Hình thức là buộc 4.500 nữ giới bản địa phải đeo vòng tránh thai mà không có sự đồng ý của nạn nhân hoặc gia đình. Sự việc vừa bị phát lộ trong một loạt chương trình phát thanh trên mạng và một số nạn nhân đã lên tiếng tố cáo.
Năm 1974, bà Britta Mortensen là một thiếu nữ trên đảo Greenland, Đan Mạch. Bà kể lại: "… Rất đau đớn khi họ đưa vòng vào… Vòng ấy không phải dành cho một thiếu nữ như tôi. Tôi khi đó mới 16 tuổi".
Theo điều tra của Đài phát thanh - truyền hình công DR của Đan Mạch, khoảng 4.500 nữ giới người bản địa trên đảo Greenland đã là nạn nhân của chính sách kiềm chế tỷ lệ sinh, và phải chịu việc bắt buộc đeo vòng tránh thai trong khoảng những năm 1960-1970.
Bà Britta Mortensen - Đảo Greenland, Đan Mạch cho biết: "Khi tôi 15 tuổi tôi được gửi đi học trường nội trú, người phụ trách trường ấy nói tôi phải đeo vòng tránh thai. Tôi nói không, nhưng bà ấy bảo có, tôi sẽ phải đeo vòng tránh thai dù tôi nói không".
Cha mẹ bà Mortensen cũng không bao giờ được hỏi có đồng ý cho con đeo vòng tránh thai không, thậm chí họ còn chưa bao giờ được thông báo. "Tôi không được thông báo gì hết, đó là một chủ đề cấm kỵ. Tôi rất xấu hổ, đến giờ tôi mới nói ra. Đến khi chuyện được đưa ra bàn luận trên công luận".
Bà Britta Mortensen - Đảo Greenland, Đan Mạch
Hiện bà Mortensen cùng hơn 70 phụ nữ đã tham gia vào một nhóm cùng nhau kể lại và thảo luận những gì đã xảy ra. Điều này cũng thật khó khăn vì họ còn phải nói cả đến chuyện không thể có con.
Nhiều phụ nữ trong số này còn không hề biết là đang đeo vòng tránh thai, chỉ đến khi đi khám phụ khoa tại quê nhà và bác sỹ cùng là người Greenland như họ nói cho biết. Bởi thường thì họ bị đặt vòng tránh thai khi đi phá thai mà không được hỏi ý kiến.
"Chính phủ Đan Mạch phải xin lỗi vì đã gây ra những đau đớn mà tôi đã phải chịu. Chúng tôi phải được đền bù vì những bất công mà chúng tôi đã phải trải qua, nó không những khiến tôi phải tủi nhục, mà còn là một hành động phạm pháp", bà Britta Mortensen nói.
Theo các nhà sử học, chiến dịch hạn chế người Greenland có con của Đan Mạch xuất phát từ quan điểm từ thời thuộc địa. Quan điểm này cho rằng người Greenland thiếu văn hóa.
Những lời tố cáo của các phụ nữ bản địa Greenland được đưa ra trong bối cảnh Đan Mạch và Greenland đang xem xét lại quan hệ trong quá khứ. Greenland đã trở thành lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch vào năm 2009.