Các thuyền viên người thuyền viên Philippines làm việc trên một con tàu. Ảnh: New York Times
Kênh DW (Đức) cho biết 400.000 thuyền viên Philippines đã gặp khó khăn kể từ khi Cơ quan An toàn hàng hải châu Âu (EMSA) tiến hành thẩm tra về khả năng Philippines đã không tuân thủ an toàn hàng hải quốc tế. EMSA vốn chịu trách nhiệm giảm rủi ro tai nạn hàng hải, ô nhiễm biển từ tàu và thiệt hại về người trên biển.
Trước đó, EMSA đã nêu rõ rằng việc đào tạo và cấp chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục hàng hải của Philippines không đáp ứng được hướng dẫn bắt buộc dựa trên Công ước Quốc tế về tiêu chuẩn Đào tạo, Chứng nhận và Trực ca đối với thuyền viên.
Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ ra phán quyết sau cuộc thẩm tra của EMSA. Trong trường hợp EC đồng thuận với đánh giá của EMSA, họ có thể không còn công nhận chứng chỉ năng lực của các thuyền viên Philippines. Điều này đồng nghĩa với việc các thuyền viên Philippines không thể làm việc trên tàu treo cờ Liên minh Châu Âu. Philippines cũng có thể bị loại khỏi "danh sách trắng" của Tổ chức Hàng hải Quốc tế về các quốc gia với thuyền viên có khả năng được tuyển dụng.
Đại diện báo chí của EC, bà Celia Dejond nói với DW rằng trong trường hợp quyết định ngừng được áp dụng, các chứng chỉ thuyền viên hiện có sẽ chỉ được công nhận cho đến khi chúng hết hạn. Thời hạn có hiệu lực của chứng chỉ thuyền viên tối đa là 5 năm. Bà Dejond bổ sung rằng quyết định cuối cùng có thể được đưa ra vào cuối quý đầu năm 2023.
EMSA đã cảnh báo vấn đề này với Philippines từ năm 2006. Vào tháng 11 vừa qua, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp gỡ các quan chức vận tải của Liên minh Châu Âu tại Bỉ và đảm bảo với họ rằng chính phủ cam kết giải quyết những thiếu sót được nêu và tuân thủ các quy định của Châu Âu. Các quan chức khẳng định chính phủ Philippines đã thực hiện biện pháp nhất quán để cải thiện đào tạo và giáo dục hàng hải.
Dữ liệu từ Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển cho thấy Philippines là quốc gia có số thuyền viên đông nhất thế giới, tiếp đó là Nga. Ước tính có 380.000 thuyền viên Philippines, tương đương 1/4 tổng số thủy thủ đoàn tàu thương mại toàn cầu, làm việc trên các tàu trong nước hoặc tàu treo cờ nước ngoài.
Theo Ngân hàng trung ương Philippines, tính riêng năm 2021, các thuyền viên nước này đã gửi về nhà gần 6,54 tỷ USD tiền kiều hối.
Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các thuyền viên Philippines. Trong giai đoạn cao điểm dịch năm 2020, khoảng 50.000 thuyền viên Philippines đã trở về nhà. Theo các dữ liệu của chính phủ, việc tuyền dụng thuyền viên mới chỉ trở lại trạng thái bình thường từ năm 2021.
Ông Jan Hoffmann, người đứng đầu bộ phận hậu cần thương mại tại Hội nghị của Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển, nói với DW: "Các thuyền viên, bao gồm cả người Philippines, đã phải chịu đựng rất nhiều trong đại dịch COVID-19. Những khó khăn hơn nữa về việc làm không thực sự là điều họ cần".