6 cách phê bình của cha mẹ khiến con "tâm phục khẩu phục", không ấm ức trong lòng mà tự giác sửa đổi hành vi

Thanh Hương |

Phê bình con sao cho khéo là cả một nghệ thuật!

Bạn đã từng vì con nghịch ngợm mà nổi giận, rồi sau đó lại hối hận? Bạn đã bao giờ nghĩ rằng việc phê bình con cái có thể là một sức mạnh dịu dàng, một phương pháp giáo dục khiến con dễ dàng chấp nhận hơn?

Hãy cùng khám phá những cách phê bình mà trẻ dễ chấp nhận nhất, có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng phê bình cũng có thể ấm áp và hiệu quả như thế.

Cách thứ nhất: Phê bình bằng cách mô tả cụ thể sự việc

Trẻ em vốn dĩ tò mò, chúng thường không biết mình đã sai ở đâu. Khi phê bình trẻ, cha mẹ nên tránh dùng những lời lẽ chung chung, mơ hồ như "Con lúc nào cũng thế" hay "Con chẳng bao giờ nghe lời".

Thay vào đó, hãy chỉ ra cụ thể hành vi sai của trẻ. Ví dụ: "Con vừa vứt rác bừa bãi trong công viên, điều đó là sai", lời phê bình như vậy giúp trẻ hiểu rõ sai lầm của mình và dễ dàng chấp nhận, sửa đổi.

6 cách phê bình của cha mẹ khiến con "tâm phục khẩu phục", không ấm ức trong lòng mà tự giác sửa đổi hành vi- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cách thứ hai: Phê bình kèm theo bày tỏ cảm xúc và kỳ vọng

Nhiều khi cha mẹ chỉ tập trung vào hành vi của trẻ mà quên bày tỏ cảm xúc và kỳ vọng của mình. Điều này thường khiến trẻ cảm thấy bị trách mắng hơn là được thấu hiểu. Hãy bày tỏ cảm xúc và kỳ vọng của mình khi phê bình, để trẻ cảm nhận được tình yêu và sự ủng hộ của cha mẹ.

Chẳng hạn: "Mẹ/Bố thấy con vứt đồ chơi lung tung, mẹ/bố rất thất vọng. Mẹ/Bố mong con học cách tự sắp xếp đồ đạc của mình để nhà cửa gọn gàng hơn". Lời phê bình như vậy vừa chỉ ra vấn đề, vừa bày tỏ kỳ vọng, giúp trẻ dễ dàng chấp nhận hơn.

Cách thứ ba: Phê bình bằng cách khuyến khích tự suy ngẫm

Trẻ cần học cách tự suy ngẫm và rút kinh nghiệm trong quá trình trưởng thành. Cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự suy nghĩ về hành vi của mình, giúp chúng nhận ra lỗi lầm và tìm cách sửa chữa.

Ví dụ: "Con nghĩ hành động vừa rồi của con có đúng không? Nếu không đúng, con nghĩ nên làm gì để tốt hơn?". Câu hỏi như vậy khuyến khích trẻ suy nghĩ về hành vi của mình và học cách chịu trách nhiệm.

Cách thứ tư: Phê bình bằng cách đưa ra gợi ý tích cực

Mục đích của phê bình không chỉ là chỉ ra lỗi lầm mà còn giúp trẻ tìm ra cách giải quyết vấn đề. Cha mẹ có thể đưa ra những gợi ý mang tính xây dựng khi phê bình, giúp trẻ biết cách sửa sai.

Ví dụ: "Mẹ/Bố biết con rất muốn chơi món đồ chơi đó, nhưng con có thể thử chia sẻ với em để cả hai cùng vui". Gợi ý này không chỉ giải quyết vấn đề hiện tại mà còn dạy trẻ cách chia sẻ và hợp tác với người khác.

Cách thứ năm: Phê bình với sự tôn trọng và khuyến khích

Mỗi đứa trẻ đều mong nhận được sự tôn trọng và công nhận từ cha mẹ. Khi phê bình, hãy cố gắng giữ thái độ tôn trọng và khuyến khích, để trẻ cảm nhận được sự ủng hộ và niềm tin của cha mẹ. Dù trẻ có mắc lỗi, chúng ta cũng nên công nhận nỗ lực của trẻ và khuyến khích chúng tiếp tục cố gắng.

Ví dụ: "Mẹ/Bố biết con rất muốn làm tốt việc này, nhưng lần này cách làm chưa đúng. Mẹ/Bố tin lần sau con sẽ làm tốt hơn". Lời phê bình như vậy không chỉ chỉ ra vấn đề mà còn khuyến khích trẻ tiếp tục cố gắng, giúp trẻ tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn.

Cách thứ sáu: Phê bình bằng cách nói "Bố/mẹ thấy", thay vì chỉ trích trực tiếp "Con đã sai"

Khi cha mẹ trực tiếp phê bình "Con đã sai", "con làm như này là hư",... dễ khiến trẻ cảm thấy bị chỉ trích và tấn công, dẫn đến phản kháng. Trong khi đó, nếu nói "Bố/mẹ thấy" sẽ tập trung vào cảm xúc và quan điểm của cha mẹ, đặt cha mẹ và con cái vào cùng một vị trí, giảm bớt xung đột và khiến trẻ dễ chấp nhận hơn.

Ví dụ: "Mẹ/Bố thấy con làm như vậy không ổn, mẹ/bố hy vọng con có thể sửa đổi"/ Cách diễn đạt này làm giảm xung đột và khiến trẻ sẵn lòng lắng nghe ý kiến của bạn.

Sáu cách phê bình này không phải là độc lập mà có thể kết hợp với nhau, tùy theo tính cách và tình huống cụ thể của trẻ mà linh hoạt áp dụng. Khi phê bình con, chúng ta cần kiên nhẫn và yêu thương, dùng sự dịu dàng nhưng kiên định để hướng dẫn trẻ trưởng thành!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại