Có bao giờ bạn chợt tỉnh dậy trong đêm và suy nghĩ về một vấn đề hoặc một điều gì đó khiến bạn sợ hãi? Nỗi sợ chính là thủ lĩnh của "băng đảng sát thủ Hạnh phúc" gồm có: nghi ngờ, lo lắng và sự suy diễn.
Không chỉ trong giấc ngủ, bạn có thể bị các yếu tố này làm phiền bất cứ lúc nào trong ngày. Nếu không được giám sát, tâm trí của chúng ta sẽ lớn lên giống như một ngôi nhà vô chủ, sẵn sàng chấp nhận bất cứ ai gõ cửa.
Dưới đây là một số nguyên nhân cuộc sống của bạn lúc nào cũng u ám, thiếu sức sống và cách để kiểm soát chúng.
1. Lo lắng
Nỗi lo lắng là cách mà chúng ta sử dụng để tiên đoán và giải thích cho những sự việc mà mình chưa có lời giải hoặc chưa biết trước kết quả.
Sự lo lắng khiến bạn bị tách ra khỏi thực tại, rơi vào mê cung của những suy nghĩ tiêu cực và cảm thấy mệt mỏi.
Lo lắng có thể xuất hiện với nhiều cách khác nhau. Bạn có thể trằn trọc suốt đêm lo nghĩ về tương lai, sự nghiệp, các mối quan hệ và hàng ngàn những việc khác.
Phương thức để tự giải thoát bản thân khỏi nỗi lo âu, phiền muộn là sử dụng trí tưởng tượng của bạn.
Hãy tưởng tượng ra những kết quả tốt đẹp nhất để tạo thành động lực và hi vọng. Hoặc nếu bạn phải đối mặt với tình huống tồi tệ, hãy học cách chấp nhận những gì bạn không thể thay đổi.
Điều tốt nhất bạn có thể làm là chuẩn bị hết sức để đối phó với tình huống có thể xảy ra, và chấp nhận thực tế là có những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.
Và đôi khi bạn không thể thay đổi hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi cách suy nghĩ về hoàn cảnh đó.
2. Sự hoài nghi
Một câu hỏi phổ biến mà nhiều người trong chúng ta rồi đây sẽ tự vấn chính mình là: “Bản thân tôi đã đủ tốt chưa, đã cố gắng hết mình chưa?”.
Đó là một câu hỏi chứa đầy sự nghi ngờ và đôi khi chứa đựng cả sự tàn nhẫn mà bạn đang dành cho chính mình.
Việc không tin tưởng bản thân có thể xuất phát từ những ý kiến, đánh giá và quan điểm của những người xung quanh bạn.
Nhưng bạn không thể cứ mãi nhìn vào suy nghĩ của người khác để sống. Đến một lúc nào đó, chúng ta phải tự kiểm soát cuộc sống của chính mình, với những chuẩn mực và giá trị của riêng bạn.
Sự tự tin không phải là tố chất của một con người. Chúng cũng cần có thời gian để rèn luyện mỗi ngày và lớn dần theo năm tháng.
Vì những điều kiện cá nhân khác nhau mà đôi khi chúng ta sẽ cảm thấy bản thân không bằng một ai đó. Những suy nghĩ tiêu cực và cảm giác không an toàn có thể bất chợt xuất hiện.
Nhưng nếu bạn chỉ tập trung vào khiếm khuyết thì tâm trạng của bạn sẽ trở nên tệ hơn.
Thay vì nhìn vào thất bại, tại sao bạn không thử trân trọng những điểm mạnh của bản thân? Cũng giống như với điểm yếu, chúng ta ai cũng phải có một thế mạnh nào đó. Có thể bạn đã tìm ra hoặc có thể chưa.
Nếu đã tìm ra thì hãy hết sức phát huy nó, còn nếu chưa tìm thấy thì hãy nỗ lực thử sức ở nhiều phương diện khác nhau.
Khi bạn nhận ra mình có điều gì đó tuyệt vời, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn. Tự tin hơn sẽ giúp bạn kiếm tìm thành công và hạnh phúc dễ dàng hơn.
3. Suy diễn cá nhân
Suy diễn cá nhân hay còn gọi là tách sự việc ra khỏi bối cảnh, đưa ra kết luận dựa trên thông tin một phần.
Đây vốn là một căn bệnh mãn tính mà nhiều người mắc phải. Người hay suy diễn thường hay bắt bộ não của mình phải nhớ những thông tin, những chi tiết nhỏ nhặt mà quên hẳn đi bức tranh tổng thể.
Kết quả là chúng ta trở nên lo âu, hoang mang với những suy nghĩ do mình tự vẽ ra. Đó có thể chỉ đơn giản là những quy chụp ngớ ngẩn như anh chàng trong lớp aerobic đang cố gắng tán tỉnh bạn chỉ vì anh ta nhìn bạn vài lần.
Hay thậm chí có thể dẫn đến những hành động nguy hại hơn.
Ví dụ, viên sĩ quan cảnh sát có thể bắn một người mặc áo khoác đỏ đang di chuyển nhanh khỏi hiện trường vụ án vì anh được thông tin rằng nghi phạm mặc đồ sáng màu.
Vậy làm sao để thay đổi?
Để làm được việc này, hãy nghĩ về bức tranh tổng thể của một sự việc. Cuộc sống sẽ luôn có những việc bất ngờ nằm ngoài dự định xảy đến.
Người suy diễn thường tập trung quá nhiều vào những điều bất ngờ này và cố gắng giải quyết chúng.
Thay vì thế, tại sao bạn không thử luyện cho não cảm thấy thoải mái với những bất ngờ của cuộc sống và xem đó là những trải nghiệm thú vị?
Bạn biết đấy, mọi việc đều có hai cách giải quyết: hoặc là cứ đi tìm câu trả lời mà bạn đang lo lắng, hoặc là bạn sẽ tự an ủi bản thân: “Không biết cũng không sao!”.