện khác nhau cũng là một thách thức của Kiev. Bên cạnh đó, các lữ đoàn mới chỉ có một thời gian ngắn để làm quen với các thiết bị. Các binh lính mới được huy động chỉ có 1 tháng huấn luyện ở Đức. Họ phải vật lộn với các nhiệm vụ như trinh sát và đôi khi bị mất phương hướng vào ban đêm.
Dù vậy, các nước phương Tây ủng hộ Ukraine vẫn chưa hoảng loạn. Tướng Milley cho rằng Ukraine "còn xa mới thất bại" khi được hỏi liệu có phải cuộc phản công đã chững lại hay không. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace thì cho rằng tiến triển mà Ukraine "không chậm kế hoạch là bao". Ông cho biết, ở một số nơi, quân đội Ukraine chỉ cách phòng tuyến chính của Nga chưa tới 300 mét.
Một số ý kiến lạc quan đã chỉ ra 3 nhân tố có lợi cho Ukraine. Thứ nhất, họ cho rằng Kiev không cần e sợ một cuộc phản công lớn của Nga bất chấp những thành quả nhỏ mà Moscow đạt được ở phía Bắc Lugansk những ngày gần đây.
"Hầu như không có triển vọng Nga sẽ lấy lại đà tiến công", Richard Moore - người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Anh MI6 cho hay.
Thứ hai, quyết định của Nga khi phòng thủ phía trước thay vì lui về phía sau đã làm chậm tiến triển của Ukraine nhưng cũng khiến Nga không còn nhiều lực lượng dự bị di động ở phía sau. Nếu Ukraine xuyên thủng phòng tuyến Nga, có thể là qua các tuyến đường vòng thay vì tấn công phía trước vào Zaporizhia, nước này có thể tiến công nhanh chóng, một số chuyên gia nhận định, mặc dù họ kín đáo thừa nhận rằng cơ hội Ukraine đạt đến Biển Azov là khá mong manh.
Nhân tố thứ ba là Ukraine đang tiếp tục tìm cách làm hao hụt các lực lượng của Nga. Trong những ngày gần đây, Ukraine đã sử dụng tên lửa tầm xa Storm Shadow do Anh cung cấp để tấn công các căn cứ không quân và kho đạn dược của Nga, bao gồm cả ở Bán đảo Crimea. Một cuộc tấn công như vậy được cho là sẽ phá hủy được 2.500 tấn đạn dược, ông Wallace cho hay. Cùng lúc đó, mặc dù Ukraine không trực tiếp đứng ra nhận trách nhiệm nhưng liên tục xảy ra các cuộc tấn công UAV vào Moscow.
Dù vậy, chuyên gia Franz-Stefan Gady, học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại bày tỏ hoài nghi về việc liệu các cuộc tấn công của Ukraine có đang thực sự phá hủy các trung tâm chỉ huy và kiểm soát của Nga, hay chỉ đang tiêu tốn đạn dược. Ông cho biết, ở phía Nam, Ukraine có lợi thế sử dụng lựu pháo nhưng Nga đang phóng rất nhiều tên lửa và dường như có thông tin tình báo đáng giá. Với việc Ukraine không thể đạt được đột phá trong giai đoạn đầu tiến công, giao tranh đã biến thành cuộc xung đột tiêu hao. Những cuộc xung đột như vậy không được đo bằng số km giành được hay tổn thất mà bởi những nhân tố ít hữu hình hơn, chẳng hạn như tỷ lệ tổn thất và mức độ gắn kết của mỗi đội quân.
"Cuộc xung đột này đã được cân bằng về mặt chiến thuật", một quan chức phương Tây nói. Quân đội Ukraine nhờ được phương Tây cung cấp đạn dược và vũ khí có thể tiếp tục phản công lâu hơn dự kiến, chắc chắn là sau mùa hè. Trong khi đó, Nga có mạng lưới phòng thủ kiên cố và tận dụng thời gian để không ngừng xây dựng các phòng tuyến mới.