Tổng thống, đệ nhất phu nhân và 535 thành viên của Quốc hội Mỹ được phép mời khách đến dự bài phát biểu Thông điệp Liên bang , sự kiện thường niên quan trọng của chính trường Mỹ, nơi Tổng thống nhấn mạnh thành tựu của mình và vạch ra các mục tiêu cho tương lai.
Theo dự kiến ban đầu, Tổng thống Trump đọc thông điệp liên bang vào ngày 29/1. Tuy nhiên, ông Trump đã phải hoãn thời điểm cho sự kiện này tới ngày 5/2 do khi đó chính phủ Mỹ vẫn đang đóng cửa một phần.
Lần cuối cùng một thời điểm đọc Thông điệp Liên bang bị lên lịch lại đã diễn ra từ năm 1986, khi Tổng thống Ronald Reagan đã phải lựa chọn dời thời điểm phát biểu theo dự kiến vào ngày 28 tháng 1, do tàu con thoi Challenger phát nổ vào buổi sáng cùng ngày. Tổng thống Reagan, thay vào đó, đã đọc thông báo trước toàn quốc tại Phòng Bầu dục vào buổi tối, và phải dời thời điểm đọc Thông điệp Liên bang tới ngày 4 tháng 2 cùng năm.
Mặc dù đây là mang tính nghi thức chính trị, nhưng ông Trump coi đây là sự kiện quan trọng, đặc biệt là khi thông điệp liên bang năm 2018 của ông được đánh giá khá cao.
Thông điệp liên bang diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump bước vào nửa cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình với những thách thức lớn: cuộc điều tra kéo dài về mối quan hệ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2016 với phía Nga, các cuộc điều tra của phe Dân chủ ở Hạ viện cũng như cuộc đàm phán thương mại đầy khó khăn với Trung Quốc cùng các vấn đề khác…
Ông Trump và các cố vấn không tin cuộc chiến đóng cửa sẽ để lại tác động kéo dài, hay đặc biệt ảnh hưởng tới cuộc bầu cử trong tương lai. Trong khi đó, nhiều thành viên đảng Cộng hòa thúc giục ông nên tập trung vào nền kinh tế Mỹ trong bài phát biểu và xa hơn nữa, là cố gắng thu hút thêm sự ủng hộ của cử tri.
Theo Fox News, trong Thông điệp liên bang sắp tới, Tổng thống Trump chuẩn bị lặp lại lời kêu gọi đoàn kết trong Quốc hội Mỹ, nhưng lãnh đạo đảng Dân chủ đã báo hiệu rằng họ không có ý định hòa giải trong bối cảnh chính quyền đương nhiệm và đảng Dân chủ chưa tìm được tiếng nói chung về khoản kinh phí xây tường biên giới phía Nam và vụ điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller.