2020 rồi, ngay từ bây giờ hãy lên kế hoạch tài chính cho bản thân: Tiết kiệm nhiều hơn, trả hết nợ và chi tiêu ít đi!

Duy Thắng |

Mọi người thường đặt mục tiêu tài chính cho năm mới nhưng lý do hàng đầu dẫn đến thất bại là không có phương pháp cụ thể.

Theo nghiên cứu của Fidelity Investments, khoảng một nửa trong số chúng ta đều không thực hiện được các kế hoạch tài chính đã đề ra trong năm 2019. 

Điều đó không có gì là lạ bởi những mục tiêu chúng ta đặt ra thường mơ hồ, không rõ ràng và khó để theo sát.

Keith Donald Edmondson, phó giáo sư tại Đại học Columbia, chia sẻ rằng: Mọi người có xu hướng bỏ dở kế hoạch đã đề ra hoặc thay đổi kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm của mình bởi vì ngay từ đầu họ đã không xây dựng một kế hoạch cụ thể, chi tiết và rõ ràng.

Dưới đây là cách thức lập kế hoạch để bạn có thể thực hiện ba trong số các mục tiêu tài chính phổ biến nhất cho năm 2020 - tiết kiệm nhiều hơn, trả nợ và chi tiêu ít hơn:

Tiết kiệm nhiều hơn

"Tiết kiệm nhiều tiền hơn" là giải pháp hàng đầu được trích dẫn trong nghiên cứu của Fidelity. 53% số người được hỏi đều đồng ý rằng đó là ưu tiên hàng đầu của họ cho năm 2020.

Giải pháp tiết kiệm đối với nhiều người là một công việc khó khăn, để hoàn thành được mục tiêu đó bạn cần một chiến lược rõ ràng. Nghiên cứu của Fidelity đề xuất phương thức tiết kiệm kiểu SMART như sau:

Cụ thể (Specific) : Lên kế hoạch tiết kiệm, tìm hiểu xem bạn sẽ thực hiện nó như thế nào. Mục tiêu ở đây càng cụ thể càng tốt: Thay vì kế hoạch tiết kiệm tiền chung chung hãy vạch ra kế hoạch chi tiết như tiết kiệm 4.000 USD trong 12 tháng.

Đo lường được (Measurable): Bạn cần ghi chép, sử dụng các dữ liệu / số liệu để theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện của bản thân mình.

2020 rồi, ngay từ bây giờ hãy lên kế hoạch tài chính cho bản thân: Tiết kiệm nhiều hơn, trả hết nợ và chi tiêu ít đi! - Ảnh 1.

hay vì kế hoạch tiết kiệm tiền chung chung hãy vạch ra kế hoạch chi tiết như tiết kiệm 4.000 USD trong 12 tháng

Có thể đạt được (Achievable): Mục tiêu được đề ra cần thực tế, phù hợp với năng lực và kỹ năng của bạn.

Có liên quan (Relevant): Bạn nên đưa ra một mục tiêu thật sự quan trọng với bản thân.

Kịp thời (Timely): Cần có một khung thời gian nhất định để bạn có thể hoàn thành mục tiêu của mình.

Thay vì nói rằng mình sẽ tiết kiệm tiền, bạn nên vạch ra cho mình một kế hoạch cụ thể về cách bản thân sẽ tiết kiệm. Ví dụ như mỗi tháng cam kết tiết kiệm thêm 5% từ thu nhập có được hoặc tăng số tiền bạn dành cho hưu trí từ 6% lên 10%.

Trả nợ

Chỉ hơn một nửa số người được hỏi muốn trả hết nợ và 68% nói rằng họ đang đặt mục tiêu sống một cuộc sống không nợ nần.

Nếu đây là điều bạn muốn làm trong năm 2020, hãy dành thời gian trong tuần tới để lập kế hoạch hành động cụ thể để xử lý đống nợ của mình. 

