Ukraine theo đuổi chiến lược "mưa dầm thấm lâu"
Một tháng sau khi Ukraine tiến hành cuộc phản công lớn nhằm đẩy lùi Nga ra khỏi các vũng lãnh thổ, Phó Tổng tham mưu trưởng Ukraine Oleksii Hromov cho biết, các lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát 9 khu định cư và 160km2 lãnh thổ ở vùng Zaporizhzhia và Donetsk.
Lính Ukraine ẩn nấp sau xe tăng để tránh đạn pháo của Nga bắn tới. Ảnh: Levine.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, với tốc độ này, Ukraine sẽ mất 52 năm để lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất trong bối cảnh Moscow vẫn kiểm soát khoảng 100.000 km2 diện tích ở nước láng giềng. Các cuộc giao tranh đang diễn ra dọc theo chiến tuyến từ Kherson đến Bakhmut. Tổng thống Ukraine Zelensky khẳng định quân đội nước này "không bị mắc kẹt" và đang từng bước tiến lên, còn Tổng thống Nga Putin tuyên bố, Ukraine đã bị thất bại khi phản công trên mọi hướng.
Ông Patrick Bury, nhà phân tích quân sự tại Đại học Bath của Anh cho rằng: "Những gì Ukraine đang cố gắng làm là khiến đối phương suy yếu nhiều nhất có thể, nhằm tạo điều kiện tạo ra bước đột phá".
Còn Mathieu Boulegue, một nhà nghiên cứu về Nga và Á-Âu tại viện nghiên cứu chính sách Chatham House, nhận định: "Về cơ bản, mọi hoạt động của Ukraine sẽ diễn ra rất chậm". Vận dụng chuyên môn và hiểu biết về các vấn đề quân sự cũng như chính sách đối ngoại của Nga, ông Boulegue chỉ ra rằng những gì Ukraine đang thực hiện là một "cuộc phản công chiến lược" với mục đích xoay chuyển tình thế của cả cuộc chiến chứ không chỉ là chiến thuật đơn thuần. Song ông lưu ý: "Hiệu quả sẽ rất khó nhận thấy trong một vài tuần hoặc vài tháng, chứ đừng nói đến vài ngày".
Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Vilnius, Litva đã kết thúc vào hôm 12/7 với việc đưa ra những đảm bảo mơ hồ về tư cách thành viên của Ukraine. NATO cho biết Ukraine có thể tham gia liên minh quân sự này vào một thời điểm trong tương lai song không đưa ra mốc thời gian cụ thể và cũng không đưa ra lời mời cho Kiev.
Các nước liên quan dường như đã thấy việc giải quyết tình hình tại Ukraine là vô cùng khó khăn. Ngay cả Tổng thống Biden cũng tuyên bố ông không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO khi nước này đang xung đột với Nga. Nhiều ý kiến cho rằng, trong một năm qua, những diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm thay đổi mô hình chính trị và quân sự ở Mỹ và châu Âu, khiến phương Tây hành động thận trọng hơn.
Theo các nhà phân tích, Ukraine vẫn có khả năng gia nhập NATO, nhưng câu trả lời sẽ được quyết định ở việc liệu họ có thể công phá được tuyến phòng thủ của Nga hay không.
"Phòng tuyến Maginot" – rào cản lớn nhất đối với Ukraine
Về phần mình, Nga đã tạo ra "Phòng tuyến Maginot" từ Bắc xuống Nam ở Ukraine. Phòng tuyến của Nga là công sự hình chữ C ngược, hướng về phía Tây, trài dài 1.600 km. Tại đây, Nga đặt các hệ thống pháo, bệ phóng tên lửa và nhiều loại vũ khí khác.
Moscow tuyên bố, đến thời điểm hiện tại, hệ thống phòng thủ của họ đã ngăn chặn hiệu quả mọi cuộc tấn công của Ukraine.
Để giúp Ukraine vượt qua thách thức này, Mỹ, Anh, Đức và Ba Lan đã cung cấp cho Kiev rất nhiều xe tăng và thiết giáp. Nhưng Nga tuyên bố sẽ tấn công và phá hủy bất cứ thiết bị nào di chuyển qua khu vực an ninh.
Trong trường hợp Ukraine vượt qua được Phòng tuyến Maginot, họ có thể quay trở lại? Theo các chuyên gia quân sự, Ukraine có thể rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan. Họ sẽ không thể tiến lên nếu không đảm bảo được tuyến hậu cần và không có các phương tiện hỗ trợ chở nhiên liệu, đạn dược. Càng mạo hiểm di chuyển về phía Đông, họ càng dễ bị tấn công.
Tổng thống Zelensky chỉ có hai lựa chọn không mong muốn: Hoặc triển khai toàn bộ lực lượng tiến hành một cuộc tấn công quyết định, chấp nhận rủi ro lớn là tổn thất đáng kể về người và của, hoặc tiếp tục theo đuổi chiến lược dài hơi làm suy yếu đối phương. Đối với lựa chọn thứ 2 ông sẽ phải chịu áp lực chính trị ngày càng gia tăng từ phương Tây, vì không chứng minh được hiệu quả ngay lập tức đối với khoản viện trợ gần 200 tỷ USD đối với Mỹ và đồng minh.
Giới phân tích cho rằng, nếu Ukraine thực hiện một cuộc tấn công không đối đất quy mô lớn thì điều này có thể tạo ra sự khác biệt. Nhưng lực lượng không quân Ukraine đang thiếu hụt nghiêm trọng máy bay chiến đấu. Phương Tây đã cam kết cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, song nhiều ý kiến cho rằng, chỉ một số lượng ít ỏi máy bay chiến đấu này sẽ không làm thay đổi tình hình trên thực địa.
Lực lượng NATO có thể can dự trực tiếp vào cuộc xung đột, tấn công các công sự của Nga để hỗ trợ Ukraine, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi Kiev trở thành thành viên. Kịch bản đó chắc chắn sẽ dẫn đến một sự leo thang nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới Thế chiến 3.
Vùng đệm an ninh của Nga
Nga được cho là có kế hoạch hồi hương tất cả những người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine, đảm bảo quyền kiểm soát hoàn toàn với Bán đảo Crimea và ngăn chặn NATO mở rộng đến sát biên giới Nga. Để đạt được những mục tiêu này, Nga cần có một vùng đệm an ninh.
Phòng tuyến Maginot cùng khu vực an ninh giữa phòng tuyến này và sông Dnieper trên thực tế đã tạo ra vùng đệm chia đôi Ukraine. Tại vùng đệm này, Nga rải rất nhiều mìn, bẫy xe tăng và các chướng ngại vật khác, đồng thời cải thiện đáng kể khả năng do thám và giám sát trên không.
Theo các nhà phân tích, nếu lực lượng Ukraine phản công thất bại, một phần không nhỏ lãnh thổ nước này có thể nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Các lực lượng Nga chắc chắn sẽ củng cố vùng đệm mà họ đang nỗ lực tạo ra trong nhiều năm tới.
Vẫn chưa rõ thời điểm Ukraine sẽ tung ra cuộc phản công chính. Chính phủ nước này cho biết, họ đang giữ lại rất nhiều nguồn lực dự trữ. Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar hồi tháng 6 tuyên bố "cuộc tấn công chính" vẫn đang ở phía trước.
Nhận định về vấn đề này, nhà phân tích Patrick Bury cho rằng: "Ukraine vẫn chưa triển khai tất cả các lực lượng sẵn có. Nhưng thời gian không đứng về phía họ, bởi họ là bên tấn công và buộc phải giành được động lực lớn trong cuộc xung đột".
Trái lại, nhà phân tích Mathieu Boulegue, thành viên tư vấn của Chương trình Nga và Á-Âu tại tổ chức tư vấn quân sự Chatham House có trụ sở tại Anh nhấn mạnh: "Cuộc phản công không phải là viên đạn ma thuật. Ukraine cần phải có thời gian, đồng thời phải mất rất nhiều công sức và nỗ lực để đạt những bước tiến lớn nhằm thay đổi cán cân chiến trường".