1 tỷ 175 triệu bảng là con số mà Premier League đã chi tiêu trong chợ Hè 2016. Nó dĩ nhiên là một kỷ lục không tưởng của bóng đá thế giới. Một năm trước, khi Premier League ném vào chợ Hè 2015 số tiền 870 triệu bảng, không ai có thể tưởng tượng nổi chỉ sau 1 năm, kỷ lục ấy đã bị bỏ xa tới hơn 300 triệu bảng.
Cách biệt mà người Anh tự nâng lên so với kỷ lục cũ thậm chí còn… gấp đôi số tiền cả Ligue 1 chi ra trong mùa Hè năm nay.
Như vậy là 5 mùa Hè liên tiếp, bóng đá Anh tự lập và phá 5 kỷ lục về số tiền chi trong một phiên chợ. Chẳng cần phải bình luận thêm chúng ta cũng đã có thể cảm nhận quá rõ sự phồn thịnh của nền bóng đá này.
Sau những bàn hợp đồng "tiền tấn" và thấy bại thảm hại như Fernando Torres...
Tuy nhiên, người Anh chỉ giàu mà không… sang. Việc Premier League chi rất nhiều tiền tuyệt đối không đồng nghĩa với sự thành công trên thị trường chuyển nhượng.
Trái lại, thói quen mua sắm vô tội vạ những ngôi sao "hết đát" tạo nên bi kịch: Premier League tự biến mình thành thùng rác vàng của cả châu Âu. Càng nhiều tiền được ném đi, người Anh càng giống một gã trọc phú chỉ có tiền mà không có kiến thức.
Điều này thể hiện rất rõ qua thống kê: Suốt 20 năm qua, Premier League chưa từng là chủ nhân của những bản hợp đồng kỷ lục thế giới. Những vụ chuyển nhượng gây tiếng vang tập trung hết ở La Liga, còn người Anh chỉ nổi tiếng "năng nhặt, chặt bị" nên mới tạo ra tổng tiền lớn đến vậy.
Nhưng rốt cuộc thì bi kịch đã tồn tại 2 thập kỷ đó cũng đã qua. Paul Pogba về Man United với giá 89 triệu bảng và lần đầu tiên sau 20 năm, một CLB Anh là chủ nhân của bản hợp đồng đắt giá nhất hành tinh.
Sự kiện này không chỉ ý nghĩa đơn thuần về mặt con số. Bởi logic mà tư duy: Những bản hợp đồng đắt giá nhất thế giới luôn dành cho những cầu thủ hàng đầu và nếu suốt 20 năm liền Premier League không đón được ngôi sao hàng đầu nào, thì việc họ chi hơn 8 tỷ tiền chuyển nhượng có nghĩa lý gì?
Những số tiền khổng lồ lên tới 50 triệu bảng, 60 triệu bảng mà người Anh từng chi ra thực tế chỉ mua về những thùng rác vàng của châu Âu như Fernando Torres, Andriy Shevchenko, Angel Di Maria… mà thôi.
Trong khi đó tròn 20 năm về trước, Newcastle chi số tiền mà chưa một CLB bóng đá nào từng chi để mua Alan Shearer (15 triệu bảng). Và rồi không chỉ riêng họ, bóng đá Anh cũng đã chào đón một huyền thoại đi lên từ số tiền chuyển nhượng kỷ lục ấy.
Người Tây Ban Nha thực tế chỉ đi lại con đường mà người Anh đã từng thành công: Mua những cầu thủ có giá chuyển nhượng cao nhất hành tinh. Và thực tế đã chứng minh quá rõ sự thành công của La Liga.
...người Anh giờ đã tìm được một Alan Shearer mới?
Những Gareth Bale, Cristiano Ronaldo, Luis Suarez, Neymar hay xa hơn nữa là Zidane, Beckham đều để lại dấu ấn rực rỡ ở La Liga, đồng thời góp công lớn mang về những chức vô địch Champions League cho Barcelona hoặc Real Madrid.
Những bản hợp đồng kỷ lục, đó là cách mà một CLB hay cao hơn là một giải đấu chứng minh sức hút của mình. La Liga sau khi cướp thành công Cris Ronaldo từ Premier League, đã nhân cú chạy đà đó rước nốt cả những Suarez, Neymar, Bale, tạo nên một giải ngân hà đích thực ở bán đảo liberia.
Vậy tại sao người Anh không có quyền hy vọng, Paul Pogba thực tế chỉ là một chất bôi trơn, mở đường cho những ngôi sao còn lớn hơn anh trong tương lai tề tựu ở Premier League.
Người Anh mất 20 năm để nhận ra triết lý: Nếu muốn cạnh tranh với những ông lớn bạn ắt phải có vũ khí hạng nặng, tốt nhất là nặng nhất hành tinh. Sau khi chi ra 8,6 tỷ bảng, rốt cuộc thì người Anh cũng đã có thể ngẩng mặt trên lĩnh vực mà họ luôn tự cho rằng mình là bậc thầy: Chuyển nhượng.