Một trong những phương pháp tốt nhất để trả nợ, theo nghiên cứu từ Harvard Business Review là áp dụng phương pháp "quả cầu tuyết".

Sử dụng phương pháp này, bạn sẽ thực hiện thanh toán tối thiểu các khoản nợ mình đang có (nợ thẻ tín dụng, khoản vay sinh viên, …). 

Sau đó, dồn tiền thanh toán các khoản nợ nhỏ nhất, bất kể lãi suất. Phương pháp này có lợi về mặt tâm lý: Trả hết một khoản nợ nhỏ sẽ giúp bạn có động lực để tiếp tục chi trả cho các khoản nợ tiếp theo.

Một phương thức phổ biến khác để trả nợ là phương thức "tuyết lở", phương thức này khuyên bạn nên tập trung vào việc trả hết các khoản nợ có lãi suất cao trước tiên. 

Về mặt tài chính, phương pháp này có lợi hơn so với phương pháp "quả cầu tuyết" bởi vì bạn sẽ tiết kiệm nhiều hơn cho các khoản thanh toán lãi. Tuy nhiên, bạn cũng có thể cảm thấấy chán nản khi không nhìn thấy kết quả nhanh chóng.

2020 rồi, ngay từ bây giờ hãy lên kế hoạch tài chính cho bản thân: Tiết kiệm nhiều hơn, trả hết nợ và chi tiêu ít đi! - Ảnh 2.

Trả hết một khoản nợ nhỏ sẽ giúp bạn có động lực để tiếp tục chi trả cho các khoản nợ tiếp theo

Còn một phương pháp nữa có tên gọi "bão tuyết". Đầu tiên, viết các khoản nợ của bạn ra giấy theo thứ tự số dư. 

Sau đó, trả hết các khoản nợ nhỏ nhất, theo phương pháp "quả cầu tuyết". Khi bạn đã có động lực trả nợ, hãy chuyển sang phương pháp "tuyết lở" và trả các khoản nợ có lãi suất cao.

Bất kể bạn chọn chiến lược nào, hãy theo dõi tiến trình thực hiện của mình. Bạn nên ghi lại chúng, có thể viết lên một quyển sổ ghi chú bên cạnh giường của bạn hoặc trên những tờ giấy note dán trên tủ lạnh. 

Nhìn thấy sự tiến bộ mỗi ngày ở một nơi dễ dàng tiếp cận sẽ giúp bạn có cảm hứng trả nợ hơn.

Chi tiêu ít đi

Để thực sự đạt được điều này, bạn cần biết số tiền mình thường chi tiêu mỗi tháng cho các danh mục như: nhà ở, thực phẩm, giao thông, quần áo, giải trí, … Sau đó, quyết định danh mục nào bạn muốn chi tiêu ít hơn và theo dõi chi tiêu của bạn mỗi tháng.

2020 rồi, ngay từ bây giờ hãy lên kế hoạch tài chính cho bản thân: Tiết kiệm nhiều hơn, trả hết nợ và chi tiêu ít đi! - Ảnh 3.

Bạn cần chắc chắn rằng mục tiêu của mình có thể đạt được nhưng đồng thời nó có ý nghĩa với cuộc sống mà bạn muốn hướng tới

Một chiến thuật cụ thể khác để chi tiêu ít hơn: Đề ra quy tắc "không chi tiêu" cho bản thân mình. 

Nếu có một số thứ bạn thường bỏ ra quá nhiều tiền để mua chúng như đồ trang điểm, sách, trò chơi, hãy đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt cho bản thân, không chi tiêu trong một khoảng thời gian như một tháng hoặc một mùa trong năm.

Trong suốt cả năm, hãy suy nghĩ về cách bạn tiến bộ và thực hiện các thay đổi khi cần thiết. Để thành công, bạn cần chắc chắn rằng mục tiêu của mình có thể đạt được nhưng đồng thời nó có ý nghĩa với cuộc sống mà bạn muốn hướng tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại